Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) 02/01/2024
Duy trì chứng nhận rừng bền vững còn khó hơn việc đạt được. Thậm chí nhiều doanh nghiệp cao su còn đi trước nhu cầu của thị trường dù kinh phí, công sức đầu tư lớn, lợi nhuận lại rất thấp. Thế nhưng, trồng và phát triển rừng bền vững được xem là hướng đi đảm bảo cho tương lai của ngành cao su.
LTS: Chủ đề phát triển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững luôn nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, và cộng đồng. Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo các nước đã cam kết mạnh mẽ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Ngành cao su Việt Nam cũng vừa ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh và Phát triển bền vững giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn 2050, với 3 mục tiêu: Phát triển kinh tế – Bảo vệ môi trường – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Dù còn không ít khó khăn, các đơn vị trong ngành đã và đang lấy sản xuất kinh doanh xanh làm chiến lược và lợi thế cạnh tranh cho mình.
Tiền bán cao su đạt chứng nhận rừng bền vững chỉ cao hơn 1%, tại sao doanh nghiệp cao su vẫn đeo đuổi?
Trong năm 2023, Công ty CP Cao su Tân Biên, tại huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) đã được tổ chức GFA đánh giá duy trì và cấp chứng chỉ rừng quốc gia VFCS/PEFC cho tổng diện tích cao su hơn 4.426ha.
Công nhân khai thác mủ cao su ở Công ty CP Cao su Tân Biên, tại huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Nguyên Vỹ
Trong đó, chứng chỉ PEFC được cấp cho Nông trường cao su Suối Ngô hơn 1.999ha; nông trường Bổ Túc gần 2.427ha. Đây là 2 nông trường lớn chiếm khoảng 60% diện tích toàn công ty. 2 nông trường cao su còn lại chưa thực hiện chứng chỉ vì theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh sẽ đưa diện tích này vào phát triển khu công nghiệp.
Theo ông Trương Văn Cư - Tổng Giám đốc Cao su Tân Biên, tăng trưởng xanh hay xanh hóa chỉ hơi khác nhau về thuật ngữ. Những chủ đề này đã nằm trong chiến lược phát triển bền vững của công ty từ nhiều năm trước. Chiến lược này dựa trên những trụ cột căn bản như phát triển kinh doanh, phát triển cộng đồng, và bảo vệ môi trường.
Riêng về chứng nhận rừng bền vững PEFC, ông Cư cho biết, doanh nghiệp phải đảm bảo được nguồn lực con người được huấn luyện bài bản để đạt và duy dì chứng nhận. Tiếp theo là nguồn lực tài chính để thực hiện các bước đầu tư.
Khó khăn lớn nhất bắt đầu từ nhận thức. Bởi vì làm chứng nhận PEFC phải thông qua rất nhiều hồ sơ, thủ tục. Lãnh đạo công ty phải nhận thức rõ lợi ích lâu dài, các biện pháp thực hiện trước mắt mới có thể tư vấn, truyền đạt lại cho anh chị em công nhân.
Việc duy trì chứng nhận này còn khó hơn khi đạt được, vì toàn công ty phải đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống công nhân, quan hệ tốt với cộng đồng. "Việc này không phải tự mình nghĩ ra mà do cộng đồng, chính quyền và tổ chức chứng nhận đánh giá", ông Cư nói.
Công nhân Nông trường cao su Tân Hiệp (Công ty CP Cao su Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) tập kết mủ đạt chứng nhận rừng bền vững. Ảnh: Nguyên Vỹ
Khó khăn tiếp theo là lợi nhuận thu được từ chứng chỉ rừng bền vững chưa cao. Mủ cao su đạt chứng nhận có giá bán cao mủ thường hơn chỉ 20-25 USD.
Nghĩa là theo giá sàn của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), 1 tấn mủ bình thường bán ra ngoài giá 1.500 USD. Mủ cao su đạt chứng nhận của Cao su Tân Biên chỉ thu thêm 1,3-1,6%.
Chứng nhận rừng bền vững tốt cho cả cộng đồng
Ông Cư kể thêm, năm đầu tiên đạt chứng nhận, công ty không bán được tấn mủ nào do chứng chỉ còn mới, nhu cầu chưa cao. Công ty đã đi trước nhu cầu thị trường song khách hàng chưa chấp nhận trả tiền thêm. Tuy nhiên, Công ty cũng không thể bán mủ đạt chứng nhận bằng với giá mủ bình thường. Như thế là tự đi bán phá giá chính mình.
Đến năm 2023, công ty bắt đầu giao dịch được với các khách hàng của châu Âu, bán được 80 tấn mủ cao su đạt chứng nhận, cao gấp đôi kế hoạch năm. Dù khách hàng đang mua số lượng ít nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực xanh hóa "vàng trắng" mà Cao su Tân Biên đang theo đuổi.
Về bản chất, cây cao su có chứng nhận không khác mấy với cây không được chứng nhận. Nhưng cây cao su có chứng nhận mang hình ảnh biểu bượng cho việc đảm bảo đời sống người lao động, daonh nghiệp không phá rừng, không ô nhiễm môi trường.
Trong tương lai, nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh, sạch ngày càng tăng ở trong nước và thế giới. "Người tiêu dùng sẽ nhận thức việc bỏ ra một khoản chi phí cao hơn để sử dụng sản phẩm cao su bền vững là tốt cho cả cộng đồng. Tôi tin rằng điều này sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho mọi người", ông Cư nói.
Vườn cao su của Công ty CP cao su Tây Ninh đã thực hiện xong phương án Quản lý rừng bền vững, Chứng chỉ rừng. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Nguyễn Hồng Thái - Tổng Giám đốc Công ty CP cao su Tây Ninh (huyện Gò Dầu, Tây Ninh) cho biết, công ty đã thực hiện xong phương án Quản lý rừng bền vững, Chứng chỉ rừng, và Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC cho 3 nông trường, xí nghiệp trực thuộc.
Theo ông Thái, cao su có chứng nhận mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng doanh thu. Tuy nhiên, việc tiếp cận chứng chỉ rừng bền vững giúp công ty có định hướng và mục tiêu rõ ràng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Chưa kể, trong ngành còn nhiều doanh nghiệp khác cũng bán mủ cao su đạt chứng chỉ. Nhưng nhu cầu chưa cao nên khách hàng sẽ tính toán đến những chi phí khác, như chi phí vận chuyển. Trong khi Tây Ninh là tỉnh biên giới, cước phí chuyển về cảng TP.HCM đương nhiên sẽ cao hơn so các công ty ở gần.
Tuy nhiên, yêu cầu sử dụng sản phẩm xanh của khách hàng ở các thị trường khó tính như châu Âu ngày càng cao. "Tôi tin giá trị của sản phẩm có chứng chỉ sẽ ngày càng tăng, nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng cho các doanh nghiệp cao su", ông Thái chia sẻ.
Việt Nam hiện có 2 chứng chỉ rừng bền vững phổ biến là FSC và VFCS/PEFC. Cuối năm 2022, Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh (TP.Tây Ninh), thành viên của Hiệp hội Cao su Việt Nam là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam được cấp chứng nhận FSC trong lĩnh vực sản xuất mủ cao su.
Ông Phan Đỗ Trọng Nhân - Trưởng ban FSC Cao su Liên Anh cho biết, khó khăn lớn nhất là nhiều cao su tiểu điền vẫn chưa hiểu về FSC. Doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để liên kết và thuyết phục.
Công ty TNHH Sản xuất Cao su Liên Anh (Tây Ninh) đầu tư vùng nguyên liệu bền vững. Ảnh: Liên Anh
Hơn nữa, chi phí để thực hiện cấp chứng chỉ còn nhiều và cao, trong khi nhiều nhà vườn không chịu bỏ ra 10% diện tích rừng để bảo tồn vì lo lắng ảnh hưởng đến kinh tế của hộ gia đình.
Công ty vẫn tin rằng, khi phát triển rừng bền vững, không chỉ doanh nghiệp, nhóm hộ cao su tiểu điền cũng có lợi. Vì thế, công ty nghiên cứu chính sách giá mua phù hợp cho các hộ đạt chứng chỉ rừng bền vững; cũng như đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn hơn để thu hút bà con cùng tham gia.
Ông Võ Hoàng An - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, thị trường cao su năm 2023 chịu áp lực trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận xu hướng chuyển dịch hướng tới sản xuất có trách nhiệm, phát triển bền vững.
Ngày càng có nhiều nhà sản xuất sản phẩm làm từ cao su tiếp tục tìm kiếm nguyên liệu thô từ các nguồn bền vững. Yêu cầu của khách hàng tiêu thụ cao su thiên nhiên và gỗ cao su ngày càng tăng dần về chứng chỉ quốc tế, xác nhận năng lực quản lý bền vững và sản phẩm có nguồn gốc hợp pháp.
"Việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, cũng như cải thiện năng suất và giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực", ông An chia sẻ.
- Nga bất ngờ tăng nhập khẩu một mặt hàng của Việt Nam gấp 3 lần trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam lọt Top 3 sản lượng của thế giới (04/01/2024)
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)