logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Tổ chức Global Witness đánh giá cao sự cởi mở, thẳng thắn và hợp tác của VRG 20/06/2013

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thành – Trưởng Ban KHĐT VRG, đã giới thiệu với GW tổng quan về VRG, trong đó nhấn mạnh VRG là một Tập đoàn kinh tế Nhà nước, thực hiện đầu tư phát triển 100.000 ha cao su ở mỗi nước Lào và CPC theo chương trình hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ VN với hai nước Lào và CPC. Các đơn vị thành viên của VRG khi triển khai thực hiện dự án trồng cao su tại hai nước này đều tuân thủ quy trình và quy định của VRG, từ công tác khai hoang, trồng mới, chi trả tiền lương, chế độ chính sách cho người lao động…

Ông Thành cũng thông tin thêm cho phía GW biết, theo chương trình đã được ký kết giữa Chính phủ VN với hai nước Lào và CPC, VRG sẽ đầu tư trồng tại mỗi nước 100.000 ha cao su. Tuy nhiên, nhiều khả năng tại Lào, VRG chỉ có thể trồng tối đa 40.000 ha (hiện đã trồng được 30.000 ha), còn diện tích cao su đã trồng ở CPC là hơn 70.000 ha. Ông Thành cho biết, trong 140.000 ha đất tô nhượng mà Chính phủ CPC đã cấp cho VRG, VRG chỉ có thể trồng tối đa 100.000 ha cao su, diện tích còn lại được dùng cho mục đích làm đường giao thông, xây nhà ở cho CN, chừa đất hai bên suối theo quy định... Mặt khác, một số diện tích đất không phù hợp để trồng cao su.

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Hữu Phước - Phó Ban XDCB VRG, đã trả lời cụ thể các kết luận và khuyến nghị của phía GW, liên quan đến các vấn đề: Rủi ro cho doanh nghiệp VN khi đầu tư trồng cao su ở Lào và CPC; những tác động về mặt xã hội và môi trường; tính pháp lý khi triển khai thực hiện các dự án… Các câu hỏi thêm của bà Megan MacInnes về những nội dung nêu trên và các vấn đề liên quan, đều được phía VRG giải đáp thoả đáng, với những chứng cứ và số liệu thuyết phục. Tuy vậy, bà Megan MacInnes vẫn muốn VRG lưu ý và làm rõ hơn tính bền vững của môi trường tự nhiên tại các vùng dự án trồng cao su và lợi ích lâu dài của cộng đồng dân cư trong vùng dự án.

Kết luận buổi làm việc, ông Huỳnh Trung Trực khẳng định là một Tập đoàn kinh tế Nhà nước, VRG luôn tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật của nước sở tại cũng như quy định của chính quyền địa phương nơi triển khai dự án. Về nguồn gốc đất rừng mà hai nước Lào và CPC cấp cho VRG trồng cao su, ông Trực cho biết đã được chính quyền sở tại khảo sát, đánh giá kỹ, trong đó chủ yếu là đất rừng nghèo, giá trị về kinh tế thấp so với hiệu quả kinh tế - xã hội mà cây cao su đem lại. Trong thời gian tới, VRG tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thẩm quyền của nước sở tại trong việc kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của nước sở tại và lợi ích hợp pháp của VRG. VRG sẽ tiếp tục thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm đã được Chính phủ nước sở tại phê duyệt. Đồng thời triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, phục vụ cộng đồng, công trình phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế…

Đối với kết luận của GW về việc khi triển khai dự án trồng cao su sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng dân cư trong vùng dự án, ông Trực khẳng định: Hầu hết các dự án trồng cao su của VRG ở Lào và CPC đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Chủ trương của VRG là phát triển cao su gắn với ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ vào làm công nhân. Họ được chi trả mức lương hợp lý và hưởng các chế độ, chính sách chính đáng của người lao động theo quy định của nước sở tại cũng như quy định của VRG. Kèm theo đó, VRG còn đầu tư làm đường giao thông, xây dựng nhà ở công nhân, trường học, trạm y tế, chùa chiền… để hình thành các khu dân cư mới, ổn định an sinh xã hội”.

Ông Trực cũng thừa nhận khó khăn của các doanh nghiệp trực thuộc VRG nói riêng và doanh nghiệp VN nói chung khi đầu tư trồng cao su ở Lào và CPC, là tình trạng thiếu hụt lao động trực tiếp tại chỗ nên phải tuyển dụng thêm lao động từ nơi khác đến, trong khi người dân vẫn chưa quen với tác phong lao động công nghiệp. Ông Trực nhấn mạnh: “Là một doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, chúng tôi rất quan tâm đến sự đồng thuận và ủng hộ của người dân khi triển khai dự án. Có thể xem đây là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Bởi vậy, chúng tôi luôn lắng nghe và giải quyết ngay những lợi ích chính đáng của người dân trong vùng dự án. Đối với vấn đề tiền lương, do đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên doanh nghiệp sẽ chi trả ở mức chấp nhận được. Khi đưa vào khai thác, chúng tôi sẽ tuyển thêm lao động, đào tạo nghề cho họ, chi trả tiền lương và các chế độ khác ở mức cao hơn, đồng thời có điều kiện để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động tốt hơn”.

Ông Trực cho biết, về những kết luận của GW trong bản báo cáo ngày 13/5, VRG đã tổ chức và cử các đoàn công tác tiến hành thẩm định các nội dung theo khuyến nghị của GW. Đối với những vấn đề chưa thể trả lời ngay, VRG sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát và có phản hồi với GW trước ngày 15/7/2013. VRG sẵn sàng tiếp nhận các thông tin mà phía GW thu thập được và cam kết cho kiểm tra để giải quyết triệt để các tranh chấp nếu có liên quan đến lợi ích của người dân trong vùng dự án. Ông Trực cũng chuyển lời của TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận, mời bà Megan MacInnes cũng như tổ chức GW đi tìm hiểu thực tế các dự án trồng cao su tại VN, để GW hiểu rõ hơn và có sự đánh giá xác thực về lợi ích kinh tế - xã hội mà các dự án trồng cao su đem lại, so với trước khi triển khai dự án.

Kết thúc buổi làm việc, bà Megan MacInnes bày tỏ sự cảm ơn đối với Ban lãnh đạo VRG đã dành thời gian tiếp và làm việc với đoàn. Bà ghi nhận và đánh giá cao tinh thần cởi mở, thẳng thắn và cầu thị của VRG. Bà Megan MacInnes tỏ ra hài lòng với những giải đáp của VRG đối với những kết luận và khuyến nghị mà GW gửi trước cho VRG, cũng như các vấn đề nêu ra tại buổi làm việc. Bà cho biết trong tháng 8 năm nay, GW sẽ trở lại VN để có thêm buổi làm việc với VRG và nhận lời mời của VRG đi tìm hiểu thực tế các dự án trồng cao su của VRG tại VN.

Phi Long

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ