logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Năm 2020, VRG đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 2,6 lần 19/07/2017

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đặt mục tiêu đến năm 2020 lợi nhuận của tập đoàn tăng 2,6 lần so với kế hoạch lợi nhuận của năm 2017.

Một công nhân đang làm việc tại vườn cao su. Ảnh: TL.

Đây là những con số mà VRG đặt ra trong báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm (2016-2020) đã được Chính phủ phê duyệt ngày 14-7.

Theo đó, đến năm 2020, doanh thu của VRG là 40.000 tỉ đồng, lợi nhuận là 9.000 tỉ đồng. Nếu so sánh với kế hoạch của năm 2017 mà VRG đưa ra thì lúc đó doanh thu của tập đoàn tăng 2,2 lần nhưng lợi nhuận tăng gần 2,6 lần.

Theo báo cáo đánh giá về kế hoạch sản xuất kinh doanh và kết quả thực hiện trong giai đoạn 2014-2016 của VRG gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 4-7, tổng doanh thu dự kiến trong năm 2017 của tập đoàn là 18.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.500 tỉ đồng. Cũng theo báo cáo này, năm 2016, tổng doanh thu của VRG là 17.413 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 3.291 tỉ đồng.

Bản kế hoạch cũng cho thấy, 5 năm tiếp theo diện tích vườn cao su của VRG sẽ ổn định ở mức 400.000 héc ta, trong đó có 285.000 héc ta ở trong nước và 115.000 héc ta ở nước ngoài. Như vậy, có thể thấy rằng, trong thời gian tới, VRG sẽ không trồng thêm cao su cả trong nước lẫn ở nước ngoài.

Vào cuối tháng 3-2017, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG cho biết, thời điểm đó, tập đoàn đang xác định giá trị doanh nghiệp và nếu không có gì thay đổi thì ngày 1-7, VRG sẽ thực hiện việc bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Theo đó, VRG sẽ bán 25% cổ phần cho công chúng và cổ đông chiến lược. Lúc đó, giá cao su trên thị trường ở mức 50 triệu đồng/tấn nên theo ông Thuận, thời điểm cổ phần hóa là phù hợp. Những năm tới, VRG sẽ tập trung vào vườn cây cao su, công nghiệp cao su, sản xuất gỗ cao su, đầu tư hạ tầng và một lĩnh vực mới nữa làm nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, VRG đã không tiến hành cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. TBKTSG Online đã liên lạc với phía tập đoàn để tìm hiểu lý do nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời vì sao VRG chưa thể IPO theo kế hoạch.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm nay, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 462.000 tấn, giá trị tương đương 867 triệu đô la Mỹ, tăng 5% về lượng nhưng tăng gần 59% về giá trị. Giá cao su xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm là 1.957 đô la Mỹ/tấn, tương đương 44 triệu đồng/tấn, tăng gần 60% so với cùng kỳ.

Ngày 18-7, theo trang thị trường cao su, giá cao su FOB giao trong tháng 8 cho mặt hàng SVR 10 là gần 33,6 triệu đồng/tấn, SVR L là 41,3 triệu đồng/tấn, cao nhất là loại SVR CV là hơn 42,4 triệu đồng/tấn. Giá cao su tiểu điền trong ngày 18-7 được Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, Bình Phước đưa ra mua từ người dân có mức giá thấp nhất đối với mủ cao su tận thu là 5.400 đồng/kg tươi, giá cao nhất là loại mủ chén, dây khô là 14.500 đồng/kg tươi.

 

http://www.thesaigontimes.vn/162648/nam-2020-vrg-dat-muc-tieu-loi-nhuan-tang-26-lan.html/

 

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ