logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Kết quả bước đầu trồng khảo nghiệm cây cao su tại huyện Văn Yên - tỉnh Yên Bái 25/06/2013

Cao su là cây trồng đa mục đích, có giá trị kinh tế cao và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, cao su được xem là 1 trong 4 nguyên liệu chủ chốt trong ngành công nghiệp (than đá, dầu mỏ, sắt thép và cao su).

Cán bộ Trạm Khuyến nông hướng dẫn bà con san gạt đường băng cho cây Cao Su

Cây cao su trồng 1 năm và thu hoạch 20 năm, ngoài khai thác mủ, sau chu kỳ kinh doanh thu hoạch gỗ để làm đồ gia dụng mang lại giá trị kinh tế cao cho hộ nông dân. Ngoài ra cây cao su đóng góp đáng kể trong việc bảo vệ đất, chống sói mòn.

Đc Phạm Văn Lái, GĐ Sở NN&PTNT tham dự trồng cây Cao Su.

Phát triển cao su ở Việt Nam có nhiều lợi thế: nhiều vùng có điều kiện khí hậu, đất đai thích hợp cho trồng cao su, nguồn nhân lực dồi dào, giá thành sản xuất thấp so với khu vực, theo dự báo nhu cầu cao su tự nhiên thế giới đang tăng nhanh. Hiện nay nhờ áp dụng các tiến bộ về giống và kỹ thuật canh tác, việc phát triển cây cao su tại các vùng không phải vùng truyền thống đã được tập đoàn cao su triển khai thực hiện.

Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong việc phát triển cây cao su Huyện Văn Yên có nhiều lợi thế với nguồn tài nguyên đất cũng như nguồn lực lao động dồi dào, đa dạng, nhân dân các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, sáng tạo, cần cù lao động, tin tưởng vào các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt theo đánh giá của các nhà khoa học điều kiện về khí hậu thuỷ văn và thổ nhưỡng của huyện Văn Yên khá phù hợp với cây cao su và là vùng thích hợp nhất của tỉnh Yên Bái cho việc trồng cây cao su.

Để có cơ sở phát triển chương trình cây cao su ra diện rộng, năm 2009 Uỷ ban nhân dân huyện Văn Yên giao cho Trạm Khuyến nông xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây cao su tại xã Châu Quế Thượng dưới sự tạo điều kiện giúp đỡ của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía bắc. Đến nay mô hình trồng khảo nghiệm cây cao su đã có một số kết quả bước đầu.

Mô hình được thực hiện tại Thôn 6 xã Châu Quế Thượng, với qui mô: 4 ha, khảo nghiệm với 3 loại giống ( RRIC121: 1200 cây; RRIV: 600 cây và  GT1: 600 cây), mật độ trồng: 571 cây/ha, thời gian trồng từ ngày 12- 22/8/2009.

- Đầu năm 2010 do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên một số diện tích đã bị chết rét. Đến đầu tháng 6/2010 đã tiến hành trồng dặm 2 đợt với tổng số 270 cây(lượng cây giống do Viện KHNLN MN phía bắc cung ứng), đảm bảo mật độ cây trong diện tích trồng thử nghiệm. Toàn bộ diện tích mô hình được san gạt đường băng theo yêu cầu kỹ thuật. Qua theo dõi chưa thấy phát sinh sâu bệnh hại trên cây cao su đáng phải lưu tâm.

- Hiện nay trung bình đường kính D1.3 = 3,5 cm. (nhỏ nhất = 2 cm, to nhất = 7 cm); Chiều cao cây bình quân Hvn= 4,3m (thấp nhất 2,5m; cao nhất 7 m)

(Những cây thấp nguyên nhân do đợt rét cuối năm 2009 đầu năm 2010 đã làm khô ngọn 30% cây cao su, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ bấm phần đoạn cây bị chết, chừa lại đoạn gốc, cây tiếp tục nảy mầm do vậy đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây cao su).

Qua gần 4 năm thử nghiệm với điều kiện thực tế, trải qua những đợt rét đậm kéo dài (năm 2010) cũng như nắng nóng, khô hạn khắc nghiệt (năm 2011). Mô hình trồng khảo nghiệm đã bước đầu trả lời những lo ngại ban đầu về khả năng thích ứng với thời tiết, khí hậu của cây cao su với địa phương.

Như vậy kết quả cho thấy nếu thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như có giải pháp tốt trong khâu chọn những giống chịu được lạnh thì cây cao su hoàn toàn có thể phát triển tốt tại huyện Văn Yên.

Tuy nhiên phải mất ít nhất 6-8 năm mới xong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Vì vậy để đánh giá cây cao su có thực sự đem lại hiệu quả, cho năng suất, sản lượng cao, góp phần xoá đói giảm nghèo, cũng như góp phần công nghiệp hoá nông thôn như mục tiêu đã đặt ra hay không. Cây cao su Văn Yên cần được quan tâm theo dõi, nghiên cứu, đánh giá thêm nhiều năm nữa./.

Bài, ảnh: Đoàn Ngọc Cường

http://www.yenbai.gov.vn/

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ