logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Doanh nghiệp cao su : Cao su trước nguy cơ mất vị thế 12/08/2014

Cao su trước nguy cơ mất vị thếTheo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) các tỉnh, diện tích cao su thanh lý và chuyển đổi 6 tháng đầu năm 2014 lên đến 3.856ha. Trong đó, một số địa phương có tỷ lệ chặt bỏ cây trồng này cao lên đến vài chục, thậm chí cả trăm ha như Tây Ninh, Bình Phước, Kon Tum… Tuy nhiên, theo rà soát, đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), việc chặt bỏ này chủ yếu nhằm mục đích tái canh để cây trồng mới cho năng suất cao hơn.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Xuân, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đa phần diện tích cây cao su chưa đến tuổi thu hoạch bị chặt bỏ đều rơi vào các hộ trồng cao su theo hình thức tiểu điền, quy mô nhỏ, vốn ít. Chính vì vậy, khi giá mủ cao su xuống thấp, họ phải xoay sang chặt bỏ để thay thế bằng loại cây trồng khác cho thu hoạch và lợi nhuận cao hơn, nhằm giải quyết vấn đề trước mắt.

Trung bình giá mủ cao su vào thời điểm hiện tại (ngày 7/8/2014) vào khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Nếu trừ chi phí nhân công, phân bón, tưới tiêu… thì người trồng cũng vừa hòa vốn chứ không lời lãi bao nhiêu, thậm chí có thể còn thua lỗ nếu không biết tính toán.

Trong khi đó, cùng diện tích đất mà nông dân xoay sang cây trồng khác có thể cho thu nhập nhanh và cao hơn. Tuy nhiên, cũng theo ông Xuân, số hộ nằm trong những trường hợp như vậy không phải là phổ biến mà đa phần người nông dân trồng cao su vẫn kiên trì bám trụ, bởi họ nhìn về tương lai lâu dài chứ không chỉ trước mắt.

Ông Nguyễn Văn Thắng, một nông dân có gần chục hecta cao su cho rằng, việc trồng cây cao su đòi hỏi phải có sự đầu tư khá lớn nên không dễ gì có thể phá bỏ. Hơn nữa, việc giá cả lên xuống cũng là chuyện bình thường. Mặc dù so với thời kỳ cao điểm vào những năm 2010 - 2011 (giá khoảng 22.000 đồng/kg) thì mức giá hiện nay chỉ bằng 1/3, nhưng nhìn chung vẫn có thể sống được với mức giá này và tương lai của cây cao su còn dài chứ không chỉ ở trước mắt.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), hiện giá cao su xuất khẩu tương đối thấp đã tác động trực tiếp đến giá thu mua trong nước. Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại cao su rộng gần 40ha tại Tân Uyên (Bình Dương) cho biết, mặc dù nhiều chủ trang trại có ký kết bao tiêu đầu ra sản phẩm với một số DN chế biến xuất khẩu cao su trên địa bàn, nhưng vấn đề giá cả đều thả nổi theo thị trường lên xuống.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì không một DN nào dám đứng ra cam kết về mức giá thu mua, do vẫn phải phụ thuộc chính vào thị trường xuất khẩu. Theo ông Chiến, cái khó chính là ở chỗ phần lớn cao su xuất khẩu hiện nay đều là xuất thô sang Trung Quốc nên việc cao su bị ép giá là không thể tránh khỏi. Để hạn chế rủi ro này, người trồng cao su rất mong các bộ, ngành hỗ trợ DN, nông dân mở rộng thị trường sang các nước khác để tránh phụ thuộc và bị ép giá.

Về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành cũng đưa ra nhận định, thực tế việc cao su mất giá là do cung cầu thị trường thế giới đang mất cân đối, khiến cho giá thành thu mua và xuất khẩu bị sụt giảm nhiều. Song, cũng cần phải có cái nhìn hết sức “sòng phẳng” về vấn đề này khi sự phát triển của cây cao su nói riêng và nhiều cây trồng khác nói chung hoàn toàn theo lối tự phát dẫn đến hệ quả trồng mất cân đối, giá cả thất thường.

Bởi nếu theo như Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000ha và giữ diện tích ổn định ở mức này. Song hiện tại, diện tích cây cao su cả nước đã vượt 155.700ha so với quy hoạch, riêng vùng Đông Nam bộ vượt trên 135.000ha.

Theo phân tích của Cục Trồng trọt, việc phá vỡ quy hoạch chủ yếu do người dân tự ý chuyển đổi từ những cây trồng khác sang trồng cao su vào thời điểm giá thành tăng cao trước đây. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đưa ra khuyến cáo, không nên đổ lỗi cho người nông dân mà cần nhìn thấy cả trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương trong vấn thiếu kiểm soát khiến việc trồng, chặt diễn ra một cách tự phát.

Việc phá vỡ quy hoạch không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế, đời sống của người nông dân địa phương mà giá trị kinh tế và sự ổn định của cây trồng chủ lực này cũng vì thế mà giảm dần.

Tuyết Anh

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ