logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Ngành cao su phát triển bền vững - Quản lý rừng bền vững để đón đầu thị trường 23/05/2023

 

Quản lý rừng bền vững là một trong những giải pháp quan trọng để các công ty cao su đón đầu những yêu cầu tất yếu của các thị trường nhập khẩu.

 

Công nhân nông trường Quản Lợi tráng rửa dụng cụ sau khi nhập mủ cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

Công nhân nông trường Quản Lợi tráng rửa dụng cụ sau khi nhập mủ cao su. Ảnh: Thanh Sơn.

 

Sạch sẽ ở nơi vốn luộm thuộm nhất

 

Một buổi sáng tháng 5, trên hành trình về Bình Phước tìm hiểu quá trình thực hiện quản lý rừng bền vững và các chương trình phát triển bền vững khác ở một số công ty thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), chúng tôi ghé vào thăm một trạm nhập mủ cao su của nông trường Quản Lợi thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long.

 

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi tại trạm nhập mủ cao su này là dù đang trong mùa thu hoạch, lại đúng lúc đang có nhiều công nhân về giao mủ cao su, nhưng trạm rất sạch sẽ, không có mủ cao su vương vãi và nhất là không có mùi hôi đặc trưng thường thấy ở các điểm thu mua mủ cao su của tư nhân.

 

Sự sạch sẽ ấy là nhờ trạm đã có hệ thống xử lý nước thải nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình quản lý rừng cao su bền vững. Sau khi giao mủ xong, các dụng cụ sản xuất đều được công nhân tráng rửa ngay tại trạm, sàn tiếp nhận mủ cũng được rửa sạch sẽ. Toàn bộ lượng nước thải này đều được gom về hố gạn mủ để tận thu mủ còn sót lại và xử lý sơ bộ nước thải trước khi dùng để tưới cho vườn cao su.

 

Ông Phạm Ánh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, chia sẻ, trước đây, nước thải sau khi tráng rửa dụng cụ, sàn tiếp nhận mủ cao su đều cho chảy ngay ra vườn cây. Do trong nước thải còn sót một lượng mủ cao su trong đó, nên lâu ngày gây ra mùi hôi, ô nhiễm môi trường. Nhưng từ khi công ty xây dựng hệ thống xử lý nước thải vệ sinh dụng cụ sản xuất và sàn tiếp nhận ở các trạm nhập mủ, đã tận thu được lượng mủ còn sót lại trong nước thải. Nhờ vậy, nước thải khi dùng tưới cho các vườn cao su không còn gây ô nhiễm môi trường.

 

Hiệu quả kinh tế cũng tăng lên nhờ tận thu mủ cao su ở các hố gạn. Mỗi năm, Cao su Bình Long tăng thêm được khoảng 36 tấn mủ cao su từ giải pháp này, trị giá khoảng trên 1 tỷ đồng và tương đương với 0,2% tổng sản lượng mủ mà Tập đoàn giao cho công ty khai thác trong một năm. Công nhân cũng có thêm thu nhập từ lượng mủ tận thu ở các hố gạn.

 

Trạm nhập mủ gọn gàng, sạch sẽ của nông trường Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Thanh Sơn.

Trạm nhập mủ gọn gàng, sạch sẽ của nông trường Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Thanh Sơn.

 

Khi ghé thăm một trạm thu mủ của nông trường Phú Riềng Đỏ thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, chúng tôi cũng thấy được sự sạch sẽ, ngăn nắp và không có mùi hôi.

 

Ông Trương Văn Hội, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, bộc bạch, các trạm nhập mủ thường là nơi luộm thuộm nhất ở các công ty cao su. Khi chưa xây dựng chương trình quản lý rừng bền vững, tới trạm nhập mủ của các công ty cao su sẽ thấy ngay sự ô nhiễm môi trường. Đến nay, tình trạng này gần như không còn. Cư dân sống xung quanh trạm nhập mủ không còn phản ánh về mùi cao su.

 

Gần 110 nghìn ha có chứng chỉ quản lý rừng bền vững

 

Bình Long là một trong 3 công ty đầu tiên được VRG chọn để triển khai chương trình quản lý rừng cao su bền vững vào năm 2019. Sau khi được giao nhiệm vụ, công ty đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Lâm sinh thực hiện thí điểm ở 2 nông trường là nông trường Lợi Hưng và nông trường Quản Lợi, tổng diện tích 3.940ha.

 

Ông Phạm Ánh kể lại, thời gian đầu khi triển khai chương trình, công ty đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như vào thời điểm ấy, tiêu chuẩn của Chứng nhận về quản lý rừng PEFC chưa được cụ thể hóa theo đặc thù của Việt Nam. Do đó, toàn bộ hệ thống tài liệu, các quy định đều phải làm theo khuôn mẫu của hệ thống PEFC quốc tế, nên không dễ để thực hiện.

 

Nhưng khó khăn nhất là về con người, bởi khi ấy, khái niệm phát triển bền vững còn rất mới mẻ đối với hầu hết cán bộ, nhân viên, công nhân của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long. Cán bộ, nhân viên, lãnh đạo các cấp cơ sở phải thực hiện thêm nhiều công việc mà trước đó chưa hề có. Chẳng hạn, các tổ trưởng tổ sản xuất phải quán xuyến mọi vấn đề trong tổ, từ sản lượng đến bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động, đời sống của công nhân…

 

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo VRG, sự hướng dẫn tận tình của Viện Nghiên cứu Lâm sinh và sự quyết tâm của ban lãnh đạo Công ty Cao su Bình Long, đến cuối năm 2019, toàn bộ diện tích cao su của 2 nông trường Lợi Hưng và Quản Lợi đã đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững.

 

Trên cơ sở đó, trong những năm tiếp theo, Công ty Cao su Bình Long tiếp tục triển khai thực hiện quản lý rừng bền vững tới tất cả các nông trường trực thuộc. Đến năm 2021, toàn bộ gần 15 nghìn ha cao su của công ty đã được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM.

 

Cũng được VRG giao nhiệm vụ triển khai chương trình quản lý rừng cao su bền vững từ năm 2019, đến nay, Công ty Cao su Phú Riềng đang duy trì và áp dụng hiệu quả chứng chỉ quản lý rừng VFCS/PEFC-FM cho 10 nông trường với tổng diện tích trên 17 nghìn ha.

 

Bên cạnh việc triển khai quản lý rừng cao su bền vững, trong những năm qua, cả hai Công ty Cao su Bình Long và Cao su Phú Riềng đều đã triển khai thực hiện và được cấp chứng chỉ Chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC cho các nhà máy.

 

Đến nay VRG đã có gần 110 nghìn ha cao su được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM. Ảnh: Thanh Sơn.

Đến nay VRG đã có gần 110 nghìn ha cao su được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC-FM. Ảnh: Thanh Sơn.

 

Đến hết năm 2022, VRG đã có 17 đơn vị thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia VFCS/PEFC-FM với gần 110 nghìn ha cao su và có 30 nhà máy chế biến đã được cấp Chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC-CoC.

 

Chuẩn bị cho tương lai

 

Những năm gần dây, Công ty Cao su Bình Long đã bán được mủ cao su có chứng chỉ bền vững với khối lượng khoảng 500 tấn/năm. Riêng trong năm 2023, công ty bán được khoảng trên 1.000 tấn mủ có chứng chỉ bền vững, với giá cao hơn khoảng 25 - 30 USD/tấn so với mủ thông thường.

 

Công ty Cao su Phú Riềng cũng đã bán được mủ cao su có chứng chỉ bền vững, tuy nhiên giá bán chưa có sự khác biệt so với mủ thông thường. Ngoại trừ Công ty Cao su Bình Long, đây là tình trạng chung ở các công ty thành viên của VRG đã có mủ cao su được chứng nhận bền vững.

 

Nếu tính về hiệu quả kinh tế ở thời điểm này, rõ ràng lượng mủ cao su có chứng chỉ bền vững được VRG bán ra với giá cao còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, các công ty thành viên đang thực hiện quản lý rừng cao su bền vững, chuỗi hành trình sản phẩm đều tin tưởng đây là sự chuẩn bị tốt cho tương lai.

 

Theo ông Trương Văn Hội, hiện nay, nhiều thị trường đã yêu cầu sản phẩm cao su hay sản phẩm gỗ nhập khẩu phải có chứng chỉ bền vững về nguyên liệu cao su, nguyên liệu gỗ. Đây là xu hướng bắt buộc trong thời gian tới, sản phẩm không định danh, không xác định được nguồn gốc thì sẽ không bán được. Do đó, làm chứng chỉ rừng bền vững là sự chuẩn bị trước cho các yêu cầu của thị trường về sản phẩm có chứng nhận. Hiện nay, các sản phẩm mủ cao su, gỗ cao su thanh lý của Công ty Cao su Phú Riềng khi bán ra đã được đóng dấu PEFC.

 

Ông Phạm Ánh cho biết, ban lãnh đạo Công ty Cao su Bình Long đã xác định việc xây dựng thương hiệu cao su VRG có chứng chỉ bền vững là việc làm cần thiết, có tính chiến lược cho sự phát triển thịnh vượng của Tập đoàn nói chung và công ty nói riêng. Đây là sự sống còn về sản xuất, kinh doanh của công ty trong tương lai.

 

https://nongnghiep.vn/quan-ly-rung-ben-vung-de-don-dau-thi-truong-d351655.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ