DN cao su thận trọng đón năm 2013 30/12/2012
Cán mốc trước hạn
Mới hết quý III/2012, 3/5 doanh nghiệp cao su thiên nhiên niêm yết trên sàn đã về đích kế hoạch kinh doanh. Sớm nhất là CTCP Cao su Thống Nhất (TNC). Theo thông tin công bố thì từ cuối quý I/2012, lợi nhuận của TNC đã gần chạm mốc kế hoạch. Đến hết tháng 6/2012, lợi nhuận trước thuế (LNTT) của TNC đã đạt 64,98 tỷ đồng, vượt 72,82% kế hoạch năm. Hiện LNTT của TNC ước gấp đôi chỉ tiêu đề ra.
Không riêng TNC, CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cũng đã về đích. Theo thông tin mới nhất thì 11 tháng đầu năm, PHR ước đạt 580 tỷ đồng LNTT, vượt kế hoạch đề ra. TRC cũng ước đạt 320 tỷ đồng, vượt 5,2% chỉ tiêu cả năm. CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), CTCP Hòa Bình (HRC) tuy chưa vượt được kế hoạch lợi nhuận năm nhưng có khả năng về đích đúng hạn vì cuối năm thường là cao điểm tiêu thụ cao su.
Năm 2012, các DN ngành cao su tự nhiên đã quá thận trọng đặt kế hoạch kinh doanh
Vì kinh doanh khả quan, theo thông tin từ TRC, mức thu nhập trung bình của nhân viên Công ty là 11,6 triệu đồng/người/tháng - một mức mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, nhìn trên cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su tự nhiên, giới phân tích thấy có nhiều điểm cần lưu ý.
Thứ nhất, đa số các kế hoạch kinh doanh năm 2012 của nhóm doanh nghiệp cao su đều thấp. Đơn cử, kế hoạch lợi nhuận năm 2012 của TNC chỉ bằng 52% lợi nhuận năm 2011 mà TNC đạt được. Hay kế hoạch lợi nhuận năm 2012 tính ra chưa tới 50% lợi nhuận 2011 của PHR. Điều này cho thấy sự thận trọng cao của các doanh nghiệp cao su tự nhiên.
Thực tế, ngành cao su thiên nhiên đã không còn hưởng lợi từ giá mủ cao su cao. Theo kế hoạch đặt ra của PHR thì giá bán trung bình trong năm 2012 sẽ khoảng 67 triệu đồng/tấn, tức đã lường yếu tố rớt giá so với mức giá 72 - 75 triệu đồng/tấn của những tháng cuối năm 2011. Tuy nhiên, mức giá bán trung bình của PHR trong 11 tháng qua lại thấp hơn giá bán dự kiến. Vì thế, doanh thu luỹ kế 11 tháng năm 2012 của PHR mới đạt 1.784 tỷ đồng, bằng 87,4% kế hoạch cả năm.
Năm 2012 cũng ghi nhận nguồn thu tài chính và khoản thu nhập khác đóng góp đáng kể vào tổng lợi nhuận của một số doanh nghiệp cao su. Điển hình, thu nhập khác của HRC chiếm 78,5% LNTT 9 tháng đầu năm 2012, trong khi cùng kỳ, thu nhập khác của HRC chỉ chiếm 29,2% LNTT. Hay lợi nhuận khác của PHR cũng đã tăng mạnh, từ góp 6% LNTT 9 tháng 2011 đã tăng lên mức 27% LNTT 9 tháng 2012. Riêng lợi nhuận khác của TNC đã tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,9% LNTT của TNC. Theo thuyết minh BCTC thì lợi nhuận khác của các doanh nghiệp cao su đến chủ yếu từ thanh lý cây cao su.
Bức tranh nào cho năm 2013?
Các doanh nghiệp cao su tiếp tục dè dặt khi nhìn về năm 2013. Theo kế hoạch đã được HĐQT của TNC nhất trí và chỉ còn chờ ĐHCĐ thông qua, trong năm 2013, TNC chỉ đặt mục tiêu 190 tỷ đồng doanh thu (với lượng cao su thành phẩm tiêu thụ 1.100 tấn), LNTT đạt 23 tỷ đồng. Như vậy, so với mức lợi nhuận 71,5 tỷ đồng mà TNC đạt trong 9 tháng 2012, chỉ tiêu lợi nhuận năm 2013 của TNC chỉ bằng 32%.
Các doanh nghiệp có lý do để thận trọng. Theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), giá xuất khẩu mủ cao su năm 2013 có khả năng thấp hơn mức trung bình của năm 2012.
Tuy nhiên, giới phân tích lại xếp nhóm cao su thiên nhiên vào một trong những ngành có thể xem xét đầu tư. Theo CTCK Vietcombank (VCBS), Việt Nam đã là một trong 4 nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Vị thế này giúp Việt Nam thuận lợi trong xuất khẩu ổn định. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên ở Mỹ, Trung Quốc... vẫn rất cao do ngành công nghiệp ô tô vẫn đang hoạt động tốt và có nhiều triển vọng sáng sủa. Điều này giúp giá mủ cao su nếu giảm cũng không giảm sâu.
Hiện 5 doanh nghiệp cao su tự nhiên đang niêm yết đều có các chỉ tiêu tài chính cơ bản lành mạnh với nguồn tiền mặt dồi dào, lợi nhuận lũy kế lớn, hệ số nợ thấp, khả năng sinh lời cao, hiệu quả hoạt động tốt. Ngoài ra, theo thống kê, 5 doanh nghiệp thuộc nhóm này đều có EPS cao, cao nhất là DPR (8.141 đồng/CP), TRC (7.570 đồng/CP). EPS thấp nhất thuộc về TNC với 3.286 đồng/CP. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp cao su tự nhiên cũng ở mức cao. Trừ TNC, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp còn lại đều trên 2 chấm (trên 20.000 đồng/CP).
VCBS nhận định, với những đặc điểm này, dù kinh tế dự báo vẫn chưa hết khó, giá cao su có thể giảm thì kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này trong thời gian tới vẫn ở mức tốt.
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)