logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Hiệp hội Cao su VN: Tăng cường mở rộng nhiều hoạt động mới 25/07/2012

Để hỗ trợ thiết thực cho hội viên và ngành cao su VN tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, giai đoạn 2012 – 2014, Hiệp hội Cao su VN (VRA) sẽ củng cố và tăng cường mở rộng nhiều hoạt động mới nhằm đem lại nhiều lợi ích cho hội viên. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa – Nguyên Tổng Thư ký VRA, năm 2012 ngành cao su VN gặp những thuận lợi và thách thức đan xen. Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đã tạo điều kiện và cơ sở cho ngành cao su phát triển có định hướng. Dự báo nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên của thế giới tăng, sự liên kết của các nước sản xuất cao su có thể ngăn chặn được giá không giảm dưới giá thành…

Tuy nhiên, khó khăn là do giá cao su nguyên liệu biến động nhanh, mạnh và khó dự đoán. Thị trường xuất khẩu còn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu mậu biên sang thị trường Trung Quốc, chất lượng cao su chưa đồng đều giữa các doanh nghiệp và chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ. Mức tiêu thụ cao su trong nước chế biến sản phẩm còn hạn chế. Ngoài ra, công nghiệp chế biến sản phẩm cao su còn gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm nhập không được kiểm soát chất lượng và giá cả. Thuế xuất khẩu cao su chưa hợp lý, thuế bao bì nhựa, hoàn thuế giá trị gia tăng chậm…

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ hội viên (HV) và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của toàn ngành cao su VN, giai đoạn 2012 – 2014, VRA tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:  Phối hợp với các bộ, ngành rà soát hiện trạng, điều chỉnh quy hoạch về diện tích, sản lượng, công suất nhà máy để nâng diện tích cao su lên 1 triệu ha. Đánh giá tình hình phát triển các thành phần kinh tế trong ngành cao su nhằm tìm hiểu tác động và xu hướng phát triển của các thành phần. Xây dựng các tiêu chí thiết lập, mở rộng nhà máy, cân đối vùng nguyên liệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đề ra giải pháp quản lý, kiểm soát chất lượng cao su thiên nhiên nhằm nâng cao uy tín ngành cao su VN.

VRA sẽ ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật làm rào cản không cho nhập các sản phẩm cao su kém chất lượng, phối hợp và đề nghị các bộ, ngành trung ương sớm tìm các biện pháp để ngăn chặn việc xuất nhập khẩu nguyên liệu cao su và nhập khẩu sản phẩm cao su (đặc biệt là săm lốp các loại) với giá quá thấp hơn giá thực tế để gian lận thuế. Đồng thời, VRA tuyên truyền vận động HV đi đầu trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và áp dụng chứng chỉ kiểm phẩm cho tất cả các lô hàng. Tiếp tục tăng cường hợp tác với các bộ ngành và các tổ chức trong, ngoài nước để hỗ trợ HV trong các hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường để giảm sự lệ thuộc vào thị trường mậu biên Trung Quốc và mở rộng các thị trường khác, đề xuất chính sách thuận lợi cho ngành, đề nghị khen thưởng cho doanh nghiệp và HV.

Ngoài ra, VRA cũng sẽ tăng cường sự liên kết giữa các HV để hưởng ứng chương trình “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” và là “khách hàng ưu tiên” của nhau nhằm hỗ trợ trong cơ chế mua bán, giá cả hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất các sản phẩm cao su, giảm xuất khẩu nguyên liệu để tăng giá trị của ngành cao su. Đặc biệt, tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tổ chức cao su quốc tế và nước ngoài, tham gia làm thành viên của các tổ chức quốc tế cao su uy tín nhằm bảo vệ giá cho người sản xuất cao su. Trao đổi thông tin kịp thời về thị trường cao su, tình hình xu hướng phát triển để giúp doanh nghiệp có cơ sở định hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Bình Nguyên   

Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ