Hoá giải rào cản tiêu chuẩn xanh, cần chủ động thích ứng 17/05/2024
Thị trường thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với hàng hoá của Việt Nam, tại một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ… các lợi thế của hàng hóa Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng trước yêu cầu phải đáp ứng tiêu chuẩn xanh như chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Thị trường thế giới ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn đối với hàng hoá của Việt Nam, cùng với lộ trình thích ứng với biến đổi khi hậu của Việt Nam trong nỗ lực đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất đang phải nỗ lực để hoá giải các thách thức về tiêu chuẩn “xanh” nhằm đưa hàng Việt tiến xa hơn trên thị trường.
Tiêu chuẩn xanh đang được nhiều thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam đặt ra khiến các nhà sản xuất trong nước gặp khó.
Chính sách xanh đang đặt ra khiến hàng Việt gặp nhiều thách thức
Hàng loạt tiêu chuẩn môi trường mới được EU áp dụng trong thời gian tới, như "Thỏa thuận Xanh" gồm một gói các hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên trong khi đạt được tăng trưởng kinh tế, mà cơ chế CBAM chỉ là một nội hàm trong đó.
Theo Cục Trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), các thị trường nhập khẩu trên thế giới ngày càng có xu hướng sử dụng nhiều chính sách bảo hộ dưới các hình thức khác nhau. Hơn thế, các thị trường phát triển cũng ngày càng quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và phát triển bền vững nên dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, có thể kể đến dự luật chống phá rừng, hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU...
Theo rà soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EU đã ban hành gần 60 hành động để thực thi các chính sách xanh. Ví dụ, với nông sản thực phẩm là Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” với một loạt chính sách thắt chặt việc sử dụng nông hóa phẩm, bao bì đóng gói, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc xanh của sản phẩm nhập khẩu.
Với nhóm hàng chế biến chế tạo (như: Điện tử, công nghệ thông tin, nhựa, dệt may…), Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn mới của EU với 35 nhóm hành động đang được triển khai cấp tập. Ngoài ra, còn có một số chính sách đơn lẻ khác ảnh hưởng trực tiếp tới một số loại sản phẩm cụ thể nhập khẩu vào EU như: Quy định về chống phá rừng (EUDR) áp dụng cho cà phê, ca cao, gỗ…; hay Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) nhằm vào các sản phẩm sắt thép, nhôm, xi măng…
Phó Chủ tịch VCCI kiêm Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh, rằng: “Danh sách các chính sách xanh có tác động trực tiếp tới hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ còn tiếp tục được nối dài cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong EGD đến năm 2050 của EU, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay đến năm 2030”. Đồng thời ông cũng cho biết thêm, rằng nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự như EU.
Có thể thấy, các thị trường lớn trên thế giới đang đặt ra ngày càng nhiều tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo phân tích của Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, thì xu hướng phát triển kinh tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét. Đây cũng coi như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.
“Hiện nay, tại một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ…các lợi thế của hàng hóa Việt Nam đã phần nào bị ảnh hưởng trước yêu cầu phải đáp ứng được các quy định mới, nhất là tiêu chuẩn xanh như chất lượng hàng hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...", ông Hải chia sẻ.
Đơn cử như với cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) không chỉ tác động trực tiếp tới 6 ngành công nghiệp, gồm sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro, mà sẽ gián tiếp tác động tới các ngành hàng tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng.
Bên cạnh đó, năm 2023, EU đã ban hành quy định chống phá rừng (EUDR), có hiệu lực từ cuối năm 2024 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các mặt hàng gây mất rừng và suy thoái rừng. Các công ty kinh doanh gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ... tại EU phải chứng minh hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng hoặc góp phần làm suy thoái rừng. Điều đó khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Mặc dù Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 đã đề ra định hướng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong thời gian tới là: Tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trước rất nhiều tiêu chuẩn xanh được các thị trường nhập khẩu đặt ra, sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam nếu không có đủ năng lực để tuân thủ các yêu cầu này.
Các nhà phân tích, cho rằng việc đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) thông thường của một số thị trường vốn đã không phải là dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.
Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu, nhất là bản thân các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi cung ứng.
Chủ động thích ứng
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết “Tư duy “kinh tế xanh” đã mang tính “cưỡng bức” mạnh mẽ. Các quy định về sản xuất xanh, bảo vệ môi trường và tái chế nguyên liệu thừa đã trở thành quy định nhằm tính điểm trong đơn hàng. Các doanh nghiệp đạt chỉ số môi trường, xã hội và quản trị (chỉ số ESG) sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn”.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc, thậm chí là mệnh lệnh của thị trường. Để hàng hoá Việt Nam tiến xa hơn và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt muốn tồn tại phải tuân theo mệnh lệnh đó.
Với châu Âu (EU), theo các chuyên gia, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Nếu muốn làm ăn lâu dài với thị trường như EU thì doanh nghiệp nội cũng phải đáp ứng được những quy định của họ, đặc biệt là đáp ứng được những điều kiện xanh của thị trường khó tính này.
Liên quan về ván đề này, các chuyên gia kinh tế, cho rằng việc đáp ứng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon-CBAM sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong câu chuyện chuỗi giá trị mới và kinh tế xanh.
Trong bối cảnh năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, ngành Công thương đang có nhiều giải pháp lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản, thách thức này.
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), trong năm 2024, Bộ Công Thương sẽ triển khai một loạt những chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, với sự hợp tác của các tổ chức quốc tế nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho các ngành sản xuất, đặc biệt là với từng ngành có liên quan tới quy định của CBAM và những quy định liên quan đến tiêu chuẩn xanh của Đức và của EU.
Cụ thể, đối với xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công thương sẽ phối hợp với hệ thống thương vụ Việt Nam và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới và hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh và kinh doanh có điều kiện cũng như kinh tế tuần hoàn cho các ngành sản xuất trong nước, để có thể đáp ứng được tốt nhất và hiệu quả nhất các quy định mới của các thị trường này.
Ngoài ra, để hoá giải các thách thức về tiêu chuẩn xanh, các chuyên gia cho rằng với đặc thù của nền kinh tế, cần có sự nỗ lực, phối hợp từ hai phía: doanh nghiệp và Nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, địa phương cũng cần đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm khai thác tối đa lợi thế của cả vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
https://thuongtruong.com.vn/news/hoa-giai-rao-can-tieu-chuan-xanh-can-chu-dong-thich-ung-121324.html
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)