logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Rối với thuế VAT cao su sơ chế 04/03/2014

Hàng tỷ đồng có nguy cơ khó đòi

Tại cuộc đối thoại thường kỳ giữa cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh và DN hôm 28/2, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hoàng Dũng phản ánh, trường hợp mủ cao su sơ chế như mủ cờ rếp, mủ tờ, mủ bún, mủ cốm… chỉ áp dụng giới hạn trong DN. Nếu Hợp tác xã (HTX) có kê khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ bán cho DN, trong trường hợp các mặt hàng trên không thuộc lĩnh vực phải chịu thuế mà DN đã kê khai và nộp thuế rồi thì xử lý thế nào?

Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, “mủ cao su sơ chế… nếu của DN nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo phương pháp khấu trừ khi bán cho tất cả loại hình DN, HTX không phân biệt đối tượng nộp thuế theo phương pháp gì đều không phải kê khai nộp thuế VAT”.


DN ngành cao su đau đầu với kê khai thuế VAT nguyên liệu đầu vào

Trong trường hợp, mặt hàng không thuộc đối tượng phải kê khai nộp thuế VAT nhưng DN đã tính với thuế suất 5% thì dù đã tính nhưng chưa nộp thuế hay đã tính và nộp thuế rồi đều xử lý giống nhau. Hai bên mua bán sẽ lập biên bản, bên bán lập hóa đơn điều chỉnh là hóa đơn đã xuất thuế suất 5% trên cơ sở hóa đơn đã được điều chỉnh để không tính thuế. Bên mua sẽ không kê khai, khấu trừ và hoàn thuế đối với hóa đơn đầu tiên của 5% và bên bán cũng sẽ không phải kê khai nộp thuế với thuế suất 5%. Đối với trường hợp DN đã nộp thuế rồi thì coi như đó là phần thuế nộp thừa sẽ được xử lý cấn trừ vào quý tiếp theo hoặc được hoàn thuế.

Chủ DN chưa bằng lòng với cách trả lời của lãnh đạo ngành thuế địa phương, vì rất nhiều DN kinh doanh xuất khẩu mặt hàng mủ cao su tại TP. Hồ Chí Minh đang gặp vướng mắc. Ông Vinh cho rằng, cũng là trường hợp của ông ở thành phố thì Cục Thuế tỉnh Bình Phước lại có văn bản hướng dẫn đối với mặt hàng mủ cao su sơ chế các DN bán cho nhau phải đóng thuế VAT, xuất hóa đơn và Cục Thuế Bình Dương cũng áp dụng tương tự. Do Bình Dương và Bình Phước là hai vùng trồng cao su lớn nên đây là vướng mắc của hầu hết các DN kinh doanh xuất khẩu cao su.

Hiện nay, rất nhiều DN đã phải kê khai, nộp thuế VAT từ ngày 1/1/2014 đến nay với số tiền thuế lên tới hàng tỷ đồng. Riêng Công ty Hoàng Dũng, trong tháng 1/2014 cũng đã phải kê khai và nộp trên 8 tỷ đồng tiền thuế VAT của mặt hàng mủ cao su sơ chế. Tuy nhiên, cho đến nay DN vẫn chưa được Cục Thuế thành phố giải quyết hoàn thuế do theo cách hiểu của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh thì với các mặt hàng mủ cao su sơ chế, nếu của DN nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ thì bán cho tất cả các DN, HTX không phân biệt đối tượng nộp thuế theo phương pháp gì đều không phải kê khai nộp thuế VAT.

Chính sách phải thống nhất

Đến đây thì lãnh đạo ngành thuế thành phố lại hứa với DN sẽ “ghi nhận ý kiến và đề nghị với cấp trên xem xét”. Trước đó, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) ngày 20/2 đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn về thuế VAT đối với mặt hàng mủ cao su sơ chế. Trong đó, VRA cho rằng, Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính (điều 10, khoản 6) quy định, nhóm mặt hàng mủ cao su sơ chế thuộc diện chịu thuế suất 5%.

Tuy nhiên, tại điều 5, khoản 5 quy định các trường hợp không phải kê khai, nộp thuế VAT có nội dung sau: DN, HTX nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho DN, HTX… không phải kê khai, tính nộp thuế VAT. Trên hóa đơn VAT ghi dòng giá bán là giá không có thuế VAT, dòng thuế suất và thuế VAT không ghi, gạch bỏ.

VRA đề nghị, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể đối với 3 trường hợp. Thứ nhất, đối với nhóm mặt hàng mủ cao su sơ chế có thuế suất 5% khi DN sản xuất hoặc DN thương mại nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ, bán sản phẩm cho DN khác cũng nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ trong khâu kinh doanh thương mại thì không phải nộp thuế VAT. Trường hợp bán sản phẩm cho công ty là DN sản xuất sản phẩm cao su như lốp xe, găng tay thì phải kê khai, tính nộp thuế VAT.

Ngoài ra, VRA đặt vấn đề, các sản phẩm mủ cao su sơ chế rất đa dạng, việc lập hóa đơn kê khai tính nộp thuế VAT có được thực hiện giống như các loại mủ khác hay không? Trường hợp nếu thuộc diện không phải kê khai tính nộp thuế VAT từ ngày 1/1/2014 nhưng các DN đã lập hóa đơn, kê khai, tính thuế VAT từ 1/1/2014 đến nay thì hướng giải quyết có phải là người bán và người mua điều chỉnh hóa đơn để không phải kê khai, tính nộp thuế VAT như theo hướng dẫn tại Thông tư 219/2013/TT-BTC hay không? Trường hợp đã nộp thuế vào ngân sách rồi thì giải quyết thế nào?

Bà Trần Thị Lệ Nga cho rằng, chính sách thuế VAT phải được áp dụng thống nhất trong cả nước, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng về giá. Cũng mặt hàng đó tại TP. Hồ Chí Minh, DN nộp theo phương pháp khấu trừ khi bán ra không tính và kê khai nộp thuế VAT không nộp thêm 5% về thuế thì giá sẽ khác so với các nơi phải cộng thêm 5% thuế VAT. Điều quan trọng là khi DN tại thành phố mua mặt hàng không phải kê khai nộp thuế VAT nhưng DN bán ở các địa phương khác vẫn tính thuế thì DN tại thành phố sẽ không được khấu trừ và hoàn thuế.

Nguyễn Lan Phương

http://thoibaonganhang.vn

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ