logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Nghĩa nặng tình sâu với dòng nhựa trắng 23/02/2015

4 THẾ HỆ LÀM CÔNG NHÂN CAO SU

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Oanh (53 tuổi), công nhân khai thác Đội 2, Nông trường Thuận Phú, Công ty cổ phần cao su Đồng Phú một buổi sáng cuối năm. Công việc của chị vẫn đều đặn lên lô cạo từ sáng sớm, trút mủ, chăm sóc vườn cây... dù xuân đang nhẹ nhàng gõ cửa.

Buổi sáng dưới tán rừng cao su lành lạnh nhưng lưng áo chị Oanh ướt đẫm mồ hôi. Nhắc đến truyền thống gia đình, mắt chị Oanh ánh lên niềm hạnh phúc, tự hào vì được sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 thế hệ làm công nhân cao su. Thế hệ ông bà, cha mẹ chị nhiều năm gắn bó với cây cao su, đến thế hệ chị và các con cũng đang bám trụ với vườn cây. Chồng chị nghỉ mất sức năm 1993. Và chị đảm nhiệm vườn cây từ đó tới nay. Ngày nào cũng vậy, có mặt ở vườn cây từ lúc gà gáy tới chiều mới trở về nhà. Công việc gia đình anh lo chu toàn.

http://baobinhphuoc.com.vn/Content/UploadFiles/EditorFiles/images/2015/Quy1/nghianangtinhsau1.jpg

Chị Lê Thị Oanh muốn gắn bó lâu dài với cây cao su mặc dù đã 52 tuổi

52 tuổi, 32 năm gắn bó với cây cao su, chị Oanh đã chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành. Chị kể: “Những năm 1983, vợ chồng đều bị sốt rét rụng hết tóc, tưởng không qua khỏi. Tiền lương hàng tháng chỉ có 400 đồng, nhà đông con nên nhiều bữa phải ăn củ mì, lá mì thay cơm. Thời điểm khó khăn nhất gia đình tôi đã vượt qua và hôm nay tự hào vì được làm việc trên mảnh đất truyền thống cách mạng, nơi chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ ra đời”.

Khi được hỏi có thấy nao núng khi ngành cao su đang gặp khó khăn, chị Oanh quả quyết: “Đời ông, đời cha sống được thì mình sống được. Trải qua bao thăng trầm, ngành cao su vẫn phát triển. Mặc dù năm nay ngành cao su gặp khó, mức lương chỉ bằng nửa những năm trước nhưng chúng tôi vẫn hy vọng giá cao su sẽ bình ổn trở lại. Nhờ có lương cạo mủ cao su mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, đời sống khấm khá, mua sắm được nhiều vật dụng trong nhà. Khi mình nghèo phải thắp đèn dầu. Lúc không có dầu để thắp sáng tụi nhỏ học hành còn phải đốt đuốc bằng mủ dây. Bây giờ cuộc sống đầy đủ, nhà xây khang trang, đèn điện sáng choang là chúng tôi thấy hạnh phúc lắm rồi.

Năm vừa qua, gia đình chị Oanh và con gái được công đoàn công ty hỗ trợ mỗi người 30 triệu đồng để xây, sửa nhà. Đứng trên bục vinh danh, được nhận biểu trưng gia đình 4 thế hệ tiêu biểu nhân kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su, chị Oanh rưng rưng xúc động và tự hào vì đã theo nghề truyền thống của gia đình.

NGHĨA TÌNH VỚI “VÀNG TRẮNG”

Anh Đặng Đình Tích, công nhân khai thác Tổ 1, Nông trường 6, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng là thế hệ thứ ba trong gia đình công nhân 3 thế hệ. Trải qua bao thăng trầm nhưng các thế hệ trong gia đình nội, ngoại của anh vẫn thủy chung với cây cao su. Điều đó càng làm anh thêm tự hào về truyền thống gia đình mình.

http://baobinhphuoc.com.vn/Content/UploadFiles/EditorFiles/images/2015/Quy1/nghianangtinhsau3.jpg

Anh Đặng Đình Tích (trái) tự hào vì sinh ra trong gia đình có truyền thống công nhân cao su

Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, anh Tích cho biết: “Phải có tâm huyết mới gắn bó lâu bền với nghề. Cuộc sống của người công nhân cạo mủ quanh năm gắn liền với lô và chỉ được nghỉ ngơi vào mùa cao su rụng lá. Có thời điểm, 1 giờ sáng công nhân đã thức giấc ra lô; gặp rắn, rết, bọ cạp như cơm bữa. Nhiều hôm đi cạo về, vừa mới bưng chén cơm thì trời đổ mưa đành chịu đói mà chạy để “cứu mủ””.

Ngành cao su đang gặp khó khăn. Giá mủ liên tục giảm khiến tiền lương, thu nhập của công nhân bị ảnh hưởng. Trước đây, lương của anh Tích luôn ở mức trên 12 triệu đồng/tháng, giờ cố gắng lắm cũng chỉ đạt 7 triệu đồng. Anh Tích và nhiều công nhân khác tin rằng, với truyền thống và bề dày kinh nghiệm, ngành cao su sẽ sớm vượt qua khó khăn.

Nhiều năm liền anh Tích là chiến sĩ thi đua cấp công ty, được tặng giấy khen của Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và giấy khen của đoàn thanh niên công ty.

CẢ NHỮNG HIỂM NGUY

Trước đây, anh Hoàng Trọng Tâm, công nhân bảo vệ Tổ 6, Nông trường 6, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng bôn ba đủ thứ nghề, như chạy xe ôm, xe ba gác, phụ hồ nhưng vẫn không đủ ăn. Từ khi vào làm bảo vệ nông trường, kinh tế gia đình có nhiều khởi sắc. Hiện vợ và 3 người con của anh cũng đang làm công nhân cùng nông trường.

http://baobinhphuoc.com.vn/Content/UploadFiles/EditorFiles/images/2015/Quy1/nghianangtinhsau2.jpg

Anh Hoàng Trọng Tâm và giây phút hiếm hoi sum họp cùng gia đình

Mùa Xuân này, niềm vui của gia đình anh Tâm càng được nhân lên khi ngôi nhà khang trang trị giá trên 1,8 tỷ đồng vừa hoàn thành. Ngôi nhà là kết quả dành dụm của vợ chồng anh sau nhiều năm gắn bó với cây cao su. Không chỉ gia đình anh Tâm mà nhiều gia đình công nhân cao su khác cùng nông trường cũng xây nhà tiền tỷ như anh. Được vinh danh gia đình 3 thế hệ tiêu biểu, anh Tâm tự hào: Ngày trước “cao su đi dễ khó về”, còn bây giờ làm công nhân cao su được hưởng nhiều chế độ. Làm tốt còn được biểu dương khen thưởng. Vì vậy, dù ngành cao su đang trong thời điểm khó khăn nhưng công nhân chúng tôi vẫn gắn bó với nghề.

Công việc của anh Tâm là phải thường xuyên trực trên lô cao su. Ban đêm mắc võng ngủ lại vườn cây, ngày thì đi kiểm tra vườn cạo, không để thất thoát mủ. “Nguy hiểm nhất là khi mưa to gió lớn, cành cây từ trên cao rơi xuống. Tôi nhiều lần thoát chết nhờ may mắn. Đối phó với kẻ xấu vào lô trút trộm mủ, mót mủ, cạo trộm, rạch phá mặt cạo cũng gặp không ít hiểm nguy. Khi bị bắt, đối tượng xấu thường liều lĩnh lao tới đánh bảo vệ. Tôi đã nhiều lần bị đánh trọng thương. Nếu không có bản lĩnh và yêu nghề thì không thể gắn bó lâu dài” - anh Tâm chia sẻ.

Xuân đang về, dưới tán rừng cao su vẫn vang lên những tiếng cười vui. Người công nhân cao su luôn thấy tự hào vì làm giàu cho gia đình, đất nước. Tại ngôi nhà chung thứ hai này, rất nhiều đôi lứa nên duyên chồng vợ. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước để những cánh rừng cao su thêm xanh, cho dòng nhựa trắng tuôn chảy góp sức cho đời.

Ngân Hà
http://baobinhphuoc.com.vn/Content/nghia-nang-tinh-sau-voi-dong-nhua-trang-39071

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ