HSBC giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,5% 01/10/2024
Cho rằng những tiềm năng phát triển hiện tại có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra, HSBC vẫn giữ dự báo tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 và 2025 ở mức 6,5%.
Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vững vàng
Theo báo cáo “Asian Economics Quarterly - Cuộc đua về đích” vừa được HSBC công bố, Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến tăng trưởng hơn nữa bởi sự phục hồi tiếp tục vững vàng, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và lạm phát diễn biến theo chiều hướng thuận lợi hơn. Cùng vời đó, tình hình kinh tế châu Á trong đó xuất khẩu tăng mang lại cú hích mạnh mẽ cho tăng trưởng nhiều nơi trong khu vực, đồng thời lạm phát và tỷ giá dịu đi sẽ nâng đỡ châu Á trong suốt năm Giáp Thìn”.
HSBC dẫn chứng tăng trưởng GDP Việt Nam được cải thiện và mang lại bất ngờ trong quý II vừa qua khi tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất vươn mình mạnh mẽ và vượt ra khỏi tình trạng đáng buồn của năm ngoái. Chỉ số PMI đã ghi nhận năm tháng liên tiếp nằm trong vùng mở rộng còn chỉ số sản xuất công nghiệp (IP) cũng ghi nhận phục hồi hoạt động trong ngành dệt may và da giày.
“Kết quả này giúp xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số, thêm vào đó là các ngoại lực thúc đẩy quan trọng cũng đang trên đà tiến tới, chẳng hạn như mở rộng tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam”, HSBC cho biết.
Tuy nhiên, lĩnh vực trong nước đang phục hồi chậm hơn kỳ vọng ban đầu, trong đó, tăng trưởng bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch. Tín hiệu đáng mừng là Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận thấy một điều đáng khích lệ là Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước, từ đó tạo kỳ vọng sẽ vực dậy lòng tin qua thời gian. Chẳng hạn như việc chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu và thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được áp dụng đến hết năm 2024. Bên cạnh đó, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 cũng được nhận định sẽ tác động tích cực lên triển vọng ngành bất động sản.
Ngân hàng HSBC cho biết, Luật Đất đai sửa đổi mặc dù mới được thông qua chưa lâu nhưng dường như đã phần nào đóng góp vào cú hích lên đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực này, trong đó số liệu FDI gần đây cho thấy sự gia tăng trên diện rộng.
Về lạm phát, theo báo cáo, diễn biến giá cả đang có chiều hướng thuận lợi hơn trong 6 tháng cuối năm, khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi do năng lượng giảm dần. Một chu kỳ nới lỏng của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tầm dự đoán cũng sẽ giúp tháo gỡ bớt một số áp lực về tỷ giá.
Do đó, HSBC duy trì dự báo lạm phát năm 2024 ở mức 3,6%, khá thấp so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước; đồng thời giữ nguyên dự báo lạm phát cho năm 2025 là 3,0%.
Những rủi ro với nền kinh tế
Báo cáo của HSBC cũng chỉ ra một số rủi ro chính cho nền kinh tế Việt Nam như hậu quả đặc biệt nặng nề của siêu bão Yagi; biến động đột ngột của giá năng lượng thế giới, giá thực phẩm; mức độ hồi phục của nhu cầu hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Âu…
Siêu bão Yagi đổ bộ ngày 7/9 đã ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến Việt Nam, gây ngập lụt trên diện rộng và thiệt hại xảy ra với nhiều nhà xưởng, kho bãi, hạ tầng điện; ước tính sơ bộ thiệt hại lên đến 1,6 tỷ USD. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi tập trung toàn lực nhằm tái thiết cuộc sống để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 7% của Chính phủ, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% do Quốc hội đề ra vào cuối năm 2023. Mặc dù các nỗ lực khắc phục và phục hồi hoạt động đang được tiến hành, HSBC cho biết hậu quả để lại sau cơn bão được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần nữa.
Tuần trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á, trong đó giữ nguyên dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2024 và 2025, lần lượt ở mức 6% và 6,2%; và lạm phát được duy trì ổn định ở mức 4% trong cả hai năm, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của siêu bão Yagi.
Riêng Ngân hàng UOB (Singapore) hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%), do ảnh hưởng từ cơn bão Yagi. Theo UOB, ảnh hưởng từ cơn bão Yagi đến triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 sẽ được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III/2024 và đầu quý IV/2024. Tác động này sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ ở các tỉnh, thành phía Bắc.
Tuy nhiên, ngoài những gián đoạn tạm thời này, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc. UOB dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 tăng khoảng 0,2% điểm phần trăm lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng GDP Quý III và Quý IV/2024. Theo đó, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP Quý III/2024 của cả nước có thể giảm 0,35%; Quý IV/2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3. Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản đã đưa ra, ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.
Báo cáo HBSC cũng chỉ ra một số rủi ro khác mà Việt Nam có thể phải đối mặt như dễ bị ảnh hưởng bởi các biến động đột ngột của giá thực phẩm. Chẳng hạn, giá thịt lợn đã tăng vọt khi nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù vậy, áp lực lên một số mặt hàng nông sản được dự báo sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Nino sang La Nina mang lại một số điều kiện thuận lợi cho mùa màng ở Đông Nam Á.
“Vấn đề cuối cùng là nhu cầu đối với hàng hóa cải thiện thêm sẽ đóng vai trò quyết định đối với mức độ phục hồi của Việt Nam, bởi các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, cần theo dõi sát sao xu hướng và tốc độ chi tiêu tiêu dùng ở phương Tây”.
Về chi tiêu trong nước, theo HSBC, hiệu ứng lan tỏa dần dần từ lĩnh vực sản xuất đang hồi sinh cũng như hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ sẽ khuyến khích chi tiêu hộ gia đình theo thời gian. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian qua và được dự báo còn nhiều dư địa trong thời gian tới cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ.
- Giá cao su hôm nay 4/1: Biến động không đồng nhất (04/01/2024)
- Bộ Công thương dự báo xuất khẩu gỗ hồi phục trong năm 2024 (03/01/2024)
- Năm 2023: Xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt khoảng 2,14 triệu tấn (03/01/2024)
- Việt Nam tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Giá trị xanh từ lợi ích tạo ra cho cộng đồng (Bài cuối) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành cao su xanh hóa quy trình sản xuất công nghiệp (Bài 3) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Ngành gỗ cao su tìm cơ hội cạnh tranh (Bài 2) (02/01/2024)
- Xanh hóa “vàng trắng” Việt Nam: Trầy trật làm chứng nhận rừng bền vững chỉ để thu hơn 1% lợi nhuận (Bài 1) (02/01/2024)
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Những dấu ấn nổi bật năm 2023 (02/01/2024)
- Việt Nam lần đầu thực hiện trách nhiệm tái chế (02/01/2024)