logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Toàn cầu hóa đang dần thay đổi về cấu trúc 16/10/2024

 

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa điều chỉnh nâng dự báo về tăng trưởng thương mại toàn cầu, trong đó châu Á đang củng cố vai trò dẫn đầu, còn châu Âu gặp khó khăn.

 

WTO đánh giá thương mại toàn cầu có triển vọng tăng nhẹ trong năm 2024. Ảnh minh họa: THX/ TTXVN

 

Nhận định về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhật báo Les Echos của Pháp viết WTO kết luận rằng toàn cầu hóa đang dần có sự thay đổi về cấu trúc.

 

Bất chấp căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thương mại hàng hóa quốc tế vẫn hoạt động tốt. Chỉ số đánh giá lưu lượng container tại 92 cảng toàn cầu, chiếm 64% trao đổi thương mại thế giới, đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8/2024. Lưu lượng truy cập tăng rõ nhất ở Trung Quốc, Bắc Âu và phần còn lại của thế giới. Trong 8 tháng tính từ đầu năm nay, tổng lượng container thông quan tăng 5,7%. Kết quả này có thể cho thấy rằng tác động thương mại của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã được hạn chế.

 

Thương mại vẫn phục hồi mặc dù chi phí vận chuyển hàng hải hàng tháng trên toàn cầu gần như tăng gấp 5 lần kể từ tháng 10/2023, từ 1.000 USD lên 5.000 USD mỗi container. Những con số trên tuy vẫn cao nhưng chỉ bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng hậu đại dịch COVID-19, khi con số này vượt 10.000 USD.

 

Do đó, trong báo cáo mới nhất của mình, WTO đã điều chỉnh nâng dự báo về triển vọng thương mại toàn cầu. Theo đó, trong năm 2024, thương mại toàn cầu ước tăng 2,7% thay vì con số 2,6% như dự báo vào tháng 4/2023.  Tiếp theo, vào năm 2025, thương mại toàn cầu sẽ tăng 3%.

 

Châu Á đi đầu

 

Hiệu suất này phần lớn là do kết quả được ghi nhận ở châu Á, theo nhận xét của chuyên gia Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của WTO. Ông nói: “Về mặt khối lượng, xuất khẩu từ các nước châu Á sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với bất kỳ khu vực nào khác trong năm nay”. Triển vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực (4% vào năm 2024) phần nào giải thích cho những kết quả tốt đẹp này.

 

Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc đang chứng kiến doanh số bán hàng ra nước ngoài phục hồi mạnh mẽ. Đáng chú ý là Trung Quốc đã xuất khẩu rất nhiều sản phẩm điện tử, mạch tích hợp và tấm pin Mặt trời. Xuất khẩu ô tô của nước này cũng tăng đáng kể, chủ yếu sang châu Âu.

 

Nhập khẩu từ khu vực châu Á dự kiến tăng 4,3%. Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Việt Nam là những nước năng động nhất. Ba quốc gia cuối cùng kể trên dường như được hưởng lợi từ vai trò chuyển tiếp của chuỗi cung ứng đa quốc gia, do sự phân mảnh địa chính trị quốc tế và căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

 

Với sự tiến bộ vượt bậc này, châu Á đang củng cố vai trò lãnh đạo của mình. Nếu dự báo của WTO thành hiện thực, đến quý II/2025, xuất khẩu của châu Á sẽ tăng 29,4% so với mức trung bình của năm 2019. Trong khi, cùng kỳ, xuất khẩu của châu Âu dự kiến sẽ thấp hơn 2,1%. WTO cho rằng, triển vọng của châu Âu không mấy khả quan. "Lục địa Già" dự kiến sẽ giảm 1,4% về khối lượng xuất khẩu trong năm nay và nhập khẩu của khu vực này cũng có thể giảm 2,3%.

 

Những bước thụt lùi của nền kinh tế Đức, sự yếu kém của lĩnh vực sản xuất khi các chỉ số kinh tế ở mức thấp nhất trong một năm chứng tỏ thương mại châu Âu đang mất đi sự năng động. Xuất khẩu ô tô và các sản phẩm hóa chất đang gặp khó khăn.

 

Xuất khẩu của Đức giảm 2% trong nửa đầu năm 2024, của Pháp giảm 3%. Lĩnh vực nhập khẩu còn tệ hơn với mức giảm lần lượt là 6% và 7% trong cùng kỳ. Rõ ràng, toàn cầu hóa không hề mất đi mà chỉ đang thay đổi dần cấu trúc vốn có.

 

Thương mại Mỹ đóng cửa, châu Âu đang cân nhắc, BRICS tự bảo vệ mình

 

Trong lĩnh vực trao đổi thương mại, tỷ lệ mở cửa của Mỹ, tức là tổng xuất khẩu và nhập khẩu so với GDP, đã giảm trong mười năm. Châu Âu vẫn là khu vực kinh tế lớn cởi mở nhất, trong khi các nước Nam Toàn cầu (các nước ở châu Phi, Mỹ Latinh và các khu vực đang phát triển ở châu Á) không ngần ngại thực hiện các biện pháp bảo hộ. Đây chính là bức tranh về toàn cầu hóa ngày nay.

 

Trên thực tế, Mỹ ngày càng ít cởi mở hơn với thế giới. Tỷ lệ mở cửa của đất nước, tức là tỷ trọng của xuất nhập khẩu so với GDP, đã giảm từ 31% GDP năm 2012 xuống 25% GDP vào năm 2023.

 

Điều đáng ngạc nhiên nhất là xu hướng này diễn ra mà không cản trở sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng tỷ lệ mở cửa cao hơn sẽ có tác động có lợi đến GDP hơn.

 

Mỹ có nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ và phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, sản lượng sản xuất của Mỹ, một phần được bán ra nước ngoài, ngày nay vẫn thấp hơn 5% so với mức đỉnh điểm kể từ năm 2007. Và “ngành công nghiệp Mỹ đã không còn ghi nhận mức tăng năng suất kể từ năm 2011, điều này không khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chinh phục thị trường nước ngoài nữa, do khả năng cạnh tranh của họ ngày càng yếu đi”, chuyên gia Anthony Morlet-Lavidalie giải thích.

 

Chuyên gia Bruno Cavalier, nhà kinh tế trưởng của Oddo BHF, tính toán: “Nếu ông Trump [trong trường hợp ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới] thực hiện việc tăng thuế hải quan đã công bố, thì thuế quan đối với hàng nhập khẩu ở Mỹ sẽ đạt mức cao nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai... Phải biết rằng quy mô của những mức tăng này sẽ lớn gấp 5 lần so với năm 2018-2019, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lần đầu tiên bùng phát”.

 

Loạt biện pháp bảo hộ đầu tiên mà cựu Tổng thống Trump thực hiện đã giúp giảm khoảng 20% giá trị nhập khẩu hàng hóa của Mỹ từ Trung Quốc kể từ năm 2018.

 

Ở bên này Đại Tây Dương, châu Âu không hề có hiện tượng tương tự. Nhập khẩu và xuất khẩu từ EU chiếm khoảng 38% GDP của "lục địa Già" và không giảm kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2022.

 

“Châu Âu duy trì mức độ cởi mở rất đáng kể với phần còn lại của thế giới. Có một kiểu tôn sùng ngoại thương và thặng dư thương mại ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, nơi nhu cầu trong nước bị nén xuống để hạn chế nhập khẩu. Ví dụ, hiện nay, tiêu dùng đang chậm lại và đầu tư của các công ty Đức đang sụt giảm mạnh”, chuyên gia Anthony Morlet-Lavidalie cho biết.

 

Việc tăng thuế hải quan gần đây đối với xe điện của Trung Quốc do Ủy ban châu Âu (EC) quyết định có thể dẫn đến sự thay đổi thực sự trong chính sách thương mại của nhóm 27 nước này.

 

“Việc một quốc gia hay khu vực áp đặt thuế hải quan nhằm bảo vệ một ngành chiến lược mới nổi và vẫn còn mong manh có thể là điều hợp lý. Trong trường hợp này, vấn đề là cho nó thời gian để ổn định, phát triển, hưởng lợi từ quy mô kinh tế và từ đó đạt được năng suất”, theo lý giải của ông Julien Marcilly, nhà kinh tế trưởng của Global Sovereign Advisory.

 

Đối với các nước thuộc khối BRICS - “câu lạc bộ” của các nước mới nổi phía Nam Toàn cầu, bao gồm 5 thành viên sáng lập Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Nam Phi và Brazil và 5 thành viên mới vừa kết nạp – mọi việc đang diễn ra theo chiều ngược lại. Nhóm này tuyên bố mở cửa, nhưng vẫn theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ.

 

Trước năm 2019, BRICS đã có số biện pháp bảo hộ nhiều gấp đôi so với Nhóm các nước công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) và thậm chí ngày nay, BRICS vẫn đóng cửa nhiều hơn so với các nước phát triển”, chuyên gia Julien Marcilly giải thích.

 

https://bnews.vn/toan-cau-hoa-dang-dan-thay-doi-ve-cau-truc/350352.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ