logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Chuyển đổi đất đang trồng cao su sang sử dụng cho mục đích khác: Phải quy định chặt chẽ về quy mô và mục đích sử dụng 12/07/2012

Vừa qua, tại UBND tỉnh Gia Lai, đoàn lãnh đạo VRG do ông Phạm Văn Hiền – Phó TGĐ VRG dẫn đầu, đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai xung quanh vấn đề chuyển đổi đất đang trồng cao su sang sử dụng cho mục đích khác. Ông Phạm Văn Hiền nêu rõ quan điểm của lãnh đạo VRG là thống nhất chủ trương của tỉnh sẽ dành một quỹ đất phù hợp để thực hiện chương trình phát triển nông thôn mới, nhưng việc thu hồi đất phải có quy định chặt chẽ về quy mô và mục đích sử dụng.

Tránh gây lãng phí cho cả huyện lẫn doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, giám đốc 4 CTCS tại Gia Lai đã nêu ra nhiều ý kiến, thực trạng việc địa phương thu hồi đất đang trồng cao su vào sử dụng những mục đích khác. Điển hình như trường hợp tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, huyện đã thu hồi 42,28 ha đất nhưng tỉnh lại chưa có quyết định nên diện tích này vẫn để trồng từ năm 2008 đến nay, gây lãng phí cho cả huyện lẫn doanh nghiệp. Tương tự, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê sẽ mất hàng chục ha cao su dọc Quốc lộ 14, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ trương quy hoạch làm khu dân cư.

Ông Phạm Văn Hiền nêu rõ quan điểm của lãnh đạo VRG là thống nhất chủ trương của tỉnh sẽ dành một quỹ đất phù hợp để thực hiện chương trình phát triển nông thôn mới, nhưng việc thu hồi đất phải có quy định chặt chẽ về quy mô và mục đích sử dụng.

Phía VRG và các đơn vị thành viên đề nghị tỉnh Gia Lai đồng ý để VRG cử cán bộ của VRG vào hội đồng xét duyệt quy hoạch để thống nhất khi quy hoạch dự án, không thu hồi diện tích cao su đang khai thác, nếu có thì để doanh nghiệp được khai thác hết chu kỳ cho mủ của cây cao su. Mặt khác, không quy hoạch hay bố trí khu dân cư gần nhà máy chế biến, đề nghị phía tỉnh khi thu hồi đất cao su làm khu dân cư thì công ty phải được cấp bù một diện tích khác để trồng mới cao su, đảm bảo việc làm cho người lao động. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã đồng ý với các kiến nghị của VRG và thống nhất hai bên sẽ có những văn bản quy định chung để giải quyết những vấn đề này.

Các doanh nghiệp đang thiếu quỹ đất để trồng cao su

Tỉnh Gia Lai đang quyết tâm thực hiện có kết quả Chương trình chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cây cao su, phấn đấu đến năm 2015 là hoàn thành tổng diện tích. Đây là một trong những chương trình lớn của Chính phủ nhằm khai thác tốt tiềm năng về quỹ đất nhằm mang lại lợi ích cho người dân, nhất là cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Từ năm 2008 - 2010, toàn tỉnh đã thực hiện được khoảng 10.000 ha diện tích chuyển đổi. Năm 2011 vừa qua, tỉnh đã giao quỹ đất cho các chủ đầu tư tiếp tục chuyển đổi và trồng mới 12.000 ha cao su, trong đó có những doanh nghiệp có kế hoạch trồng mới với quy mô lớn, như Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê (2.500 ha), Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh (1.500 ha)...

Tuy nhiên, đến hết năm 2011, các doanh nghiệp đều không thể trồng hoàn thành kế hoạch nêu trên, do việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu quỹ đất để chuyển đổi theo kế hoạch. Nguyên nhân là do công tác quản lý của các chủ rừng chưa chặt chẽ, lợi dụng trong quá trình quy hoạch đất rừng chuyển đổi, bà con dân tộc trên địa bàn đã “đi trước một bước” xâm lấn đất rừng để làm nương rẫy. Bên cạnh đó, một diện tích không nhỏ giao cho các chủ đầu tư là quỹ đất nằm trên núi đá có tầng lớp đất mỏng không thể đưa vào trồng cao su được... Vì vậy, các doanh nghiệp đều kiến nghị việc điều tra bổ sung quy hoạch cho phát triển cây cao su ở Gia Lai cần phải tiến hành sớm để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.

Văn Vĩnh  - C.V

 

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ