logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Tầm quan trọng của công tác dự báo thị trường 23/07/2012

Vào cuối năm 2011, khi bàn về kế hoạch giá bán cao su năm 2012, có ý kiến cho rằng việc VRG xây dựng kế hoạch giá bán cao su bình quân năm nay ở mức 67 triệu đồng/tấn là hơi “khiêm tốn”. Lí giải được đưa ra là mức giá này thấp hơn khá nhiều so với giá bán bình quân năm 2011 (91,8 triệu đồng/tấn). Để tăng tính thuyết phục, các ý kiến này còn viện dẫn những dự báo cho thấy thị trường tiêu thụ cao su năm 2012 của thế giới vẫn rất sáng sủa, dù giá bán khó có thể bằng năm 2011 nhưng cũng không thấp hơn nhiều.

Dự báo này có vẻ… đúng, ít nhất là cho đến trước tháng 4 năm nay, khi giá cao su vẫn giữ “phong độ” ở mức trên dưới 80 triệu đồng/tấn. Nhưng kể từ đầu tháng 5, đặc biệt là qua tháng 6, giá cao su liên tục sụt giảm với mức bình quân tuần sau thấp hơn tuần trước khoảng 1 triệu đồng/tấn. Đến tuần cuối tháng 6, giá bán đã dưới mức 65 triệu đồng/tấn, tức thấp hơn mức kế hoạch 67 triệu đồng/tấn mà VRG đưa ra. Phân tích nhiều yếu tố liên quan cho thấy, giá cao su từ nay đến cuối năm hầu như không có khả năng đạt mức “đỉnh” như năm 2011, thậm chí dao động quanh mức 70 triệu đồng/tấn đã là “lý tưởng”.

Như vậy, đến giờ có thể khẳng định những phân tích, tính toán, dự báo hồi đầu năm của Ban lãnh đạo VRG đã chính xác. Dự báo đó được lập luận và xuất phát từ nhiều yếu tố: cái cũ - cái mới, khách quan - chủ quan, ngắn hạn – dài hạn và phần nào đó gồm cả sự nhạy cảm và dự báo được tình hình thị trường của những người hoạch định chiến lược tiêu thụ.

Qua đó chúng ta càng thấy tầm quan trọng của việc dự báo thị trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự báo ở đây không phải là “cầm đèn chạy trước ô tô” hay “đếm cua trong lỗ”, mà nó được hình thành qua cả một quá trình trải nghiệm (thành công và thất bại), sự chiêm nghiệm, được đúc kết và rút tỉa với những luận điểm, luận cứ chặt chẽ, khoa học.

Tình hình càng khó lường, càng biến động thì càng cần phải chú trọng công tác nắm bắt tình hình và dự báo. Không chỉ dự báo mặt thuận lợi, tích cực mà dự báo được cả những rủi ro, bất trắc. Từ đó sẽ hoạch định được chiến lược phát triển, chủ động ứng phó với rủi ro, linh hoạt trong công tác điều hành chỉ đạo và quản lý hiệu quả. Dự báo chính xác sẽ giúp khả năng thích ứng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tăng lên đáng kể.

Ban TGĐ VRG hàng tuần đều lưu ý các đơn vị cần bình tĩnh và linh động trong công tác điều hành, quản lý. Đồng thời, VRG cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện một số biện pháp về chiến lược thị trường và chính sách bán hàng phù hợp nhằm ứng phó với tình tình tiêu thụ không thực sự thuận lợi và giá cao su giảm như vừa qua. Những lưu ý, chỉ đạo kịp thời và cần thiết đó xuất phát từ việc Ban lãnh đạo VRG đã dự báo chính xác về tình hình thị trường.

Trung Kiên

 Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ