logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Cao su Việt Nam: Mở rộng thị trường, phát triển bền vững 02/12/2014

Description: http://vccinews.vn/upload/image/mr-Thuan.jpgXin ông cho biết những mốc son tiêu biểu trong 85 năm qua của ngành Cao su Việt Nam?

Sự kiện thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam bộ vào đêm 28/10/1929, tại làng 3 của Đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) là tiền đề hình thành nên ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam. Trong  2 cuộc đấu tranh trường kỳ của dân tộc các đồn điền cao su vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương cung cấp nhân tài, vật lực; vừa nuôi dưỡng, che giấu cán bộ…

Trong công cuộc đổi mới đất nước, bằng quyết tâm cao với phương châm “gà mẹ đẻ gà con”, lãnh đạo ngành cao su đã quyết định đẩy mạnh trồng cao su trên vùng đất Tây Nguyên. Với chủ trương đúng đắn đó, đã khơi dậy tiềm năng của một vùng đất đỏ ba-zan bạt ngàn và giàu đẹp. Tiếp đó, cây cao su đã không ngừng được trồng và phát triển mở rộng ở tất cả các địa bàn chiến lược, không chỉ hiện diện trên vùng đất truyền thống là miền Đông Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, mà còn vươn ra nhiều tỉnh ở Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc và sang cả nước bạn Lào, Campuchia.

Trong 10 năm (2003 – 2013), ngành cao su Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về năng suất, diện tích và sản lượng. Năm 2003, năng suất của cây cao su ở nước ta chỉ mới đạt 1.363 kg/ha nhưng đến năm 2013 đã đạt 1.740 kg/ha, đứng vị trí thứ hai sau Thái Lan (1.808 kg/ha), vượt hơn Ấn Độ (1.639 kg/ha) và Malaysia (1.400 kg/ha). Chỉ trong 10 năm, diện tích cây cao su được mở rộng thêm 514.900 ha để đạt 955.700 ha năm 2013. Cũng trong thời gian này, diện tích cao su tiểu điền và tư nhân đã phát triển với tốc độ rất nhanh, đến năm 2013, đạt khoảng 456.700 ha và 500.800 tấn mủ khô,  đóng góp 47,6% về diện tích và 52,8% về sản lượng. 

Description: http://vccinews.vn/upload/image/02.jpg

Tính đến năm 2014, cả nước có gần 1 triệu ha cao su; Đầu tư nước ngoài đạt khoảng 157.700 ha trong đó, đầu tư trồng tại Campuchia khoảng 94.600 ha, đầu tư trồng tại Lào khoảng 63.100 ha.

Ông có thể giới thiệu đôi nét về tiềm  năng, thế mạnh của ngành cao su Việt Nam?

Hiện nay, Việt Nam là nước có ngành cao su khá phát triển, xếp thứ 2 thế giới về năng suất vườn cây với sản lượng bình quân đạt 1.741 tấn/ha, xếp thứ 3 thế giới về sản lượng cao su thiên nhiên với 949.100 tấn, xếp thứ 4 về lượng xuất khẩu 1.076.279 tấn. Cao su luôn có mặt trong tốp 10 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của nước ta, năm 2013 xuất khẩu cao su thiên nhiên đạt 2,492 tỷ USD và là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao thứ ba, sau gạo và cà phê.

 Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến sản phẩm cao su tại Việt Nam đang tăng trưởng tốt với tốc độ gần 30% hàng năm về kim ngạch xuất khẩu, đạt khoảng 1,1 tỷ USD vào năm 2013, trong đó các sản phẩm cao su có kim ngạch xuất khẩu cao như lốp xe, linh kiện cao su kỹ thuật, đế giày....Đặc biệt, các công ty săm lốp hàng đầu thế giới như Bridgestone, Yokohama, Kumho….cũng đã nhận ra thuận lợi của nguồn nguyên liệu cao su Việt Nam, các lợi thế về chi phí nhân công và chính sách thuế, các công ty này đã mở nhà máy sản xuất săm lốp tại Việt Nam để xuất khẩu đi các nước.

Ngoài ra, chúng ta có SVR 3L là chủng loại chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua do lợi thế của đại điền và nhà máy quy mô lớn. Tuy nhiên, nhu cầu của thế giới không nhiều, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Để ứng phó với tình huống Trung Quốc giảm nhập khẩu SVR 3L, Việt Nam cần tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ SVR 3L và điều chỉnh giảm dần tỷ lệ, hạn chế phát triển nhà máy mới SVR 3L. Nhu cầu cao su khối hạng SVR 10, SVR 20 được dự đoán sẽ có số lượng tiêu thụ lớn nhất từ các nhà sản xuất lốp xe và có sự cạnh tranh mạnh giữa các nước xuất khẩu cao su thiên nhiên như Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Bên cạnh đó, nhu cầu SVR 10, SVR 20 trong nước sẽ tăng nhanh khi có nhiều nhà sản xuất lốp xe nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam (Kumho, Yokohama, Sailun, Bridgestone, Cheng Shin …) và doanh nghiệp lốp xe Việt Nam cũng đang phát triển tốt (Casumina, Đà Nẵng, Sao Vàng...). Cần tăng nhanh chủng loại SVR 10, SVR 20 để cân đối cơ cấu cao su thiên nhiên Việt Nam và đáp ứng tốt hơn cho thị trường trong và ngoài nước.

Phương hướng xuất khẩu và đẩy mạnh hợp tác quốc tế của ngành trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Bốn nước nhập khẩu cao su thiên nhiên dẫn đầu là Trung Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ và Nhật Bản, chiếm 65,5% tổng lượng cao su nhập khẩu thế giới năm 2013. Theo dự đoán của một số tổ chức cao su quốc tế, xu hướng cung vượt cầu về cao su thiên nhiên có thể kéo dài đến 2020 nếu tình hình kinh tế tiếp tục phục hồi chậm. Sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất cao su thiên nhiên không chỉ về giá, chất lượng mà còn cả về chủng loại nguyên liệu thích hợp. Theo đó, Việt Nam cần tận dụng lợi thế về quy mô sản xuất lớn để nâng tỷ lệ SVR CV 50/60, SVR 10, Latex và RSS 3, tuy nhiên, cần cập nhật nhu cầu của khách hàng và thị trường để có cơ cấu phù hợp vì nhu cầu trên thế giới khó vượt quá 10% mỗi loại đối với cao su Latex và RSS, và chỉ khoảng 1% đối với CV 50/60.

Description: http://vccinews.vn/upload/image/ANh-cao-su.jpg

 Đoàn doanh nghiệp Hiệp hội Cao su Việt Nam tham quan Trung tâm triển lãm các sản phẩm cao su quốc tế

Về thị trường, mặc dù hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu cao su tới 70 thị trường trên thế giới, tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn là nơi nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là thị trường có nhiều biến động thất thường nhất. Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, do tình hình kinh tế chung, nhu cầu nhập khẩu cao su vào Trung Quốc đang giảm gây ảnh hưởng xấu đến ngành cao su trong nước. Vì vậy, về lâu dài bên cạnh việc duy trì quan hệ kinh tế bình thường với Trung Quốc thì ngành cao su cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tìm kiếm các thị trường tiềm năng có nhu cầu lớn,  bên cạnh duy trì thị trường truyền thống Trung Quốc, cần ưu tiên mở rộng các thị trường tiềm năng thay thế như Malaysia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của ngành và cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã được hình thành vào năm 2002. Sau gần 2 năm tích cực vận động, Ban Vận động đã thu hút được 55 doanh nghiệp đăng ký làm Hội viên sáng lập và đã tổ chức Đại hội Thành lập Hiệp hội Cao su Việt Nam ngày 24/6/2004 tại TP. Hồ Chí Minh. Ban Chấp hành lâm thời Hiệp hội Cao su Việt Nam (2004 - 2005) gồm 17 thành viên đại diện cho các thành phần kinh tế, các Bộ ngành và các khu vực vùng miền. Tháng 11/2004, Hiệp hội Cao su Việt Nam chính thức đi vào hoạt động với nhiệm vụ trọng tâm là cung cấp thông tin thị trường, giá cả cao su để làm cơ sở cho kế hoạch sản xuất kinh doanh, tăng cường quan hệ quốc tế, bảo vệ quyền lợi của Hội viên và hỗ trợ Hội viên mở rộng cơ hội giao thương trên thị trường thế giới. Ngoài ra, Hiệp hội đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành cao su. Trong thành tựu chung của ngành cao su Việt Nam, các Hội viên của Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đóng góp 40% về diện tích và sản lượng, đồng thời đạt 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên năm 2013.

Trong thời gian tới, Hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế để định hướng đúng đắn cho quá trình chuyển đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng thị trường, làm cầu nối gắn kết giữa người sản xuất nguyên liệu và nhà chế biến công nghiệp cao su; Đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cao su Việt Nam sang nhiều nước, đặc biệt những thị trường tiềm năng và ổn định về nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên; Phối hợp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cao su và tiến đến xây dựng Thương hiệu Cao su Việt Nam để nâng cao uy tín, giá trị cho các mặt hàng cao su; Tiếp tục vận động xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng cho Hội viên, doanh nghiệp ngành cao su cũng như cho người tiêu dùng; Tiếp tục mở rộng cơ hội tiếp xúc nhiều nhà mua hàng chuyên nghiệp trên thế giới, cập nhật thông tin về hiện trạng, xu hướng, nhu cầu của nhà tiêu thụ trên thế giới.

Ngoài ra, định kỳ hàng năm, Hiệp hội phối hợp với Bộ Công Thương xét chọn Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín trong ngành cao su để tôn vinh, động viên sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển xuất khẩu ngành cao su.

 http://vccinews.vn/news/12294/.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ