Ngành cao su phát triển kinh tế biên giới - Bài 2: Chuỗi liên kết bền vững từ cây cao su 16/11/2023
Nhiều công ty con của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã “vươn mình” đầu tư thêm các ngành nghề liên quan đến cây cao su như sản phẩm làm từ cao su: nệm, gỗ, bàn, ghế, phát triển khu công nghiệp…
Xuất khẩu sản phẩm từ cao su
Sau nhiều năm sản xuất cao su, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (Bình Phước) với nguồn nguyên liệu dồi dào đã thành lập thêm Công ty cổ phần Cao su kỹ thuật Đồng Phú (với thương hiệu DORUFOAM) sản xuất những sản phẩm làm từ 100% cao su thiên nhiên như nệm, gối.
Với nguồn nguyên liệu của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú có diện tích cao su hơn 10.000ha, trong đó có hơn 9.000ha đã được đưa vào khai thác với sản lượng hơn 17.000 tấn/năm. DORUFOAM đã đầu tư dây chuyền công nghệ mới, chế biến các dòng sản phẩm cao cấp đáp ứng nhu cầu sử dụng của đông đảo khách hàng.
Công ty cổ phần Gỗ Thuận An đang sản xuất sản phẩm từ gỗ cao su
Với công nghệ tiên tiến, một chiếc nệm cao su dày 20cm từ mủ cao su sẽ “hình thành” sau 30 phút.
Theo ông Đàm Duy Thảo, Tổng Giám đốc DORUFOAM, toàn bộ dây chuyền công nghệ tiên tiến được chuyển giao từ Malaysia, với các máy móc hiện đại được nhập khẩu từ Đức và gần 100 nhân lực trẻ có trình độ chuyên môn cao. Để đến với người tiêu dùng tốt nhất và cạnh tranh với các thương hiệu khác, công ty cũng mở thêm các cửa hàng trưng bày. Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, môi trường 14001:2015, an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn ISO 45001:2018.
Đặc biệt, sản phẩm của công ty còn phải thân thiện môi trường với các hệ thống giảm thải và ngăn ngừa ô nhiễm. Ông Đàm Duy Thảo khẳng định, nguyên liệu mủ không sử dụng chất bảo quản. Quy trình xử lý chất thải hiện đại với các hồ lọc vi sinh, quy trình lọc nước thải thành nước sạch để tái sử dụng. Nệm, gối thành phẩm sẽ được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất xưởng. Các sản phẩm xuất xưởng đều đạt tiêu chuẩn dành cho sản phẩm gối, nệm cao su do Bộ Cao su Malaysia (LGM) và Viện Nghiên cứu cao su Malaysia (RRIMCORP) đồng chứng nhận.
DORUFOAM đang phân phối các sản phẩm trên khắp cả nước. Công ty đã liên kết tiêu thụ với đối tác CON CƯNG có chuỗi cung ứng gần 1.000 cửa hàng trên 60 tỉnh, thành. Bên cạnh đó, sản phẩm nệm cao su Đồng Phú còn xuất khẩu Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Mỹ… và đã trở thành đối tác của rất nhiều công ty trong và ngoài nước .
Ưu tiên cho công ty chế biến từ cao su
Bên cạnh sản xuất cao su, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cũng góp 80% vào Công ty cổ phần Khu Công nghiệp (KCN) Tân Bình với diện tích thương phẩm hơn 240ha. Công ty cũng nắm giữ hơn 32% của Công ty cổ phần KCN Nam Tân Uyên với diện tích hơn 330ha, mở rộng giai đoạn II gần 345ha. KCN Tân Bình có vị trí thuận lợi về giao thông, cách Trung tâm tỉnh Bình Dương 15km, TPHCM 51km, cảng ICD Sóng Thần 35km và kết nối thông suốt với các đường vành đai nội vùng, vùng nguyên liệu từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là nguồn nguyên liệu gỗ và mủ cao su dồi dào được cung cấp bởi các công ty thành viên trực thuộc VRG.
Nệm Đồng Phú xuất khẩu sang nhiều quốc gia
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng Giám đốc KCN Tân Bình cho hay, các ngành nghề thu hút đầu tư chính bao gồm các ngành như sản xuất nội thất gỗ và các sản phẩm liên quan đến gỗ, sàn nhà, giày da, hoá chất, bao bì giấy, khung kèo thép. Một trong lợi thế là thu hút đầu tư nhằm tạo lợi thế cho khách hàng, KCN tạo được chuỗi liên kết trong toàn khu, làm trung gian cho nhau để nhận nguyên liệu sản xuất tại khu, tiết giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Qua đó, hơn 80% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu của KCN.
Trải qua hơn 10 năm hoạt động, với tình hình thu hút đầu tư thuận lợi, KCN Tân Bình luôn đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch cho thuê đất hàng năm, với tổng diện tích đất đã cho thuê chiếm 90% diện tích đất thương phẩm. Tổng số dự án đầu tư là 94 dự án gồm 32 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là hơn 2.024 tỷ đồng và 62 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là hơn 363 triệu USD thu hút với tổng số hơn 13.300 lao động, góp phần đóng góp vào an sinh xã hội cho địa phương.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Thái cho hay, công ty đã thực hiện bổ sung quy hoạch giai đoạn 2 với diện tích 997ha vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Bình Dương. Theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương định hướng sẽ ưu tiên phát triển KCN, cụm CN lên phía Bắc Bình Dương tập trung các ngành gỗ, các sản phẩm liên quan đến gỗ; công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động…
Ngoài việc đầu tư hạ tầng cho thuê đất, ông Nguyễn Quốc Thái tiếp tục chia sẻ, song song với quá trình thu hút đầu tư và xây dựng hạ tầng, KCN Tân Bình luôn chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, phấn đấu trở thành một khu công nghiệp xanh với những dự án phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ giai đoạn phê duyệt dự án, KCN đã thực hiện phân khu chức năng đối với các dự án đầu tư như khu ô nhiễm, khu ít ô nhiễm và khu sản xuất sạch, phân bố cây xanh đạt tỷ lệ tiêu chuẩn, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng đến khu vực dân cư lân cận. Các dự án thu hút đầu tư là những dự án có mức độ ô nhiễm thấp, tỷ lệ tái sử dụng chất thải công nghiệp cao, ít xả thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Văn Tược, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa cho hay, công ty đã xây dựng kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến 2030 với tổng diện tích 10.702ha. Theo đó, 4.992ha sẽ quy hoạch khu công nghiệp, 1.018ha quy hoạch cụm công nghiệp (8 cụm công nghiệp ở huyện Phú Giáo, 4 cụm công nghiệp ở huyện Bắc Tân Uyên và 2 cụm công nghiệp ở huyện Bàu Bàng), 1.300ha quy hoạch khu dân cư, 1.400ha quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao và 1.300ha đất khác. Các vùng đất chuyển đổi đều là đất xấu bạc màu, hiệu quả trồng cây cao su không cao.
VRG còn có Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Thuận An chuyên xuất khẩu bàn ghế làm từ nguyên liệu gỗ cao su. Công ty Gỗ Thuận An đặt ra kế hoạch năm 2023 có tổng doanh thu 332 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 10,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 8,38 tỷ đồng, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (thuộc VRG) cũng đầu tư công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Gỗ Tây Ninh vốn chủ sở hữu đạt 70,756 tỷ đồng, tăng lên 20,756 tỷ đồng (tương đương tăng 41,51%) so với vốn góp ban đầu 50 tỷ đồng.
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)