Chương trình phát triển cao su của VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc: Đi, thấy và nghĩ… 11/12/2013
Đi…
Đoàn gồm 9 nhà báo, đến từ 7 cơ quan báo chí: Nhân Dân, Nông Nghiệp, Công an Nhân dân, Lao Động, Thanh Tra, Tuổi Trẻ TP.HCM và Tạp chí Cao su VN. Trưởng đoàn công tác là ông Nguyễn Hồng Phú - Phó TGĐ VRG, Phó ban chỉ đạo chương trình phát triển cao su của VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đi cùng còn có ông Nguyễn Tiến - Trưởng Ban Hợp tác Đầu tư VRG, ông Phạm Văn Hằng - Phó Ban Quản lý Kỹ thuật VRG.
Ngoại trừ đại diện Báo Nông Nghiệp và Tạp chí Cao su thì với các nhà báo còn lại, đây là chuyến đi thực tế đầu tiên của họ đến các CTCS của VRG ở phía Bắc. Bởi vậy, ai cũng háo hức muốn được tận mắt thấy và biết rõ hơn về chương trình phát triển cao su của VRG tại khu vực này.
Trong chương trình, đoàn đã đến làm việc và đi thực tế tại dự án trồng cao su của 3 CTCS ở Tây Bắc: Công ty CPCS Điện Biên, Công ty CPCS Lai Châu II và Công ty CPCS Lai Châu; 2 CTCS ở Đông Bắc: Công ty Cao su Dầu Tiếng-Lào Cai, Công ty CPCS Hà Giang.
Tại mỗi công ty, các nhà báo được hướng dẫn đi tìm hiểu thực tế vườn cao su KTCB, vườn cây trồng năm 2013, vườn ươm cao su giống; nhà trẻ; nhà ở công nhân. Đoàn còn gặp gỡ, tiếp xúc tìm hiểu đời sống, việc làm của người công nhân và gia thuộc tại các công ty; thị sát vườn cây cao su tiểu điền trên địa bàn...
Nhằm khẳng định tính khả thi và hiệu quả của chương trình trồng cao su của VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc, qua đó có sự đánh giá, đối chiếu một cách khách quan và chính xác, đoàn còn qua cửa khẩu Vân Nam (Trung Quốc) để tìm hiểu vườn cây cao su của Tập đoàn Hà Khẩu trồng tại nơi có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu như Lào Cai.
Với quãng đường di chuyển đến hơn 1.500 km trên địa hình đồi núi chập chùng chót vót, những cung đường ngoằn ngoèo như bất tận, những đoạn đường “xóc dĩa” liên hồi, những buổi giao lưu đậm rượu nồng “tình thương mến thương”, một số nhà báo thực sự thấm mệt và thừa nhận: Chưa bao giờ họ trải qua chuyến công tác dài ngày và vất vả như thế. Nhưng với những gì họ thấy - nghe - hiểu, thì đây là một sự chuyến công tác quý giá, đem lại nguồn dữ liệu rất cần thiết cho công tác làm báo.
Thấy…
Trồng được cây cao su sinh trưởng tốt tại vùng đất khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc, quả là kỳ công. Các nhà báo đều có cảm nhận và đánh giá như thế khi tận mắt chứng kiến kết quả đạt được đến nay của chương trình phát triển cao su của VRG tại khu vực này.
Tại Điện Biên, đối lập với những ngọn đồi trơ trọc, xác xơ là các quả đồi cao su 4 – 5 năm tuổi xanh ngút. Trong đó có diện tích dù được trồng ở những độ cao trên 700m, với các giống chịu lạnh kém như PB 260, nhưng vẫn “sống tốt” sau những đợt rét đậm rét hại lịch sử năm 2010, 2011. Tại Đội 15 (Mường Chà), trong sương mai mờ ảo rất thơ, là cảnh bà con đồng bào dân tộc hăng say dãy cỏ lô. Khung cảnh đó chỉ có từ khi Công ty CPCS Điện Biên triển khai dự án trồng cao su tại đây. Nhờ tham gia làm cao su, người dân địa phương có việc làm ổn định, theo tác phong của một công nhân, tiền lương tháng hơn 2 triệu đồng, sắm được điện thoại di động “a lô” ngay trên lô… Còn ở Đội 1 Mường Pồn, hơn 400 ha cao su trồng năm 2008 -2009 hiện đã có 75% diện tích đạt vanh thân từ 45 cm đến 50 cm – vượt so với quy chuẩn cao su Tây Bắc. Năm 2014, Công ty CPCS Điện Biên sẽ xây dựng nhà máy chế biến mủ, chuẩn bị đón dòng mủ đầu tiên vào năm 2015.
Tại Lai Châu, cây cao su “bén duyên” với tỉnh này cũng mới được 5 năm, nhưng đang “sinh sôi nảy nở” đầy hứa hẹn. Người dân và chính quyền tỉnh tin vào cây cao su, tin vào doanh nghiệp của VRG đã “dũng cảm” đến đầu tư trồng cây cao su một cách nghiêm túc, bài bản, lâu dài. Trước cao su, tỉnh đã từng dồn sức vào “quả đấm thép” với cây mắc-ca, cây trẩu… Nhưng rốt cuộc đó là những “quả đấm hụt”, để lại bao ngờ vực, thất vọng. Sau những cuộc “hôn nhân” thất bại, như chim sợ cành cong, cũng dễ hiểu khi buổi ban đầu, chính quyền và người dân ở Lai Châu tỏ ra hoài nghi với tính khả thi của cây cao su.
Thấm thoát 5 năm, giờ đây trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thành lập 3 CTCS và tỉnh đang đề nghị VRG tiếp tục thành lập thêm một công ty nữa để đầu tư trồng cao su ở Mường Tè. Với hơn 11.000 ha cao su, Lai Châu đã trở thành “thủ phủ cây cao su” ở Tây Bắc.
Dự án trồng cao su của Công ty CPCS Lai Châu và Công ty Công ty CPCS Lai Châu II đã biến những ngọn đồi trơ trọc thành rừng cao su xanh mướt bạt ngàn. Theo đánh giá của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, đa số diện tích cao su của hai công ty đều phát triển đạt và vượt so với tiêu chuẩn kỹ thuật do VRG ban hành. Sau khi xây xong nhà máy nào năm 2014, năm 2015, Công ty CPCS Lai Châu sẽ đưa hơn 900 ha cao su vào khai thác.
Sẽ chưa thể đánh giá một cách chính xác và toàn diện về tính khả thi của chương trình phát triển cao su của VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nếu chưa tìm hiểu các dự án trồng cao su ở khu vực Đông Bắc. Đó cũng là lí do trong lịch trình công tác, VRG bố trí cho đoàn nhà báo đến tìm hiểu thực tế dự án của Công ty CPCS Hà Giang và Công ty CPCS Dầu Tiếng – Lào Cai.
Ông Nguyễn Hồng Phú – Phó TGĐ VRG, thừa nhận: “Ở khu vực Đông Bắc, cây cao su chưa được đưa vào quy hoạch phát triển. Vì vậy, ở khu vực này, VRG chỉ trồng thí điểm sản xuất 1.000-2.000 ha ở mỗi tỉnh”.
Mới “mon men” bén rễ, cây cao su ở khu vực Đông Bắc đã chịu một cú “trời giáng” khi sau đợt rét đậm, rét hại khắc nghiệt năm 2010 - 2011, hàng ngàn hec-ta bị “chết cóng”. Đó là một bài học kinh nghiệm đắt giá và thấm thía để VRG điều chỉnh lại phương châm, phương pháp trồng cao su ở Đông Bắc. “Chúng tôi sử dụng giống cao su chịu lạnh; bầu 2-3 tầng lá và trồng vào Xuân-Hè”, ông Nguyễn Hồng Phú nói về sự điều chỉnh đó.
Đến nay, Công ty CPCS Hà Giang đã trồng được hơn 1.100 ha cao su, Công ty CPCS Dầu Tiếng – Lào Cai đã trồng 941 ha. Theo đánh giá của ông Phạm Văn Hằng – Phó Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, tốc độ sinh trưởng của vườn cây tại Công ty CPCS Hà Giang và Công ty CPCS Dầu Tiếng - Lào Cai đều đạt và vượt so với yêu cầu kỹ thuật của VRG và không kém so với vườn cây cùng tuổi ở khu vực Đông Nam bộ. Cũng từ kết quả đạt được đến nay, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, Lào Cai đều bày tỏ mong muốn VRG tăng quy mô diện tích trồng cao su trên địa bàn hai tỉnh.
và nghĩ…
Kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc còn rất nhiều khó khăn. Nhưng “đi một ngày đàng”, chúng tôi càng thấy điều kiện, tình hình thực tế còn khó bội phần so với hình dung ban đầu. Đã vài chục năm qua, lãnh đạo Trung ương và các tỉnh này vẫn luôn đau đáu, trăn trở với bài toán tìm cây trồng chiến lược, vật nuôi chủ lực để thoát nghèo. Nói như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nếu vẫn để người dân Tây Bắc nghèo, thì Đảng và Nhà nước có tội với người dân nơi vốn rất giàu truyền thống cách mạng. Và bài toán đó vẫn bỏ ngỏ cho đến khi cây cao su bén rễ tại khu vực này…
Là một cây trồng mới và là cây dài ngày, cây cao su chưa thể đem lại “quả ngọt” được ngay. Thậm chí, sau đợt rét lịch sử năm 2010-2011, cây cao su còn bị hồ nghi về tính khả thi. Nhưng nhìn qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc liền kề, nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương tự Lai Châu và Lào Cai, họ vẫn trồng cao su hiệu quả hàng chục năm nay. Tại sao họ làm được mà chúng ta lại bó tay? Kinh tế các tỉnh miền núi phía Bắc không thể ngoi lên được nếu những đồi núi trọc trùng điệp vẫn cứ “đứng hình” năm nay qua năm khác. Không thể mãi ngồi bàn, chính quyền, người dân và VRG vẫn tin, vẫn quyết tâm trồng cây cao su theo phương châm “chậm mà chắc”.
Gần 25.000 ha cao su đã trồng tại khu vực này đến nay đều đang sinh trưởng tốt. Giá trị kinh tế còn phải chờ khi cây cho mủ, nhưng giá trị về an sinh xã hội thì đã rất rõ. Có dự án trồng cao su, người dân có việc làm. Những người nông dân quen tập quán canh tác lạc hậu, du canh du cư ngày nào, nay đã trở thành những công nhân khoác lên mình bộ đồ bảo hộ lao động của một người công nhân, tháng lĩnh 2-3 triệu tiền lương. Nơi nào có dự án cao su thì nơi đó hình thành hệ thống điện - đường - trường - trạm. Nếu những người có trách nhiệm cứ mãi nghiên cứu, cứ bàn ra tán vào, không dám làm vì lo thất bại, liệu bỗng dưng có được những thành quả đó?
Thay cho lời kết của bài viết, xin được trích lời nhà báo Lê Thanh Tâm (Báo Tuổi Trẻ) nói về cảm nhận của anh sau chuyến công tác: “Tôi nhận thấy rằng, chính quyền và người dân tại các tỉnh đang trồng cao su ở phía Bắc đang lấp ló một niềm tin, đang từng bước tìm được lời giải cho đáp án trồng cây gì đem lại hiệu quả sau bao năm miệt mài tìm kiếm. Tôi cũng có chung niềm tin như họ…”.
Phi Long
Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)