Giá cao su giảm sâu, làm gì để người trồng không 'tháo chạy'? 17/10/2018
Hiện tại, giá mủ cao su chỉ còn khoảng 30 triệu đồng/ ấn, giảm hơn 60% so với thời điểm hoàng kim (những năm 2010-2011). Thời gian gần đây, cao su liên tục rớt giá.
Các chuyên gia dự báo, giá cao su không thể trở lại đỉnh cao như những như trước đây và tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2030. Điều này đã khiến nhiều nông dân khóc ròng, lâm cảnh trắng tay khi trót lỡ chặt phá các loại cây trồng khác để đầu tư cao su.
Nguồn cung dồi dào, cao su tiếp tục rớt giá
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá mủ cao su trong 9 tháng đầu năm 2018 liên tục sụt giảm. Hiện tại, giá mủ cao su chỉ dao động mức 30 triệu đồng/tấn. Cụ thể, tại các địa phương như Bình Phước, giá thu mua mủ cao su giảm từ mức 255 đồng/độ xuống 240 đồng/độ. Tại Đồng Nai, giá mủ tiếp tục giảm 500 đồng/kg, từ 12.500 đồng/kg xuống còn 12.000 đồng/kg. Tính chung trong 9 tháng, giá mủ cao tại Đồng Nai tăng khoảng 200 đồng/kg. Trong khi đó, giá mủ cao su tại Bình Phước giảm khoảng 400 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo giá cao su nguyên liệu trong nước tiếp tục giảm trong thời gian tới với bối cảnh thị trường cao su toàn cầu dư cung, giao dịch ảm đạm.
Trước đó, tháng 6/2018 vừa qua, giá mủ cao su nhích dần lên nhưng không mấy khả quan. Nguyên nhân xuất phát từ việc giá cao su nhích lên khiến người dân lại lao nhanh vào khai thác mủ cao su (cả ở Việt Nam và các nước) làm nguồn cung nhiều hơn nhu cầu. Sắp tới, hơn 900.000ha cao su (nhất là cao su vùng Tây Bắc) đi vào khai thác sẽ khiến nguồn cung tăng lên đột biến. Thực tế “cung lớn hơn cầu” khiến giá mủ cao su không thể có dấu hiệu khởi sắc.
Dự báo giá cao su nguyên liệu trong nước tiếp tục giảm trong thời gian tới với bối cảnh thị trường cao su toàn cầu dư cung
Cùng với thị trường nội địa, hoạt động xuất khẩu cũng ảm đạm. Tháng 9/2018, xuất khẩu cao su giảm cả lượng và trị giá, giảm lần lượt 10,7% và 9,6% so với tháng 8/2018 tương ứng với 152,8 nghìn tấn. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn cao su, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 8,3% về lượng nhưng giảm 11,9% trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất bình quân 1.381,07 USD/tấn, giảm 18,6%.
Nguyên nhân do giá cao su trên thị trường thế giới biến động không đồng nhất so với tháng 8/2018 đã tác động đến tình hình xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Sắp tới, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và xuất khẩu cao su nói riêng.
Cần tìm giải pháp dài hạn để tránh nông dân “tháo chạy”
Rất nhiều nông dân đã chán nản khi nhìn hàng ngàn cây cao su đầu tư nhiều năm nhưng cuối cùng không thu được lợi nhuận.
Đang bắt đầu có hiện tượng, người nông dân “tháo chạy” khỏi cây cao su và trồng lại cây điều. Giống như cách đây nhiều năm, người nông dân chặt phá cà phê, điều để trồng cao su vì chạy theo giá cả. Tuy nhiên, sự chuyển dịch theo cách “tháo chạy” này tiềm ẩn nhiều nguy cơ người nông dân bị thiệt hại kép.
Chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị Online, ông Trần Minh Tùng (ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) buồn bã nói: “Năm 2010, tôi và các hộ nông dân trong xã đang trồng chủ yếu là cây điều thì thấy mủ cao su có giá cao quá nên chúng tôi quyết định chặt bỏ điều để trồng cao su. Đặc thù của loại cây này là phải đầu tư dài hạn 5-7 năm mới có thể thu hoạch, tiến hành khai thác mủ nên chúng tôi dốc sức đầu tư công sức, tiền bạc.
Tuy nhiên, thời điểm gia đình tôi bắt đầu thu hoạch cao su (khoảng năm 2015) thì loại cây này bắt đầu tuột giá. Giá mủ cao su từ đó đến nay tuột dần chỉ còn 9.000 - 12.000 đồng/kg, không đủ tiền phân thuốc đầu tư nên xem như chúng tôi mất trắng. Nhiều người khuyên tôi nên chặt cao su để trồng lại điều vì điều đang có giá. Nếu cứ để cây cao su và phải thuê người cạo mủ, tiền bán mủ không đủ trả công cho người ta”.
Cần thay đổi thói quen canh tác đại trà, thiếu thông tin của người nông dân
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của nước ta. Tuy vậy, xuất khẩu cao su sang một số nước như Ấn Độ, Indonesia lại có mức tăng nhanh và được giá hơn. Hiện thị trường cao su gặp nhiều khó khăn, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm đa dạng bạn hàng, đặc biệt là một số thị trường có tăng trưởng tốt như Ấn Độ.
Bộ này cũng thông tin thêm việc lũ lụt vừa qua tại Ấn Độ đã gây thiệt hại lớn đến nguồn cung cao su của nước này. Các nhà chức trách Ấn Độ đều cho rằng sản xuất cao su nội địa sẽ không sớm hồi phục, và các nhà sản xuất lốp xe như MRF, JK Tyre, Apollo Tyres và Ceat sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu cao su. Và đây chắc chắn là cơ hội lớn cho ngành cao su Việt Nam.
Bên cạnh đó, các giải pháp cần đặt ra là thay đổi thói quen canh tác đại trà, thiếu thông tin của người nông dân để tránh cung nhiều hơn cầu làm giảm giá thành sản phẩm. Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng các địa phương cần sớm tổ chức lại sản xuất, nhất là đưa các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hoặc hợp tác xã kiểu mới… với hướng liên kết lại để dễ dàng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, nguồn vốn tín dụng và các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào đảm bảo chất lượng.
Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng để hỗ trợ nông dân trồng cao su, ngành chức năng của các tỉnh có diện tích trồng cao su lớn như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai… cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng. Địa phương cần phối hợp với ngành khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để đầu tư thâm canh, phát triển bền vững.
Đồng thời, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không nên lặp lại bài học trước đây chặt bỏ cây trồng khi mất giá, trồng loại cây khác đang "được thời", luôn đối mặt với nhiều rủi ro.
HỒNG TRÂM
http://www.thegioitiepthi.vn/p/gia-cao-su-giam-sau-lam-gi-de-nguoi-trong-khong-thao-chay-15232.html
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)