Giá bán khởi sắc, nhân đôi niềm vui cho người góp đất trồng cao su ở Lai Châu 20/05/2024
Hiện giá mủ cao su trên thị trường khởi sắc, công nhân, người lao động ở Lai Châu đang nỗ lực khắc phục khó khăn về thời tiết, khí hậu, sớm khuya bám rừng, quyết tâm đảm bảo sản lượng kế hoạch được giao.
Với gần 13.000ha, cây cao su đang là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân ở Lai Châu. Niềm vui đang nhân đôi khi vừa có lương, thưởng cao và 10% mủ được hưởng khi góp đất.
Sau cơn mưa rừng buổi đêm, khi trời còn tranh sáng tranh tối, hàng trăm công nhân là đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao ở địa phương và các xã lân cận, thuộc Nông trường cao su Chăn Nưa, Công ty CP Cao su Lai Châu II đã có mặt tại khoảnh rừng cao su được giao. Ai vào việc nấy, tiếng cạo mủ sột soạt hòa cùng tiếng nói cười ròn tan. Dòng “vàng trắng” tứa ra từ các vết cạo quấn quanh các thân cây, báo hiệu một mùa vụ sản lượng cao.
Đến nay tất cả các nông trường cao su ở Lai Châu đã ra quân cạo mủ với quyết tâm cao đạt được kế hoạch năm 2024
Anh Vàng Văn Mạnh, tổ trưởng Tổ 5, Nông trường cao su Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ chia sẻ: Để đảm bảo sản lượng được giao, những ngày này đội ngũ làm công tác quản lý thường xuyên liên hệ, trao đổi, động viên công nhân để kịp thời nắm bắt các trường hợp ốm đau để có kế hoạch bổ sung nhân lực. Vào mỗi buổi sáng tổ trưởng đều có mặt tại các khoảnh rừng cao su để đồng hành, kiểm tra, hướng dẫn công nhân cạo mủ.
“Để có sản lượng cao nhất, tổ truyền đạt tới người lao động để nâng cao tay nghề, chỉ dạy các kiến thức cạo mủ và nhắc công nhân giờ giấc cạo hợp lý. Việc sát sao với công nhân nhằm động viên họ nỗ lực, cố gắng cạo để làm sao đạt được sản lượng mủ cao nhất theo yêu cầu của công ty”, anh Mạnh cho biết.
Bước vào mùa cạo mủ cao su năm 2024, Công ty CP Cao su Lai Châu II được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao khai thác hơn 4.300ha, với sản lượng 4.000 tấn mủ quy khô. Để hoàn thành sản lượng mủ được giao, đơn vị đã tuyển đủ số lượng lao động, công nhân và đào tạo tay nghề, tập huấn kỹ thuật ngay từ đầu mùa vụ. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình khai thác mủ cao su, phân định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đặt ra mục tiêu cụ thể cần đạt trong từng tháng, quý, năm.
Cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần cao su Lai Châu II hướng dẫn công nhân mới tuyển kỹ thuật cạo mủ
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Lai Châu II cho biết đợt mưa đá, gió lốc xảy ra vừa qua đã làm hơn 10.000 cây cao su của đơn vị bị đổ gãy; hơn 30 nhà lán của công nhân vị đổ sập, tốc mái…làm gần 800 ha cao su phải nghỉ cạo, ước thiệt hại gần 4 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, đơn vị đã huy động lực lượng để tập trung khắc phục và đến nay đã khai thác được hơn 200 tấn mủ quy khô.
“Đầu tháng 5, sau khi có mưa xuống công ty đã tiến hành cho công nhân khai thác mủ. Để đảm bảo được kế hoạch sản lượng giao, dù gặp khó khăn trong các tháng 5, 6, 7 là mùa mưa trên địa bàn sản xuất, nhưng công ty vẫn giữ nguyên sản lượng ban đầu đã đăng ký với Tập đoàn. Bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 11 là thời điểm cho sản lượng cao nhất, công ty sẽ áp dụng chế độ tăng nhát để bù đắp sản lượng bị mất do hạn hán và thiên tai để quyết tâm hoàn thành sản lượng 4.000 tấn mủ quy kho mà Tập đoàn giao”, ông Phước cho hay.
Dù gặp khó khăn về nguồn lao động ngay từ đầu mùa vụ, khi một số công nhân rút bảo hiểm 1 lần, tuy nhiên Công ty CP Cao su Lai Châu II đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức hợp đồng khoán sản phẩm. Do được ký hợp đồng chính thức với đơn giá khoán sản phẩm cao hơn và có chính sách khen thưởng tháng lương thứ 13, nên đến nay đơn vị đã tuyển đủ lao động để thực hiện mục tiêu sản lượng được giao.
Cũng như Công ty CP Cao su Lai Châu II, bước vào vụ cạo mủ cao su năm 2024, Công ty CP Cao su Lai Châu cũng gặp không ít khó khăn về nguồn lao động, khi một số công nhân rút bảo hiểm một lần và chuyển đổi sang hợp đồng khoán sản phẩm. Để đảm bảo quyền lợi của công nhân, đơn vị đã đưa ra giải pháp ký hợp đồng chính thức và có đơn giá sản phẩm cao hơn nên đã thu hút được người lao động ở lại.
Ông Lương Văn Thủy, Giám đốc Nông trường cao su Nậm Tăm, Công ty CP Cao su Lai Châu cho biết, quá trình các công nhân rút bảo hiểm và làm đơn xin nghỉ, Ban quán lý nông trường cũng đã đến từng hộ gia đình để tuyên truyền. Cán bộ phòng hành chính của Công ty cũng xuống nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải thích những quyền lợi cần phải giữ, nếu bỏ ngang sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
Hàng nghìn người dân là đồng bào các dân tộc địa phương đã được tuyển vào làm công nhân các công ty cao su và có việc làm, thu nhập ổn định
Công ty CP Cao su Lai Châu hiện có hơn 1.000 cán bộ, người lao động. Năm 2024, công ty đưa vào khai thác 6.500ha, với sản lượng giao hơn 6.800 tấn mủ quy khô. Để hoàn thành kế hoạch, đơn vị đã tính toán lại đơn giá cạo mủ cho công nhân, phân bổ tiền lương của cả năm để đảm bảo đời sống người lao động. Đặc biệt, ngay từ đầu mùa vụ đơn vị đang thực hiện chế độ cạo D3 (3 ngày cạo 1 lần), đồng thời áp dụng chính sách khen thưởng, kỷ luật kịp thời để khuyến khích người lao động gia tăng năng suất.
Ông Bùi Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Nông trường cao su Lai Châu cho biết, công ty đã có chính sách thu hút, tuyển dụng lao động ở địa phương tùy thuộc vào thực tế của từng nông trường. “Để đạt được sản lượng giao, ngoài thu hút và giữ chân người lao động, công ty đã tính toán lại đơn giá cân mủ cho công nhân và tính toán, phân phối lại tiền lương của cả năm. Ví dụ thời điểm mủ ít phải tính toán để có đơn giá cao hơn và tạo việc làm thêm cho công nhân có thu nhập ổn định”, ông Tâm nêu giải pháp.
Giá mủ cao su trên thị trường thời điểm này đang ở mức gần 41 triệu đồng/tấn, đây là động lực cho công nhân, người lao động ở địa phương nỗ lực để tăng sản lượng mủ cạo. Bởi ngoài được hưởng lương, thưởng hàng tháng, công nhân là đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn được hưởng 10% sản lượng mủ từ việc góp đất, từ đó góp phần nâng cao đời sống, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững.
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)