Lương tối thiểu vùng tăng từ 01/7, tiền lương tính đóng BHXH sẽ như thế nào? 16/06/2022
Từ ngày 01/7/2022, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng thêm 6%, dẫn đến tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cũng có sự điều chỉnh.
Ảnh minh họa
Như đã thông tin, mới đây Chính phủ chính thức thông qua quyết định tăng mức lương tối thiểu vùng của người lao động thêm 6% mỗi tháng.
Theo đó, vùng I tăng 260.000 đồng, từ mức 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 240.000 đồng từ 3.420.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV, tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Việc tăng mức lương tối thiểu vùng dẫn đến tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc cũng có sự điều chỉnh.
Theo quy định hiện hành, tại khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Tuy nhiên, pháp luật có giới hạn mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu và tối đa.
Cụ thể, theo Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu quy định như sau:
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, mức đóng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề, mức đóng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mức đóng cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Với người lao động làm công việc hoặc chức danh trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, mức đóng cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Trên thực tế nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH bắt buộc hàng tháng với mức tối thiểu, chính vì vậy, lương tối thiểu vùng tăng từ 01/7/2022 sẽ là cơ sở buộc các doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.
Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa, mức lương đóng BHXH tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng). Như vậy, mức lương tháng cao nhất để tính mức đóng BHXH bắt buộc là 29,8 triệu đồng/tháng.
Ngoài tăng mức đóng BHXH, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng khi tiền lương vùng tối thiểu tăng.
Lý do, tại khoản 2 Điều 15 Quyết định 595 quy định, đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Trường hợp mức lương tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)