VRG những tháng cuối năm 2012: Nhiều khó khăn, thách thức cần kịp thời tháo gỡ 20/08/2012
Tiến độ khai thác vượt 2% so cùng kỳ năm trước
Về khai thác mủ, 6 tháng đầu năm VRG đã khai thác hơn 76.000 tấn mủ, đạt xấp xỉ 30% kế hoạch (KH) năm. Tiến độ này vượt gần 2% so cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân là nhờ các công ty đã giảm thiểu được mức độ gây hại của bệnh phấn trắng trên vườn cây khai thác, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi nên một số đơn vị ra quân khai thác sớm hơn năm trước, công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất từ VRG đến các đơn vị thành viên được thực hiện sâu sát, hiệu quả…
Công tác thu mua mủ cao su tiểu điền tiếp tục được đẩy mạnh với sản lượng thu mua 6 tháng đạt trên 15.000 tấn, bằng 41% KH năm. Nhờ vậy, toàn VRG đã chế biến hơn 95.000 tấn sản phẩm, đạt xấp xỉ 30% KH năm.
Về công tác khai hoang, tái canh, trồng mới, đến hết tháng 6, toàn VRG đã tái canh gần 2.000 ha và trồng mới 8.800 ha. Đối với các dự án đầu tư ở Lào và Campuchia, tình hình cho thấy đã xuất hiện những khó khăn mới, ảnh hưởng bất lợi đến công tác khai hoang, trồng mới.
Tuy nhiên, khó khăn và đáng lo nhất vẫn là khâu tiêu thụ. Sau khi đạt được mức giá bán bình quân trên 75 triệu đồng/tấn trong 4 tháng đầu năm, bắt đầu từ tháng 5, giá bán cao su liên tục sụt giảm (bình quân tuần sau thấp hơn tuần trước 1 triệu đồng/tấn) và đến cuối tháng 7 đã giảm xuống dưới 60 triệu đồng/tấn. Tính chung 6 tháng đầu năm, toàn VRG đã tiêu thụ 118.000 tấn sản phẩm các loại, trong đó xuất khẩu (XK) và ủy thác XK 54.000 tấn (32% KH năm), tiêu thụ nội địa 64.000 tấn (40% KH năm). Giá bán bình quân toàn VRG đạt 70,7 triệu đồng/tấn. Doanh thu kinh doanh cao su của VRG 6 tháng đạt gần 8.500 tỉ đồng, bằng 39% KH năm.
Bên cạnh SXKD thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VRG trong 6 tháng đầu năm là xây dựng đề án tái cơ cấu Tập đoàn theo chỉ đạo của Chính phủ. Đề án này đã được Bộ NN&PTNT thông qua và đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Lãnh đạo VRG đánh giá kết quả SXKD 6 tháng đầu năm và các mặt công tác khác đã đạt kết quả khả quan, đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy vậy, việc thực hiện nhiệm vụ 6 tháng còn lại là rất nặng nề, nhất là diễn biến thị trường tiêu thụ cao su đang có nhiều bất lợi. Có thể nói đây là nhân tố then chốt, quyết định đến doanh thu, lợi nhuận, tiền lương, tiền thưởng cuối năm của các đơn vị cũng như toàn VRG.
Về vấn đề này, lãnh đạo VRG đã chỉ đạo các công ty cao su khu vực miền Đông phải đảm bảo ký kết hợp đồng dài hạn (HĐDH) bằng tối thiểu 60% sản lượng của công ty, trong đó 80% phải XK. Tỉ lệ này đối với các công ty Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung là 40% sản lượng HĐDH, XK là 60%. Trong đó, TGĐ Trần Ngọc Thuận hết sức lưu ý và chỉ đạo các đơn vị khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung phải cơ cấu lại chủng loại sản phẩm cho phù hợp với thị trường, đồng thời tăng cường mở rộng thị trường mới, khách hàng mới để giảm dần phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Lãnh đạo VRG cho biết khi giá bán xuống dưới 67 triệu đồng/tấn, VRG sẽ xem xét điều chỉnh kế hoạch về giá thành sản xuất và giá bán bình quân cho phù hợp. Đặc biệt, nếu giá cao su xuống dưới 3.000 USD/tấn, VRG sẽ nghiên cứu sử dụng các nguồn vốn (vay ưu đãi của Chính phủ, của Quỹ bảo hiểm XK cao su…) để mua dự trữ khoảng 100.000 – 200.000 tấn cao su. Đồng thời, Hiệp hội Cao su VN (VRA) cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính miễn thuế XK cho mặt hàng cao su li tâm (Latex) và cao su hỗn hợp.
Về công tác chỉ đạo sản xuất, VRG liên tịch cùng Công đoàn Cao su VN phát động phong trào thi đua SXKD hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng năm. Đồng thời, phát động phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi các cấp để tiến tới hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ toàn ngành năm 2012. Các đơn vị tổ chức thực hiện tăng năng suất vườn cây, vượt kế hoạch sản lượng trên cơ sở đảm bảo quy trình kỹ thuật, góp phần tiết giảm chi phí, hạ giá thành, tăng lợi nhuận.
Về công tác khai hoang, trồng mới, trên cơ sở tình hình mới, VRG chỉ đạo các đơn vị ở Campuchia đẩy nhanh tiến độ khai hoang nhưng phải kỹ lưỡng, thận trọng để hoàn thành kế hoạch trồng mới năm 2012, đồng thời chuẩn bị trồng 30.000 ha trong năm 2013 để đến năm 2014 trồng hoàn thành dự án 100.000 ha ở Campuchia. Đối với các dự án ở Lào, VRG đang tiến hành khảo sát quỹ đất để phát triển cây cao su và xây dựng nhà máy chế biến tại tỉnh U- đôm- xay và tỉnh Luông- nậm- thà, thuộc Bắc Lào.
Bên cạnh đó, VRG đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn, trong đó tập trung thoái vốn khỏi các dự án về tài chính, ngân hàng, chứng khoán ngay trong năm nay; đồng thời tiếp tục rà soát để hoàn thành thoái vốn khỏi các ngành nghề phụ khác trước năm 2015 theo chỉ đạo của Chính phủ.
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)