logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Lạm phát, lãi suất và tỷ giá: Cơ sở ổn định kinh tế Việt Nam năm 2025 20/11/2024

 

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến sự biến động mạnh mẽ, việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

 

Lạm phát: Đối mặt với áp lực cung - cầu và chi phí đẩy

 

Lạm phát, hay mức tăng giá chung của hàng hóa và dịch vụ, là chỉ số kinh tế quan trọng phản ánh sức khỏe và sự ổn định của nền kinh tế. Theo dự báo của Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (Ngân hàng Techcombank), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 dự kiến dao động trong khoảng 3,5% - 4,0%.

 

Với nền tảng kinh tế duy trì khả quan, cơ quan này kỳ vọng CPI bình quân năm 2025 cũng sẽ nằm trong vùng ổn định tương tự, phản ánh hiệu quả trong nỗ lực điều hành lạm phát.

 

Lạm phát, lãi suất và tỷ giá: Cơ sở ổn định kinh tế Việt Nam năm 2025

Phân tích đóng góp và xu hướng lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 2023-2024. Nguồn: Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính, Ngân hàng Techcombank.

 

Các yếu tố chi phí đẩy tiếp tục là áp lực lớn nhất đối với lạm phát. Đặc biệt, giá dầu thô thế giới tăng khoảng 15% vào tháng 10/2024 do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã tạo ra áp lực gia tăng chi phí sản xuất và vận tải. Hệ quả là giá cả trong nước, từ nguyên liệu đầu vào đến các mặt hàng thiết yếu, đều tăng cao. Cùng với đó, các mặt hàng nhập khẩu chịu ảnh hưởng lớn từ biến động của tỷ giá và chi phí vận chuyển quốc tế.

 

Để giảm thiểu rủi ro lạm phát, Chính phủ đã triển khai các biện pháp kiểm soát giá, bao gồm điều chỉnh thuế xăng dầu và siết chặt quản lý giá của các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, về lâu dài, việc duy trì lạm phát ổn định phụ thuộc vào cải thiện năng suất tổng hợp (TFP), tăng cường năng lực chuỗi cung ứng nội địa và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.

 

Lãi suất: Công cụ chính sách tiền tệ chiến lược

 

Lãi suất đóng vai trò là công cụ điều tiết chính sách tiền tệ quan trọng nhất của NHNN nhằm cân bằng giữa ổn định lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2024, NHNN đã duy trì mức lãi suất chính sách ổn định, giúp tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.

 

Dự kiến năm 2025, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng của nhóm G14 ngân hàng thương mại sẽ giữ mức ổn định khoảng 4,5%, trong khi lãi suất liên ngân hàng dao động trong khoảng 4%-6%. NHNN đã sử dụng linh hoạt các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở (OMO) để kiểm soát thanh khoản và đảm bảo dòng tiền lưu thông ổn định trong hệ thống tài chính.

 

Lạm phát, lãi suất và tỷ giá: Cơ sở ổn định kinh tế Việt Nam năm 2025

Diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất liên ngân hàng giai đoạn 2019-2025. Nguồn: Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính, Ngân hàng Techcombank.

 

Tuy nhiên, NHNN cũng đối mặt với áp lực từ thị trường quốc tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất USD được giữ ở mức cao đã hạn chế khả năng NHNN giảm thêm lãi suất VND để kích thích kinh tế. Theo Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (Ngân hàng Techcombank), việc duy trì lãi suất ổn định sẽ giúp hạn chế dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường, đảm bảo nền kinh tế không bị gián đoạn bởi các yếu tố bên ngoài.

 

Tỷ giá: Ổn định trong bối cảnh đồng USD mạnh lên

 

Tỷ giá hối đoái giữa VND và USD tiếp tục là một biến số quan trọng trong chính sách điều hành của NHNN. Theo dự báo của Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính (Ngân hàng Techcombank), tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25,200 - 25,450 vào cuối năm 2025.

 

Lạm phát, lãi suất và tỷ giá: Cơ sở ổn định kinh tế Việt Nam năm 2025

Biến động các đồng tiền trong khu vực so với USD và chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn 3 tháng. Nguồn: Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính, Ngân hàng Techcombank.

 

Để đối phó với các áp lực từ thị trường ngoại hối, NHNN đã triển khai hàng loạt biện pháp như bán dự trữ ngoại hối để duy trì thanh khoản USD và phát hành tín phiếu để kiểm soát cung tiền nội địa. Các dòng vốn FDI, kiều hối và thặng dư thương mại cũng là các yếu tố hỗ trợ tích cực cho tỷ giá. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút 24 tỷ USD vốn FDI, tăng 14% so với cùng kỳ, tạo nguồn ngoại tệ dồi dào giúp giảm bớt áp lực lên đồng nội tệ.

 

Tuy nhiên, các rủi ro lớn nhất đối với tỷ giá có thể xuất hiện trong nửa cuối năm 2025, khi các chính sách thuế quan mới của Mỹ đi vào thực thi, làm gia tăng chi phí nhập khẩu và tạo sức ép giảm giá đồng VND. Với sự quản lý linh hoạt của NHNN, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ được duy trì ổn định trong ngưỡng kiểm soát, hạn chế các tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

 

Kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá tiếp tục là ba trụ cột trong chính sách tiền tệ của NHNN năm 2025. Với các biện pháp điều hành linh hoạt và sự phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách kinh tế, Việt Nam được kỳ vọng sẽ vượt qua các áp lực từ thị trường quốc tế, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

 

Đây không chỉ là nền tảng cho sự phát triển dài hạn mà còn là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

 

https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/lam-phat-lai-suat-va-ty-gia-co-so-on-dinh-kinh-te-viet-nam-nam-2025-261060.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ