logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Hội nghị Nông nghiệp lần IV/2013: Hướng tới năng suất bình quân 2,5 tấn/ha 01/07/2013

Đồng thời, thẳng thắn nêu ra những mặt còn tồn tại, đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đặc biệt, hội nghị quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, khắc phục khó khăn do biến đổi khí hậu, hướng tới năng suất vườn cây 2,5 tấn/ha.

Nâng cao hiệu quả nông nghiệp: Mục tiêu số 1

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, đánh giá qua ba lần tổ chức hội nghị đã đạt được những thành quả lớn. Hội nghị lần 1 đề ra chiến lược về cây giống. Đến nay, VRG đã có những bộ giống phù hợp với những vùng đất, vùng tiểu khí hậu khác nhau cho từng vùng miền trên cả nước, kể cả Lào và Campuchia. Hội nghị lần 2 đặt nặng công tác bảo vệ thực vật (BVTV). Cũng tại hội nghị này, đề ra được những giải pháp phòng trừ bệnh, đặc biệt với vùng Tây Nguyên. Từ chủ trương đó, đến nay năng suất vườn cây ở các đơn vị nói chung, nhất là khu vực Tây Nguyên được nâng lên rõ rệt. Hội nghị lần 3, đề ra chủ trương rút ngắn thời gian KTCB, nâng cao năng suất vườn cây bằng bầu có 4 – 5 tầng lá. Từ đó, các đơn vị triển khai trồng mới, tái canh đạt hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, đưa ra chương trình phấn đấu thành lập “CLB trồng mới 5 năm”.

Hội nghị lần này, nhiệm vụ là nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, đặc biệt là hiệu quả quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp đối với vườn cây cao su. Mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, hạ chi phí đầu vào để đạt hiệu quả đầu tư cao nhất. Với mục tiêu này, các công ty không chỉ thực hiện ngay trong năm nay mà kể trong chiến lược về lâu dài. “Ngoài yếu tố đất đai, giống, thổ nhưỡng, cần phải tăng cường công tác quản lý. Đặc biệt, quản lý bằng được suất đầu tư nông nghiệp. Tôi cho rằng, đây là vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực quản lý hiện nay”, ông Thuận nhấn mạnh.

 Ngoài ra, TGĐ cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý kỹ thuật nông nghiệp trong quá trình phát triển cao su thời gian qua. Đó là vấn đề tổ chức hệ thống quản lý kỹ thuật tại các đơn vị, nhất là công tác quy hoạch, luân chuyển, sử dụng đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa được chú trọng; phát triển cao su trên đất rừng khộp còn chủ quan, thiếu quan tâm trong công tác khảo sát, phân hạng đất; chất lượng vườn cây yếu kém tại một số khu vực; quy mô và mật độ đào hố tích mùn …

Bên cạnh đó, một lần nữa TGĐ nhắc nhở các đơn vị có năng suất vườn cây thấp , nhất là khu vực Tây Nguyên phải phối hợp Viện Nghiên cứu Cao su VN, thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây để đạt 1,7 tấn/ha. Khu vực Đông Nam bộ tăng cường đầu tư theo chiều sâu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiến bộ để khai thác hết tiềm năng và thế mạnh truyền thống, rút ngắn thời gian KTCB, kéo dài khai thác trên các giống có năng suất cao. Ngoài ra, ông Thuận còn chỉ đạo Viện NCCS VN mở rộng mối quan hệ hợp tác với các Viện trên thế giới, để công tác nông nghiệp luôn có sự đổi mới, nhất là trong vấn đề trao đổi giống.

Chủ động đối phó biến đổi khí hậu

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nước ta là một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, tác động tiêu cực đến nền nông nghiệp bởi việc gia tăng xuất hiện các hiện tượng cực đoan như: rét hại, hạn hán, gió lốc, bệnh hại…

Đối với cao su VRG, địa bàn trải rộng và đa dạng, hầu hết nằm trong các khu vực bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Thực tế, những năm qua các vườn cây bị thiệt hại do diễn biến thất thường của thời tiết ngày càng nghiêm trọng. Như đợt rét đậm rét hại năm 2011, các đơn vị bị thiệt hại trên 2.700 ha, gần 1.000 ha bị ảnh hưởng đến nay đang tiếp tực xử lý. Ảnh hưởng khô hạn đến vườn cây biểu hiện ở cháy nắng, chết ngược cả vườn cây TC-TM lẫn KTCB, thậm chí cả vườn cây khai thác. Năm 2013, nhiều vườn cây đã phải đối mặt với những đợt hạn hán rất nghiêm trọng. Từ đầu năm đến nay, có trên 1,2 triệu cây bị chết do khô hạn; gần 200.000 cây bị ảnh hưởng do bão, mưa đá, gió lốc; trên 48.000 ha phải phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng…

Theo ông Nguyễn Tấn Đức – Trưởng ban Quản lý kỹ thuật VRG, để ứng phó biến đổi khí hậu, trong dài hạn tập đoàn cần quan tâm đầu tư cho các dự án nghiên cứu tuyển chọn giống chống chịu hạn, gió, rét, bệnh hại. Trong quy hoạch, nhận diện được và tránh những vùng có nguy cơ cao xảy ra thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục khảo nghiệm các biện pháp như điều chỉnh mật độ trồng phù hợp, trồng xen cây rừng, thiết lập đai chống gió, tỉa cành tạo tán vùng ảnh hưởng gió bão nặng.

“Trước mắt, quan tâm thực hiện các biện pháp cụ thể đã đúc kết trong Quy trình Kỹ thuật năm 2012, như tạo tán, chỉnh tán đối với giống phân cành cao, thiết lập thảm phủ, hố tích mùn giữ ẩm; thực hiện cơ cấu giống khuyến cáo, bố trí giống thích hợp cho các phân vùng cụ thể. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tác hại của biến đổi khí hậu đối với vườn cây để áp dụng tốt các giải pháp đã có như thâm canh chăm sóc phù hợp”, ông Đức cho biết. 

Một số việc đã thực hiện sau 3 lần tổ chức hội nghị

Công tác quản lý và sử dụng giống đã được chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ hơn, cơ bản đã giải quyết vấn đề lẫn lộn giống. Đội ngũ cán bộ làm công tác giống tại cơ sở được củng cố thông qua các lớp tập huấn nhận dạng giống. Trong công tác BVTV, các đơn vị đã chủ động phòng trị kịp thời các bệnh hại. Đối với bệnh phấn trắng trên vườn cây khai thác, đã trang bị máy phun cao áp phòng trị bệnh kết hợp phun phân bón lá.

Đã hoàn thiện và ban hành Quy trình Kỹ thuật 2012, bổ dung một số vấn đề đúc kết từ nghiên cứu và thực tế sản xuất như trồng bầu nhiều tầng lá, cạo nhịp độ thấp D4, phân cành tạo tán, bón phân theo chẩn đoán dinh dưỡng.

Triển khai trồng thảm phủ Mucuna Bracteata, đây là giải pháp tốt trong thâm canh vườn cây, tăng độ phì, chống xói mòn (dự kiến trồng 22.400 ha trong năm 2013). Phổ biến đào hố tích mùn trên vườn cây khai thác và KTCB (23.912 ha). Một số đơn vị tổ chức khảo nghiệm về mật độ trồng kết hợp trồng xen cây rừng để chủ động đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến vườn cây chất lượng kém, các đơn vị đã rà soát, khoanh vùng, tập trung củng cố chất lượng vườn cây nhất là cây cao su trên đất rừng khộp.      

Giải pháp nâng cao năng suất vườn cây

Kết luận hội nghị, ông Lê Minh Châu – Phó TGĐ VRG, đồng chủ trì hội nghị, đưa ra những giải pháp và định hướng thực hiện trong thời gian tới.

Để có vườn cây năng suất cao, bền vững hướng tới năng suất bình quân 2,5 tấn/ha, ngoài sử dụng các giống mới có năng suất cao, kết hợp thâm canh, cải tạo đất. Nhân rộng mô hình vườn cây chất lượng, năng suất cao, rút ngắn thời gian KTCB. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, phương pháp trồng, kỹ thuật thâm canh, chăm sóc vườn cây và khai thác mủ. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu đã được kiểm chứng; đầu tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu, lai tạo tuyển chọn và nhập nội các giống có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh và chống chịu điều kiện thời tiết bất thuận.

Về định hướng, phải thực hiện tốt công tác khảo sát, qui hoạch phân hạng chọn đất thích hợp; bổ sung cơ cấu giống mới đến năm 2015 và các năm sau; nhanh chóng đưa giống có tiềm năng vào thực nghiệm. Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo về công tác quản lý sử dụng giống, triển khai tập huấn và áp dụng Quy trình Kỹ thuật 2012; thực hiện các hạng mục thâm canh vườn cây. Song song đó, rà soát lại các diện tích sinh trưởng quá kém, nhất là trên đất rừng khộp, đã đầu tư vẫn không hiệu quả do yếu tố thổ nhưỡng thì khoanh vùng, ngưng đầu tư, làm thủ tục thanh lý để giảm thiệt hại.

Đối với vườn cây khai thác, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, nhân rộng mô hình vườn cây chất lượng cao, duy trì phong trào luyện tay nghề, thi thợ giỏi, quan tâm công tác quy hoạch bảng cạo, quản lý chặt chẽ việc sử dụng kích thích mủ, hóa chất bôi mặt cạo. Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai tại các đơn vị. Quản lý chính xác diện tích, thống kê đúng mục đích sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nâng cao trình độ cán bộ chuyên trách trong đo đạc và thống kế đất.

Tại hội nghị, có 7 công ty và 38 nông trường nằm trong CLB 2 tấn/ha được VRG tuyên dương.

Bài, ảnh: Phan Thắng – Nguyễn Cường

Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ