logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Hội nghị giao ban nông nghiệp Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam lần 3 19/07/2012

Ngày 11/7, tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, VRG tổ chức Hội nghị Giao ban Kỹ thuật nông nghiệp lần III năm 2012. TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận và đại diện 46 đơn vị thành viên đã đến dự. Nét mới hội nghị lần này là tập trung đánh giá khá toàn diện và đồng bộ về công tác quản lý và kỹ thuật, đặc biệt chú trọng đến những mô hình hay, kỹ thuật mới.

Giải pháp quản lý và kỹ thuật thời gian tới

Theo ông Nguyễn Tấn Đức - Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG, thời gian tới các đơn vị thành viên cần tập trung vào một số giải pháp kỹ thuật sau: Đối với vườn cây TCTM và KTCB, cần thực hiện tốt công tác khảo sát, quy hoạch chọn đất trồng, thực hiện tốt các biện pháp chống úng và hạn trên đất rừng khộp, chống xói mòn trên đất dốc. Ngay trong năm đầu, thiết lập thảm phủ họ đậu và có biện pháp quản lý tránh cạnh tranh với cao su trong mùa khô. Về thời vụ trồng, trồng mới ngay đầu vụ và kết thúc trồng mới đúng vụ, chuẩn bị đủ cây giống bầu nhiều tầng lá để trồng dặm định hình vườn cây ngay trong năm đầu. Ngoài ra, áp dụng thêm các biện pháp thâm canh vườn cây như trồng giống tiến bộ, bón phân đúng kỹ thuật và đủ định lượng theo quy trình, thực hiện phúp bồn tủ gốc sớm vào cuối mùa mưa.

“Để có vườn cây ngay năm cạo thứ nhất đạt trên 1 tấn/ha, năm thứ 3-4 đạt 2 tấn/ha thì quan điểm đầu tư thâm canh phải làm tốt bón phân, phòng trừ bệnh hại, nhân rộng diện tích tích mùn nhất là với cây mới cạo và vườn cây nhóm I”, ông Đức bày tỏ.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ, cần chủ động sản xuất cây giống theo hướng trồng tum vào bầu, kiểm soát chặt chất lượng cây giống, chỉ sử dụng cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và đúng cơ cấu quy định. Trong công tác bảo vệ thực vật, chủ động trang bị máy phun phòng trị bệnh trên vườn cây giao tán, thực hiện nhân rộng diện tích phòng trị bệnh phấn trắng, còn bệnh Corynespora phải phát hiện sớm và xử lý hóa chất kịp thời. Việc bón phân vườn cây phải bón đủ định lượng theo quy trình, chú ý quan tâm hơn với vườn cây yếu kém.

Ông Đức còn lưu ý, tùy theo khu vực mà đơn vị quan tâm đến vấn đề trọng tâm như: Đông Nam bộ phải khai thác hết tiềm năng bằng việc áp dụng các tiến bộ rút ngắn thời gian KTCB, khai thác tối đa tiềm năng vườn cây, xây dựng chương trình thanh lý tái canh hợp lý, áp dụng các biện pháp khai thác thích hợp tránh việc tụt giảm sản lượng nhanh, nhân rộng mô hình trồng bầu 4-5 tầng lá. Còn với khu vực Tây Nguyên, các đơn vị phối hợp với Viện NCCS VN thực hiện chương trình nâng cấp vườn cây khai thác sớm đạt năng suất bình quân 1,7 tấn/ha như kế hoạch đề ra. Các diện tích KTCB trên đất rừng khộp cần tâp trung củng cố, chăm sóc tích cực, diệt sạch le trên hàng để đảm bảo sinh trưởng vườn cây. Khu vực Campuchia, quan tâm vấn đề chống úng, chống khô hạn, có chế độ khai thác phù hợp (như cạo D4) để giải quyết vấn đề thiếu lao động khai thác trong những năm tới.

Tháng 9/2012 ban hành Quy trình kỹ thuật mới

 Tại hội nghị, ông Phan Thành Dũng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao su VN (NCCS VN), trình bày tóm tắt những chỉnh sửa trong Quy trình kỹ thuật sắp ban hành. Theo ông Dũng, đây là quy trình kỹ thuật mở, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật, là cơ sở pháp lý để các đơn vị thành viên thực hiện sau khi ban hành. “Quy trình kỹ thuật cây cao su sắp ban hành cập nhật mới những tiến bộ về mọi lĩnh vực từ sản xuất cây giống, trồng mới, chăm sóc cao su KTCB, kỹ thuật thu hoạch và chăm sóc vườn cây khai thác, kỹ thuật bảo vệ thực vật. Đây là quy trình tổng hợp tất cả các vùng trồng cao su do VRG quản lý”, ông Dũng cho biết.   

Qua 3 lần tổ chức hội nghị, công tác kỹ thuật nông nghiệp trong Tập đoàn được nâng lên và đạt kết quả thiết thực. Hội nghị giao ban lần thứ nhất tại Dầu Tiếng, lần 2 tại Chư Păh đã giúp các đơn vị nâng cao nhận thức và thực hiện tốt công tác giống, bảo vệ thực vật. Đây là cơ sở rất tốt để năm 2013 và những năm tiếp theo công tác nông nghiệp được làm tốt hơn”, Phó TGĐ Lê Minh Châu nhận định.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận nhận xét, hội nghị lần này đã đánh giá khá toàn diện và đồng bộ về công tác quản lý và công tác kỹ thuật. Nhất là có đề ra những định hướng cần thực hiện trong thời gian tới.

TGĐ còn đề nghị các đơn vị xem xét và đóng góp ý kiến lần cuối nhằm hoàn thiện Quy trình kỹ thuật mới để ban hành vào tháng 9 này. Góp ý cho quy trình kỹ thuật mới, TGĐ lưu ý một số vấn đề: Quy trình kỹ thuật phải bám sát thực tiễn, bổ sung cập nhật nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng vào thực tế đạt hiệu quả cao, đặc biệt là những cách làm hay, mô hình mới như mô hình trồng bầu 4-5 tầng lá tại một số đơn vị khu vực Đông Nam bộ. Xác định chế độ cạo nhịp độ thấp d4 thích hợp nhằm tăng năng suất lao động và áp dụng cho những vùng thiếu lao động. Vấn đề trồng cây thảm phủ họ đậu, đào hố tích mùn theo phương pháp hàng cách hàng…

Ngoài ra, TGĐ còn chỉ đạo Ban Quản lý kỹ thuật VRG, Viện NCCS VN phải nhanh chóng tổng kết một số mô hình như trồng cao su trên đất rừng khộp, trồng cây thảm phủ họ đậu nhằm đánh giá ưu nhược điểm và chuẩn bị những bước tiếp theo. Đồng thời, sớm tổ chức Hội nghị tập huấn nhận dạng cây giống cho các đơn vị. TGĐ cũng lưu ý các đơn vị, nhất là những đơn vị có năng suất vườn cây còn thấp cần quan tâm hơn nữa đến đội ngũ cán bộ làm công tác kỹ thuật và có chiến lược sử dụng lực lượng này hợp lý.

Còn Phó TGĐ VRG Lê Minh Châu, đề nghị trên cơ sở mô hình trồng bầu 4-5 tầng lá tại Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, trong mùa trồng mới 2013, 2014 các đơn vị thực hiện trồng bầu 4-5 tầng lá từ 15-20% tổng diện tích. Với các đơn vị đã chuẩn bị cây giống tốt thì ngay trong năm 2012 có thể trồng từ 10 – 15% diện tích. Cũng theo ông Châu, xuất phát từ thực tế sau bão cao su bị gãy đổ, tại một số khu vực nên nghiên cứu lại phương pháp trồng và mật độ. Hiện Tập đoàn đã cho phép một số đơn vị trồng thí điểm với mật độ 550 cây/ha, hàng cách hàng 4m, cây cách cây 2m. 

 Hiệu quả thiết thực từ một số mô hình mới 

Ông Phạm Đình Luyến – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, cho biết năm 2011 toàn bộ diện tích vườn cây khai thác của công ty bị nhiễm bệnh phấn trắng nặng và sang năm 2012 cũng bị nhiễm bệnh, việc này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch sản lượng. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Quản lý kỹ thuật VRG, công ty thực hiện công tác phun thuốc phòng trị bằng máy phun cao áp. Kết quả cho thấy việc phun trị bệnh bằng máy cao áp đã mang lại hiệu quả cao. “Để việc phòng bệnh phấn trắng đạt hiệu quả thì cần phải tổ chức phun phòng sớm, đúng thời điểm và thời gian quy định, nhất là chọn máy phun phù hợp độ cao của tán lá”, ông Luyến đúc kết.

Còn ông Nguyễn Trường Thọ - Trưởng phòng Kỹ thuật nông nghiệp Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho hay việc thanh lý sớm diện tích vườn cây kinh doanh kém hiệu quả trong quá trình dài hạn có thể trong giai đoạn đầu không đạt hiệu quả cao nhưng xét lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng. Việc sụt giảm sản lượng ở mức chậm dần, giảm áp lực do sụt giảm sản lượng, khi thanh lý dần vườn cây có thể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như trồng giống mới, thay đổi phương pháp trồng, chăm sóc cây kịp thời…

 

Phan Thắng   

Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ