Lai Châu: Cây cao su mở lối thoát nghèo 12/07/2012
VH- Chưa bao giờ cây cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu lại được người nông dân trong vùng dự án tin và nhắc đến nhiều như vậy. Chuyện khó khăn trong góp đất, quy chủ, trồng mới, bỡ ngỡ khi chăm sóc dường như không còn. Công nhân các công ty và đồng bào các dân tộc địa phương đang chung sức, đồng lòng trồng và chăm sóc cây cao su. Cây cao su phát triển đến đâu thì đường đến thôn mới rộng mở đến đó.
Có việc làm, có thu nhập ổn định
Kể từ ngày cây cao su đầu tiên được trồng trên đất Sìn Hồ theo chủ trương của tỉnh, chưa bao giờ việc thực hiện kế hoạch lại dễ dàng đến vậy. Hơn ai hết, giờ đây bà con hiểu rằng cây cao su đã giúp cuộc sống gia đình mình ổn định hơn, bản làng mình đang tiến dần lên nông thôn mới, đường giao thông đến tận bản, hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư.
Có mặt ở các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ những ngày đầu tháng 7, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những bóng áo xanh công nhân và người lao động trong sắc phục các dân tộc trên khắp các ngả đường, sườn đồi. Đầu giờ chiều, tại vườn ươm cao su Đội cao su Pá Khôm (bản Pá Khôm, xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ), những cây giống cuối cùng đang được vận chuyển lên đồi bằng ô tô tải. Một số lao động người dân tộc Thái đang nhanh tay trộn những bao phân để chuẩn bị đưa lên đồi. Theo kế hoạch năm nay, Đội cao su bản Pá Khôm trồng gần 2ha ở khu vực gần trục đường chính về các xã vùng thấp trong huyện. Nhờ công ty chủ động, người dân ủng hộ nên kế hoạch sắp hoàn thành. Lò Văn Hải – công nhân người địa phương cho biết: “Hiện cả hai vợ chồng em cùng làm công nhân cao su. Để đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống em nhận chăm sóc hơn 6ha. Những ngày đầu làm công nhân có hơi gò bó và không quen việc nên cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ các anh, chị ở đội chỉ bảo cách làm nên giờ đã thấy quen. Trung bình mỗi tháng hai vợ chồng em nhận được khoảng 7 triệu tiền lương…”.
Công nhân Đội cao su Pá Khôm hoàn tất trồng những gốc cây cuối cùng theo kế hoạch
Vùng đất mới Nậm Cha (huyện Sìn Hồ) những ngày này dường như đông vui hơn khi khắp các sườn đồi của các bản Dền Thàng, Nậm Chăng I, Nậm Chăng II, Ngài Chồ, Nùng Khoai rợp bóng áo xanh và sắc màu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc địa phương. Là đơn vị “nặng gánh” nhất của Công ty cổ phần Cao su Lai Châu, năm nay Đội cao su bản Dền Thàng phải thực hiện kế hoạch trồng mới 150 ha. Dù Đội mới chỉ có 64 công nhân, nhưng do chủ động ngay từ những ngày đầu, từ việc đào hố, bón phân, vận chuyển cây giống và thuê lao động địa phương nên đến thời điểm này cây cao su đã phủ kín gần 100 ha đất đồi núi trọc và rừng nghèo trên địa bàn.
Vận chuyển cây giống mang đi trồng
Sẽ về đích đúng kế hoạch?
Hai công ty của Tập đoàn Cao su Việt Nam cùng chung một nhiệm vụ trồng cao su trên địa bàn tỉnh. Sau 5 năm tiến hành trồng đã có hơn 9.000ha cây cao su trải khắp trên địa bàn các huyện Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ. Những lứa cây đầu tiên sắp cho thu hoạch và mở ra tương lai sáng cho người dân địa phương trong vùng dự án. Nghị quyết của HĐND tỉnh Lai Châu khóa XII về chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 đề ra phải trồng được 20 nghìn héc ta. Theo đó, hằng năm UBND tỉnh Lai Châu giao chỉ tiêu cho từng địa phương và các công ty. Việc giao chỉ tiêu không chỉ để đạt nghị quyết mà lý do lớn hơn là vấn đề an sinh xã hội, cụ thể là để giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người dân góp đất, nhất là người dân tái định cư lòng hồ thủy điện Sơn La.
Ngoài công nhân, cây cao su đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động là đồng bào các dân tộc địa phương
Để đảm bảo kế hoạch theo nghị quyết, năm nay UBND tỉnh giao cho hai công ty trồng 2.500 ha, thế nhưng Tập đoàn Cao su Việt Nam chỉ giao cho mỗi công ty trồng 500 ha. Nếu tính hết số diện tích trồng mới năm nay khi hoàn thành, toàn tỉnh mới chỉ có 9.600 ha và chỉ đạt gần 50% nghị quyết. Lý giải về vấn đề này, đại diện Công ty cổ phần Cao su Lai Châu cho biết, nguyên nhân là do năm nay Tập đoàn Cao su Việt Nam thiếu vốn. Nơi dễ đã trồng trước và càng ngày càng phải vươn xa đến vùng khó khăn, địa hình phức tạp. Nếu hoàn thành kế hoạch năm nay công ty sẽ có khoảng 6.100 ha ở các xã vùng thấp huyện Sìn Hồ, Phong Thổ và thời gian còn lại phải cố gắng để hoàn thành 10 nghìn ha.
Như vậy, để hoàn thành kế hoạch theo nghị quyết của tỉnh, 3 năm tới đơn vị này phải tiến hành trồng thêm 6.500 ha. Trong khi đó, đến nay Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II mới chỉ tuyển dụng được hơn 350 công nhân người địa phương và nhiều năm nay, mỗi mùa trồng mới đều phải đi thuê lao động theo kiểu “ăn đong”.
Để đảm bảo đủ số diện tích 20 nghìn ha theo nghị quyết của tỉnh, các công ty cần sớm chủ động tuyển dụng công nhân và tỉnh cũng cần có biện pháp cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Cao su Việt Nam để đảm bảo diện tích theo nghị quyết đã đề ra.
Tây Bắc
http://news.go.vn/Doi-song/tin-745073/Lai-Chau-Cay-cao-su-mo-loi-thoat-ngheo.htm
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)