logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023 04/01/2023

 

Năm 2022, ngoài việc được Chính phủ bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, về công nghiệp công nghệ số, về giao dịch điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội: thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; cho ý kiến vào dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…

 

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2023 là “năm dữ liệu Việt Nam”, là năm của những hành động cụ thể, là năm thực thi với cách làm mới - Ảnh minh họa.

Bộ Thông tin và Truyền thông xác định năm 2023 là “năm dữ liệu Việt Nam”, là năm của những hành động cụ thể, là năm thực thi với cách làm mới - Ảnh minh họa.

 

Trong tham luận phục vụ cho Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, diễn ra ngày 3/1/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu Kế hoạch giai đoạn 05 năm (2021 - 2025). Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường hơn cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội.

 

Đứng trước những thách thức đó, trong năm 2023, quán triệt tinh thần chủ đề điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo; kịp thời hiệu quả”, ngành Thông tin và Truyền thông đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành và kiến nghị các địa phương, cũng như các bộ, ban, ngành tích cực phối hợp, nhằm đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế, gồm:

 

Thứ nhất, giải quyết triệt để tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, “tư nhân hóa” báo chí; tăng cường truyền thông chính sách, thông tin về các nhân tố tích cực. Tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, phổ cập kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, tạo lập “niềm tin số” trên môi trường mạng; thúc đẩy người dân sử dụng các nền
tảng số Việt Nam.

 

Thứ hai, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, sai sự thật, phản bác quan điểm sai trái trên mạng xã hội; tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới trên cơ sở “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và tuân thủ luật pháp Việt Nam, bảo đảm chủ quyền đất nước và tính thượng tôn pháp luật của Việt Nam.

 

Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách làm cơ sở để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương bố trí ngân sách dành riêng cho truyền thông, cả chi thường xuyên và chi đầu tư, để báo chí cách mạng nâng cao năng lực cạnh tranh về hạ tầng công nghệ và nhân lực, giúp cho báo chí hoàn thành được nhiệm vụ tạo nên đồng thuận xã hội, niềm tin và khát vọng Việt Nam. Đầu tư cho báo chí, truyền thông sẽ là đầu tư hiệu quả nhất. Vì nó tạo ra sức mạnh của nhận thức, sức mạnh của tinh thần.

 

Thứ tư, tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để tất cả mọi người dân đều được thụ hưởng dịch vụ viễn thông. Trọng tâm phát triển hạ tầng số năm 2023 là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế.

 

Thứ năm, năm 2023 là “năm dữ liệu Việt Nam”, là năm của những hành động cụ thể, là năm thực thi với cách làm mới. Tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; bảo đảm an toàn dữ liệu; tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số, để người dân được thụ hưởng thành quả của công cuộc chuyển đổi số.

 

Và thứ sáu, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thúc đẩy kinh tế số, trọng tâm là phát triển kinh tế số nền tảng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, kinh tế số ngành là chiến lược lâu dài để phát triển toàn diện, bền vững. Thúc đẩy thương hiệu Make in Viet Nam, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số phát triển trong nước, hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và vươn ra chinh phục thế giới; coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Ngành Thông tin và Truyền thông luôn chủ động tạo ra những thách thức mới cho chính mình để từ đó vươn lên, và cũng luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn luôn tạo ra sự phát triển mới và giữ chúng ta ở vị trí xuất sắc, với tinh thần đó ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, quyết tâm hành động mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và truyền thông số, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

 

Trong tham luận của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết năm 2023 sẽ khuyến nghị các bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy nhanh kế hoạch triển khai thúc đẩy Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số, thay đổi mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số toàn dân và toàn diện.

 

Doanh thu toàn ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 ước đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021. Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành Thông tin và Truyền thông (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.

 

https://vneconomy.vn/6-nhiem-vu-giai-phap-trong-tam-cua-bo-thong-tin-va-truyen-thong-nam-2023.htm

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ