VRG ban hành quy chế đối thoại trong các đơn vị thành viên 21/12/2013
Nhằm tạo sự đoàn kết thống nhất giữa người sử dụng lao động và người lao động góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, ngày 26/11, Tổng Giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) Trần Ngọc Thuận đã ký Quyết định 672 về việc ban hành quy chế đối thoại trong các doanh nghiệp trực thuộc VRG. Theo đó, trong thời gian tới các đơn vị thành viên sẽ tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc do người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với Ban chấp hành công đoàn (BCH CĐ) cơ sở thực hiện 3 tháng một lần.
Đối thoại tại nơi làm việc là gì?
Đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa người sử dụng lao động (hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền) với người lao động (NLĐ) hoặc đại diện tập thể lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Đối thoại được thực hiện tại cơ sở 3 tháng một lần, khoảng cách giữa hai lần đối thoại định kỳ liền kề tối đa không quá 90 ngày. Việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc chỉ được tiến hành với sự có mặt ít nhất 2/3 số thành viên đại diện cho mỗi bên. Trong trường hợp một bên có yêu cầu tổ chức đối thoại thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được nội dung yêu cầu đối thoại, TGĐ phải chủ trì kết hợp với BCH CĐ cấp trên cơ sở hoặc công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại.
Nội dung của đối thoại bao gồm: Tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp; Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của đơn vị, doanh nghiệp; điều kiện làm việc; những yêu cầu của NLĐ, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động; những yêu cầu của người sử dụng lao động đối với NLĐ, tập thể lao động. Ngoài ra, nội dung của đối thoại còn bao gồm những nội dung mà hai bên quan tâm.
Thực hiện như thế nào?
Việc tổ chức đối thoại định kỳ được tiến hành từ cấp nông trường; xí nghiệp đến Công ty TNHH MTV; Tổng Công ty TNHH MTV và Công ty CP có vốn Tập đoàn chi phối trực thuộc VRG.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành và phổ biến công khai quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. Đồng thời cử thành viên tham gia, tạo mọi điều kiện cần thiết, kết hợp với BCH CĐ tại cơ sở, cấp trên cơ sở để tổ chức đối thoại. BCH CĐ cơ sở bầu các thành viên đại diện cho tập thể lao động tham gia đối thoại. Tùy thuộc vào số lượng CNVC LĐ để bầu số thành viên tham gia đối thoại, ít nhất là 3 thành viên mỗi bên. Các thành viên tham gia đối thoại phải là người nắm vững đường lối, chủ trương Đảng và am hiểu chính sách pháp luật của Nhà nước. Am hiểu tình hình SXKD của đơn vị, doanh nghiệp, có năng lực uy tín đối với tập thể NLĐ. Khi tham gia đối thoại, các thành viên có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu, thảo luận dân chủ các nội dung đề ra trong đối thoại.
Việc ban hành quy chế đối thoại trong doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu sự quan tâm của lãnh đạo các cấp đối với NLĐ. Thông qua đây là cầu nối thắt chặt mối quan hệ gắn kết giữa người sử dụng lao động và NLĐ; đồng thời là diễn đàn để NLĐ thể hiện những quan điểm, nguyện vọng chính đáng của mình.
HIỂU NHAU ĐỂ ĐỒNG LÒNG VƯỢT KHÓ
Trong hoạt động CĐ, đối thoại với NLĐ là một trong những nội dung cơ bản thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, thông qua đó khẳng định niềm tin của lãnh đạo đối với tập thể NLĐ. Thông qua đối thoại trực tiếp sẽ tạo cơ hội chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và NLĐ, để cán bộ công nhân hiểu được những khó khăn, có thái độ và hành động ứng xử đúng, cùng đồng lòng vượt khó.
Qua các buổi đối thoại, sự hiểu biết, ý thức trách nhiệm của NLĐ được nâng lên; tổ chức CĐ cũng kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của NLĐ. Đây chính là những yếu tố quan trọng tạo mối quan hệ hài hòa, gắn bó giữa NLĐ với doanh nghiệp, tránh các vụ việc tranh chấp trong quan hệ lao động; tạo sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay.

Công đoàn Công ty Cao su Dầu Tiếng gặp gỡ, đối thoại với công nhân, Ảnh: Việt Quang
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)