logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Cao su Việt Nam – 80 năm chặng đường vẻ vang (K.1) 11/11/2014

Kỳ 1: Lịch sử hào hùng của ngành cao su Việt Nam

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cho biết: năm 2014 đánh dấu cột mốc 117 năm cây cao su có mặt ở VN và kỷ niệm 85 năm truyền thống ngành cao su VN (28/10/1929 – 28/10/2014). Đây là một dịp hết sức ý nghĩa để cán bộ, công nhân viên chức – lao động (CB, CNVC-LĐ) ngành cao su Việt Nam cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của ngành cao su. Tự hào với truyền thống và thành tích tốt đẹp của ngành; CB, CNVC-LĐ quyết cùng nhau chung tay góp sức giữ gìn, phát huy các giá trị quý báu của ngành trong thời đại mới để xây dựng ngành cao su Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh.

Lực lượng tự vệ Cao su hôm nay không ngừng lớn mạnh

Ngành cao su nước ta tự hào có một truyền thống hết sức vẻ vang, gắn với công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dưng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Truyền thống đó được xây đắp bằng tâm sức, mồ hôi, sinh mạng, trí tuệ của hàng vạn cán bộ, công nhân cao su qua nhiều thế hệ.

Hơn một thế kỷ qua, ngành cao su Việt Nam đã trải bao thăng trầm biến đổi của lịch sử. Với CB, CNV-LĐ ngành cao su, sự thay đổi cơ bản nhất đó là từ thân phận kẻ làm thuê nhọc nhằn, lớp lớp công đã vùng lên đấu tranh chống áp bức, hòa vào dòng chảy lịch sử để tự giải phóng và trở thành người làm chủ vận mệnh của mình.

Trong dòng chảy lịch sử ấy, có một sự kiện đã trở thành mốc son lịch sử, là tiền đề hình thành nên ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam hôm nay đó là vào đêm 28/10/1929, tại Làng 3 của Đồn điền Cao su Phú Riềng, thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam bộ được thành lập với sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự. Chi bộ gồm 6 thành viên, do đồng chí Nguyễn Xuân Cừ làm Bí thư.

Sự kiện thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cao su VN. Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên biết bao tấm gương đấu tranh bất khuất, hy sinh kiên cường của thế hệ công nhân cao su, làm rạng danh những trang sử truyền thống vẻ vang của ngành cao su VN trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ông Lê Minh Châu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam khẳng định: Lịch sử ngành cao su sẽ mãi mãi tri ân và tôn vinh các thế hệ cha anh ngày ấy trước thắng lợi của cuộc đấu tranh Phú Riềng Đỏ. Đó được xem là một bước ngoặt trong phong trào đấu tranh của công nhân ngành cao su. Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và dẫn dắt của tổ chức Nghiệp đoàn cách mạng, phong trào đấu tranh của công nhân cao su đã hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc, cuốn trôi sự áp bức, nô dịch của kẻ thù xâm lược.

Truyền thống tốt đẹp đó mãi mãi là một dấu son chói lọi trong lịch sử xây dựng và phát triển của ngành cao su VN, là cội nguồn, là động lực để hun đúc các thế hệ công nhân cao su hôm nay và mai sau ra sức phấn đấu xây dựng ngành cao su phát triển bền vững. Ghi nhận những đóng góp to lớn của công nhân ngành cao su trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Nhà nước đã công nhận ngày 28/10 hàng năm là Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam.

Kỳ 2: Sự phát triển vượt bậc của ngành cao su Việt Nam

PHƯỚC ĐẠT

http://qk7.qdnd.vn

 

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ