logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Cao su là mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường thế giới 11/07/2013

Quá trình tái cơ cấu, quan điểm của Chính phủ chỉ rõ: Phải chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất bằng giá trị và lợi nhuận. Việc tái cơ cấu, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững được xem là một trong những mục tiêu chính.

Về chủ thể của quá trình tái cơ cấu, Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ; phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; cung cấp thông tin, dịch vụ. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu bằng việc đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng. Theo đó, nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn...

Định hướng chung, việc tái cơ cấu sẽ tập trung khai thác và tận dụng tốt nhất lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu công nghiệp công nghệ cao... Đi đôi với việc chú trọng phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh cạnh tranh trên thế giới (như cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, hạt điều, hải sản, rau quả, đồ gỗ...), sẽ tăng cường kết nối giữa sản xuất với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở những quan điểm và định hướng cơ bản đã nêu, Đề án của Chính phủ đã đề ra những mục tiêu cụ thể gồm: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân từ 2,6-3,0%/năm trong giai đoạn 2011-2015, từ 3,5-4,0%/năm trong giai đoạn 2016-2020; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, giảm tỷ lệ đói nghèo. Đến năm 2020, thu nhập hộ gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Với chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia, mục tiêu và định hướng chính của đề án là tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực tới môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42-43% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020...

C.S

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ