Bản đồ sương muối và nhiệt độ thấp vùng Tây Bắc: “ Bà đỡ” cho cây cao su, cà phê phát triển 04/02/2013
|
TS. Dương Văn Khảm - Chủ nhiệm đề tài Bản đồ sương muối và nhiệt độ thấp vùng Tây Bắc |
Đến năm 2011, tổng diện tích trồng cao su của ba tỉnh này lần lượt đạt 6181 ha, 3633 ha và 6531 ha…trở thành nguồn hy vọng “xóa đói giảm nghèo” cho bà con các dân tộc vùng Tây Bắc. Việc mở rộng diện tích này có được một phần nhờ việc áp dụng thành công Bản đồ sương muối và nhiệt độ thấp vùng Tây Bắc của tập thể các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (KTTVMT)...
Người đàn ông tầm thước, trang phục giản dị, nét mặt kiên nghị, có ánh mắt và cái cười hóm hỉnh tiếp chúng tôi vào một chiều đông giá rét ở Hà Nội chính là PGS.TS. Dương Văn Khảm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường KTTVMT), Chủ nhiệm đề tài Bản đồ sương muối và nhiệt độ thấp vùng Tây Bắc. Trong câu chuyện với ông, tôi thấy khâm phục, cảm thông hơn những con người bình dị, đã vượt lên muôn trùng khó khăn tại những miền sơn cước xa xôi, giá lạnh, tập trung trí tuệ để cống hiến cho đời một công trình khoa học có ý nghĩa kinh tế- xã hội- nhân văn sâu sắc: góp phần cho sự sinh tồn, phát triển của cây cao su, cà phê vào những ngày sương giá ở ba tỉnh Điện Biên, Sơn La, Lai Châu.
Gian nan đưa cây cao su, cà phê lên vùng sương giá
Tây Bắc được đánh giá là vùng có nhiều lợi thế để phát triển diện tích trồng các cây lâu năm, nhất là các cây cao su, cà phê. Nhưng sương muối và sương giá là những hiện tượng thời tiết rất nguy hại đối với cây trồng. Tác hại nghiêm trọng của các đợt sương muối, rét hại đối với mô hình trồng cao su và cà phê ở các tỉnh miền núi phía Bắc những năm gần đây đã gây thiệt hại đáng kể cho các địa phương, đặc biệt là các đợt rét kéo dài năm 2008, 2011 đã làm nhiều diện tích cao su bị héo lá, chết ngọn.
Theo TS. Khảm: Nằm trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện CNH nông nghiệp - nông thôn và miền núi, cây cao su, cây cà phê đã lên vùng Tây Bắc trong sự hy vọng của người dân cũng như lãnh đạo các cấp. Thời gian đầu, cây phát triển tương đối tốt và ổn định, nhưng sau đó gặp phải sự khắc nghiệt của thời tiết Tây Bắc. Sương muối, nhiệt độ thấp đã làm cho một bộ phận diện tích cây cao su bị chết. Nhận thấy sự thiệt hại to lớn đối với sản xuất cà phê, cao su chủ yếu do sương muối, nhiệt độ thấp gây ra, Bộ Khoa học và Công nghệ mà đứng đầu là Thứ trưởng TS.Nguyễn Văn Lạng, người đã có rất nhiều tâm huyết trong việc đưa cây cao su lên Tây Bắc đã giao cho Viện Khoa học KTTVMT xây dựng tập bản đồ sương muối và nhiệt độ thấp để có quy hoạch phát triển và giảm thiểu thiệt hại do sương muối gây ra đối với cao su và cà phê ở vùng Tây Bắc.
Bây giờ, ngồi ở Hà Nội trong cái giá rét hại và kéo dài này, ông có lo cho cây cao su, cà phê ở Điện Biển, Lai Châu, Sơn La? Có chứ, ông Khảm nói, bởi chúng tôi đã gắn bó với các vùng nghiên cứu của ba tỉnh này trong 2 năm (2010-2011) triển khai đề tài. Sau khi hoàn thành, đề tài được chuyển giao trong niềm hân hoan, phấn khởi của mọi người. Điều làm cho chúng tôi thêm tự tin, yên tâm là qua đợt giá rét năm 2011, diện tích cao su đã trồng bị hại chỉ còn khoảng dưới 5%. Đợt rét hại năm 2012 chưa tổng kết, nhưng tôi tin là sẽ cho kết quả khả quan hơn, vì các diện tích mới trồng đã có bản đồ sương muối hỗ trợ.
Tôi cũng tin và vui lây với TS. Khảm, bởi mới rồi trong câu chuyện với một anh bạn vốn công tác lâu ngày ở Điện Biên, tôi được biết hai loại cây này đang phát triển mạnh ở vùng đất xa xôi, khắc nghiệt này.
|
Lần đầu tiên sử dụng công nghệ GIS và Viễn thám xác định vùng an toàn sương muối, giá rét
Chia xẻ với chúng tôi về điều tâm đắc nhất khi thực hiện đề tài Bản đồ sương muối, ông Khảm nói: Nhận thấy sự thiệt hại to lớn đối với sản xuất cà phê, cao su chủ yếu do điều kiện thời tiết- khí hậu, đặc biệt là sương muối gây ra một số tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, điều tra khảo sát tình hình sương muối ở địa phương mình. Nhưng các nghiên cứu trước đây được tiến hành trong điều kiện kỹ thuật còn nhiều hạn chế, số liệu nghiên cứu chủ yếu tập trung khai thác của các trạm khí tượng thủy văn (KTTV), khí tượng nông nghiệp (KTNN), chưa có nghiên cứu nào thu nhận dữ liễu và tính toán từ các công nghệ và mô hình tiên tiến như: hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám (RS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) nên kết quả thu được còn hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng đề tài với hướng nghiên cứu mới này không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà khoa học mà còn là sự quan tâm của các nhà quản lý và nhân dân địa phương. Đây là một trong những nghiên cứu sử dụng thành công công nghệ GIS và viễn thám để xác định vùng an toàn sương muối và nhiệt độ thấp đối với diện tích có khả năng phát triển cây cao su và cà phê ở ba tỉnh Tây Bắc. Bằng việc sử dụng số liệu viễn thám và việc kế thừa thuật toán và các tham số trong những nghiên cứu uy tín, thông qua phân tích các dữ liệu khí tượng thủy văn, dữ liệu đo đạc khảo sát thực địa, đề tài đã xây dựng được tập Bản đồ chuyên đề về các đặc trưng sương muối, nhiệt độ thấp, tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ công tác quy hoạch và phát triển cao su, cà phê ở vùng Tây Bắc.
TS. Khảm khẳng định: Việc xây dựng bản đồ các đặc trưng sương muối và nhiệt độ thấp bằng dữ liệu ảnh viễn thám là hướng nghiên cứu mới về việc tận dụng những ưu thế riêng của dữ liệu viễn thám trong nghiên cứu các hiện tượng thời tiết nguy hiểm ảnh hưởng đến cây trồng. Khi truy cập vào hệ thống bản đồ, người xem có thể biết được ngày bắt đầu và kết thúc sương muối, xác suất xảy ra sương muối, mức độ khắc nghiệt sương muối, thời gian xuất hiện nhiệt độ thấp và ảnh hưởng cuả nhiệt độ thấp tới cây cà phê, cao su; đồng thời biết được vùng an toàn sương muối và nhiệt độ thấp cho các loại cây này. Ngoài ra Bản đồ sương muối còn tăng cường số liệu phục vụ công tác điều tra cơ bản giúp các nhà quản lý khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên cho từng vùng cụ thể để phát triển KT-XH, đặc biệt là phát triển kinh tế vùng núi và những vùng khó khăn; cung cấp các công cụ giám sát, cảnh báo sương muối, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, phục vụ phát triển nông nghiệp nói chung và cây cao su, cà phê nói riêng.
Ông khuyến nghị ba tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La để phòng tránh sương muối và nhiệt độ thấp, cần chọn giống cao su, cà phê có khả năng chống chịu tốt khi nhiệt độ thấp kéo dài. Coi bản đồ phân vùng mức độ an toàn sương muối và nhiệt độ thấp là một trong những cơ sở khoa học quan trọng trong việc quy hoạch phát triển cây cao su, cà phê. Ngoài ra khi xác định các địa điểm cụ thể để trồng cao su, cà phê cần có sự xem xét tổng hợp các điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, địa mạo, cảnh quan, và các yếu tố khí tượng thủy văn khác
Đau đáu niềm đam mê
Kết thúc câu chuyện với chúng tôi, TS. Khảm chia sẻ: Việc nghiên cứu công nghệ mới góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp nước nhà là trách nhiệm, cũng là niềm đam mê của những người nghiên cứu khoa học khí tượng nông nghiệp; vì vậy tuy vùng nghiên cứu có xa xôi, giá lạnh chúng tôi không quản, chỉ mong muốn được tiếp tục triển khai nghiên cứu tại các vùng khác nhau ở Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái là những tỉnh đang phát triển và mở rộng sản xuất cao su trên quy mô lớn, cũng là những nơi từng chịu thiệt hại lớn của các đợt rét hại trong các năm vừa qua. Ngoài ra, sương muối và nhiệt độ thấp không chỉ ảnh đến cao su và cà phê mà còn ảnh hưởng đến nhiều cây trồng, vật nuôi khác; vì vậy việc áp dụng công nghệ mới này nghiên cứu cho các vùng khác nhau đối với các cây trồng, vật nuôi khác nhau là rất cần thiết.
Thu Nga (*)
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)