logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Tri ân và trách nhiệm 03/04/2017

CBCNV Tạp chí chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ tại Hội nghị Cán bộ công chức năm 2017. Ảnh: Tùng Châu

CBCNV Tạp chí chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ tại Hội nghị Cán bộ công chức năm 2017. Ảnh: Tùng Châu

Thời gian làm nên mốc lịch sử. Và hôm nay lịch sử sẽ ghi nhận dấu mốc thời gian 35 năm hình thành và phát triển Tạp chí CSVN, ghi nhận những bước chân của các thế hệ lãnh đạo, phóng viên biên tập viên Tạp chí CSVN trên chặng hành trình phát triển của Tập đoàn Công nghiệp CSVN.

Cách đây 35 năm, tại văn phòng 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6, Quận 3 hiện thời, tờ báo CSVN đầu tiên ra đời vào đúng những ngày Giáp Tết Xuân Nhâm Tuất năm 1982. Tờ báo đầu tiên đó có 40 trang, in trên khổ giấy A3. Bìa báo là hình ảnh cô công nhân Phạm Thị Liên ở nông trường Bình Lộc, công ty cao su Đồng Nai, là nữ công nhân được xem như cánh chim đầu đàn về tay nghề cạo mủ. Người hoạ sĩ thiết kế măng-sét đầu tiên của tờ báo Cao su là hoạ sĩ Trần Quốc Định. Khi chuyến xe phát hành cuối cùng cho 1.500 số báo đầu tiên đó về đến toà soạn là vào chiều 29 Tết, cùng với lúc tiếng pháo nổ râm ran trên các đường phố để đón chào xuân mới.

Có được những tờ báo Cao su đầu tiên dành cho những người công nhân cao su công đầu thuộc về các vị lãnh đạo Tổng cục Cao su hồi đó mà Tổng cục trưởng lúc bấy giờ là đồng chí Đỗ Văn Nguyện. Quyết định đầu tiên để thành lập Báo Cao su, là quyết định có số 660/QĐ/TCCS do thiếu tướng Võ Văn Thạnh nguyên là Tổng cục phó Tổng cục cao su ký.

Báo Cao su đầu tiên phát hành 1 tháng 1 kỳ, đến tháng 7 năm 1983 thì ra 2 kỳ sau đó chuyển thành tuần báo. Thời kỳ tuần báo kéo dài đến tháng 2 năm 1988 thì quay lại 1 tháng 2 kỳ và có nhiều năm do khó khăn, báo ra không đúng kỳ hạn. Cho đến năm 1991 thì báo Cao su gặp sự cố. Tổng Cục Cao Su từ Trực thuộc Hội Đồng Bộ Trưởng chuyển thành Tổng công ty CSVN trực thuộc Bộ Nông nghiệp. Và khả năng chắc chắn là báo CSVN sẽ sát nhập vào báo Nông nghiệp VN.

Lãnh đạo VRG trao Huân chương Lao động hạng I cho Tạp chí Cao su VN.

Lãnh đạo VRG trao Huân chương Lao động hạng I cho Tạp chí Cao su VN.

Giai đoạn này báo CSVN tạm nghỉ không ra báo. Đúng 2 tháng sau tờ báo mới lại xuất hiện vào tháng 05 năm 1991. Đây là thời điểm được xem là một quá trình tự cứu của lãnh đạo báo CSVN trước việc sát nhập hay không sát nhập. Trước việc xoá sổ của một tờ báo Cao su hay phải giữ cho bằng được măng séc của tờ báo gắn liền với đời sống tinh thần của người công nhân cao su hơn 10 năm qua. Tổng biên tập Phan Xê cùng các cộng sự đã vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đó, tự cứu tờ báo Cao Su vì niềm tin của công nhân Cao su và vì công ăn việc làm của đội ngũ người làm báo và những người lãnh đạo báo Cao su đã giữ được tờ báo không phải sáp nhập. Sau đó có một giai đoạn từ tháng 12 năm 1991 đến tháng 6 năm 2003, báo Cao su phải xuống cấp thành Tập san Cao su, sau đó đến tháng 4 năm 2004, theo quyết định số 737/QĐ/TCTCSVN, Tập san Cao su chuyển thành Tạp chí Cao su theo sự sắp xếp lại mạng lưới quy hoạch báo chí của Chính phủ đối với các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước. Kể từ năm 2004 đến nay, Tạp chí CSVN hoạt động theo giấy phép hoạt động báo chí là một tờ Tạp chí chuyên ngành.

Nếu tính đến thời điểm này, cả nước ta có khoảng 845 cơ quan báo chí và có hơn 18.000 nhà báo, trong đó có 191 cơ quan báo giấy, 64 tạp chí, 1 hãng thông tấn quốc gia và 98 báo trang tin điện tử. Tập đoàn CN CSVN là số ít trong số 18 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước có riêng một tờ tạp chí.

Bà Hồ Thị Tú Anh - TBT Tạp chí phát biểu ôn lại truyền thống 35 năm.

Bà Hồ Thị Tú Anh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm

Để tồn tại và phát triển, mỗi tờ báo, tạp chí đều có số phận riêng của nó. Trong suốt 35 năm các thế hệ lãnh đạo, phóng viên biên tập viên của Tạp chí CSVN đã để lại những dấu ấn lịch sử đáng tự hào cùng với tên tuổi một thời nổi danh trong làng báo như nhà báo Hương Văn, Xuân Biếc, Diệp Hồng Phương, Nam Cao, Nguyễn Quang Minh, Đăng Cầu, Lê Bân, Nguyễn Quốc Lân, Sỹ Ngọ cùng với các bút danh Võ Chân Cửu, Sáu Du,… Với các tên tuổi phóng viên hiện nay đã quen thuộc với những người công nhân cao su như Phi Long, Nguyên Khánh, Đức Trung, Phan Thắng, Nguyễn Cường, Văn Vĩnh, Quỳnh Mai, Tùng Châu, Vũ Phong, Ngọc Cẩm… cùng với dấu ấn của các vị lãnh đạo một thời đã qua như chú Trần Công Tấn, chú Năm Xuân, Năm Kim, Nguyễn Dương Kế, Lương Mạnh Thường, Trần Kiết Hùng và dấu ấn của 4 thời kỳ Tổng biên tập: TBT Võ Văn Thạnh (1982 – 1990), TBT Phan Xê (1990-1998), TBT Huỳnh Thị Lệ (1998-2003), TBT Hồ Thị Tú Anh (2004 – nay).

PV Tạp chí CSVN tác nghiệp trên vườn cây.

PV Tạp chí CSVN tác nghiệp trên vườn cây.

Trong suốt 35 năm ấy, bước chân của những phóng viên Tạp chí CSVN đã âm thầm theo sát các sự kiện của ngành trên những nẻo đường miền Đông Nam Bộ, nắng bụi mưa lầy heo hút, lên đến Tây Nguyên theo chủ trương của nhà nước “gà mẹ đẻ gà con” để trồng Cao su ra khỏi vùng truyền thống. Đó là những ngày tháng gian khổ, khai phá, nghèo nàn, lạc hậu, hoang vu cả sự rình rập của bọn Phun Rô. Rồi ra miền Trung với hàng loạt các công ty ở những địa bàn gian khổ, lên Tây Bắc với đồng bào dân tộc, khi không có một cây trồng nào có thể bám trụ được với bà con. Sang cả Lào, Campuchia, để đến hôm nay trên 400.000 hecta cao su xanh bạt ngàn của Tập đoàn Công nghiệp CSVN có mặt mọi vùng miền của Tổ Quốc đều có bóng dáng, công sức đóng góp của các thế hệ phóng viên Tạp chí cao su. Cao su đi đến đâu đem lại đời sống ấm no cho những người dân vùng sâu vùng xa, đem đến cơ sở điện, đường, trường, trạm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của những địa bàn có cây cao su trú đóng.

Gia tài mà hôm nay chúng tôi có được đó là thành quả của 35 năm sát cánh đồng cam cộng khổ kế thừa và phát huy cùng với những bước biến chuyển thăng trầm và không ngừng phát triển của Tập đoàn CN CSVN. Chúng tôi có một đội ngũ gần 50 phóng viên, biên tập viên, CB CNV có trình độ nghiệp vụ chuyên môn được trang bị, đầy đủ thiết bị máy móc chuyên dụng, hệ thống phương tiện được phục vụ cho công tác phát hành trên mọi địa bàn. Họ đang chung sức đồng lòng xây dựng đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự nghiệp có thu.

PV Phan Thắng phỏng vấn chuyên gia nước ngoài về cao su.

PV Phan Thắng phỏng vấn chuyên gia nước ngoài về cao su.

Chúng tôi có một tờ tạp chí phát hành một tháng hai kỳ với gần 25.000 bản trên một kỳ và thực hiện đúng nhiệm vụ chính trị. Có thể nói trong hơn 65 tờ tạp chí hiện nay ở nước ta, tạp chí Cao su đứng đầu bảng về số lượng phát hành. Chúng tôi có một trang tin điện tử, một kênh truyền hình điện tử cập nhật các thông tin trong ngày, trong tuần để truyền tải những hình ảnh sinh động nhất, về những hoạt động sự kiện của ngành, thu hút được nhiều lượng truy cập của bạn đọc. Về tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển hai kênh thông tin này để đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Chúng tôi có hàng chục công tác viên được tòa soạn trả lương hằng tháng, đang bám trụ trên các địa bàn vùng sâu vùng xa cung cấp tin bài thường xuyên cho tòa soạn và hôm nay đa số những cộng tác viên gắn bó đó cũng đã được tòa soạn mời về trong ngày lễ trọng đại này.

Chúng tôi có được gia tài về thành tích là được Đảng và Nhà nước đều ghi nhận với huân chương lao động hạng 3 (2005), hạng 2 (2012) và huân chương lao động hạng 1 (2016). Nhiều năm  liền chúng tôi có được cờ thi đua của Bộ, bằng khen của thủ tướng chính phủ, của Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương về thành tích chi bộ trong sạch vững mạnh, cờ thi đua của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bằng khen của Tập đoàn, Công đoàn…

Chúng tôi còn có một gia tài khác đó là được tập đoàn giao nhiệm vụ là cầu nối thông tin với các đồng nghiệp, các cơ quan truyền thông khác. Lãnh đạo Tập đoàn công nghiệp cao su được đánh giá là một tập đoàn quan tâm tới báo chí. Hằng năm lãnh đạo thường tổ chức các buổi họp mặt thân mật, thăm hỏi và cởi mở thông tin với báo chí. Những sự kiện như vậy Tạp chí CSVN được giao nhiệm vụ như một đầu mối tạo nên mối liên kết gắn bó giữa Tập đoàn với các cơ quan báo chí. Chính vì vậy, chúng tôi có điều kiện học hỏi, chia sẻ, kết nghĩa có mối quan hệ thân tình với các báo bạn. Đó cũng chính là văn hoá doanh nghiệp mà Tập đoàn công nghiệp Cao su hướng tới.

Chúng tôi còn được sở hữu một gia tài quý giá đó là sự hậu thuẫn của Đảng Ủy tập đoàn, Ban lãnh đạo tập đoàn, Ban Thường vụ Công đoàn cao su. Chính những hệ thống chính trị này đã luôn tin tưởng vào chúng tôi, giao phó cho chúng tôi những trọng trách, hỗ trợ kinh phí mua báo để phát cho đồng bào dân tộc ít người. Ban thường vụ công đoàn Cao Su hỗ trợ triển khai những trang tin của công đoàn Cao su trên Tạp chí Cao su để làm phong phú thêm món ăn tinh thần cho công nhân. Đặc biệt là tất cả các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã dành cho chúng tôi mối quan hệ gắn bó không thể tách rời. Chính những công ty, nông trường, xí nghiệp, tổ đội thuộc ngành cao su đã cho chúng tôi một gia tài lớn, xem chúng tôi như người nhà. Tạo mọi điều kiện để phóng viên Cao su được tác nghiệp. Quan hệ của chúng tôi với Tập đoàn là quan hệ của nước và thuyền.

Đại biểu khách mời tham quan triển lãm tư liệu báo chí của Tạp chí Cao su VN.

Đại biểu khách mời tham quan triển lãm tư liệu báo chí của Tạp chí Cao su VN.

Tất cả mọi sự kiện trong ngành, Tạp chí CSVN được tham dự và giao cho nhiệm vụ là đầu mối của công tác tuyên truyền. Tất cả những vui buồn, thăng trầm của thời cuộc, chúng tôi đều được chia sẻ. Trong 35 năm ấy làm sao đếm hết được những chuyến đi của phóng viên của Tạp chí CSVN đã đi về cơ sở, làm sao viết hết được những gian khổ trong các chuyến công tác thức khuya dậy sớm của những người làm báo về với công nhân cao su, làm sao viết hết được những niềm vui, nước mắt, những ly rượu vơi đầy trong nghề nghiệp mà chúng tôi đã gửi gắm ở cơ sở. Gia tài lớn chúng tôi có được là trong cây, trong đất, trong những người công nhân cao su.

Chúng tôi có được một gia tài khác đó là một mối quan hệ có chiều rộng và chiều sâu đối với các đơn vị đối tác ngoài ngành. Chính những đối tác ngoài ngành này đã cùng chúng tôi chia bùi sẻ ngọt, đã từng hỗ trợ chúng tôi trong các hoạt động xã hội, đó là những công ty Quế Lâm, Sông Gianh, Thiên Sinh, Omix Bách Tùng, công ty bảo vệ thực vật trung ương, bảo vệ thực vật TPHCM, Z30D, công ty cơ khí An Sơn, Dương Nhật, Duy Anh… Họ đã đồng hành với chúng tôi làm nên sự thành công của Tạp chí.

Chúng tôi còn có được một vốn liếng rất quan trọng đó là một cơ chế hoạt động tự chủ tài chính. Là một trong những đơn vị hành chính sự nghiệp đầu tiên của tập đoàn Công Nghiệp CSVN tự hạch toán độc lập, nuôi sống bộ máy. Cho đến hôm nay chúng tôi khẳng định đó là cách đi riêng đúng đắn của mình mà không phải tạp chí, tờ báo chuyên ngành nào cũng có thể làm được. Cơ chế hạch toán độc lập đã tạo cho cán bộ công nhân viên tạp chí vận hành một cách năng động. Bên cạnh việc xuất bản báo chí, chúng tôi phải tìm kiếm các dịch vụ, nguồn hàng để phục vụ trong và ngoài ngành như làm các ấn phẩm, kỷ yếu, catalog, làm phim, làm lịch theo đơn đặt hàng, in ấn sản phẩm về nhựa cao su. Trong sự cạnh tranh rất nghiệt ngã của thị trường, chúng tôi phải bươn trải, trăn trở, mưu sinh để tồn tại vận hành sự hoạt động của toà soạn. Trong lúc rất nhiều cơ quan báo chí trong nước phải đóng của thì chúng tôi luôn giữ được sự ổn định và phát triển. Bình quân trong 06 năm gần đây, doanh thu của tạp chí đều đạt trên 27 tỷ đồng một năm. Nộp ngân sách cho nhà nước trên 600 triệu đồng/năm tạo thu nhập bình quân ổn định cho cán bộ công nhân viên 8,5 triệu đồng/người/tháng.

Đã từng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với đội ngũ làm báo của Tạp chí cao su là tại sao cc bi viết thường thiên về khuynh hướng phản ảnh những yếu tố tích cực mà thiếu đi những mảng viết về mặt trái tồn tại của xã hội. Điều này Ban Biên tập rất nhiều lần đưa ra xem xét cân nhắc để luôn cố gắng có cách phản ánh phải nhiều chiều hơn. Tuy nhiên, chúng tôi có tôn chỉ mục đích riêng của một tờ Tạp chí chuyên ngành. Hệ thống quản lý của Tập đoàn CNCSVN có đầy đủ bộ máy bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Chấm ảnh cuộc thi Ánh sáng từ dòng vàng trắng do Tạp chí tổ chức.

Chấm ảnh cuộc thi Ánh sáng từ dòng vàng trắng do Tạp chí tổ chức.

Những gì liên quan đến quyền lợi của công nhân nếu không được giải quyết thì chúng tôi đều phản ánh kịp thời. Thực trạng xã hội hàng ngày đầy những biến động, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi thế giới đang đứng trước những biến cố, bất ổn: Chiến tranh, thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu. Các thế lực thù địch luôn có những diễn biến hòa bình hòng chia rẽ nội bộ, gây mất lòng tin trong xã hội, đặc biệt là tình trạng suy thoái đạo đức truyền thống, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, niềm tin về các giá trị đích thực của xã hội bị chao đảo… thì những người làm công tác báo chí lại càng phải có bản lĩnh hơn bao giờ hết.

Trong các buổi giao ban báo chí, các cơ quan quản lý báo chí luôn nhắc nhở các tờ báo về vấn đề phản ánh quá nhiều những mảng đen của xã hội, đặc biệt là thời lượng các thông tin tiền – tình – tù – tội chiếm đa phần trên các mặt báo đã làm cho bạn đọc thấy bi quan, chán nản, thiếu niềm tin vào cuộc sống. Nhận thức được điều đó, đội ngũ người làm báo của Tạp chí Cao Su Việt Nam rất thận trọng cân nhắc trong những đề tài nhạy cảm bởi vì đối tượng của Tạp chí là công nhân cao su ở xa các thành phố, trung tâm thông tin. Vì vậy sự chọn lọc, đánh giá cộng với trình độ nhận thức còn hạn chế của người lao động nếu không có được định hướng đúng thì dễ gây hoang mang, mất lòng tin vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tập đoàn.

Về phía mình, chúng tôi đã ngay từ đầu xác định được là tờ báo của ai, viết cho ai. Ngoài những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tạp chí Cao Su là tờ báo của người công nhân cao su, là những câu chuyện của công nhân cao su: đó là đời sống tâm tư, tình cảm, là những thành quả công sức của cao su đóng góp cho đất nước. Bài viết của Tạp chí Cao Su là những bài viết về vườn cây, nhà máy, về thị trường cao su, kỹ thuật cao su câu chuyện từ công ty đến nông trường, chuyện của công nhân sáng tác, tâm huyết với ngành,… Chúng tôi luôn đi đúng với mục đích ấy. Vì thế mà chúng tôi không bị sa vào những câu view giật gân, những mảng đen của xã hội, tiền tình tù tội, cướp, hút, giết làm hệ luỵ đến đời sống tinh thần của xã hội. Chính vì tôn chỉ mục đích của mình, chúng tôi đã phần nào tránh được cơn lốc khủng hoảng truyền thông trong chuyện của con ruồi trong chai nước ngọt, chuyện nước mắm, chuyện các ngôi sao ăn gì mặc gì… những sai phạm mà hàng loạt các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà báo đã phải xử phạt, cách chức, rút thẻ.

Các PV tập sự trong 1 chuyến công tác.

Các PV tập sự trong 1 chuyến công tác.

Chính vì biết mình là ai, viết cho ai, chúng tôi đã kiên định vững vàng trong cả những tiếng ong, tiếng ve, tiếng chì, tiếng bấc ở các kỳ họp Quốc Hội, họp báo, giữa những ý kiến nhiều chiều về các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước, về những điều chưa hiểu hết về Tập đoàn cao su nói chung và Tạp chí cao su nói riêng. Chính vì điều đó mà các trang tạp chí CSVN luôn nuôi giữ ngọn lửa niềm tin, nuôi dưỡng những yếu tố tích cực để công nhân cao su vượt lên khó khăn kể cả những lúc ngành Cao su trong giai đoạn bĩ cực nhất. Và đó cũng chính là thế mạnh của chúng tôi khi trong các buổi họp báo được lãnh đạo các cơ quan quản lý đánh giá là một tờ tạp chí không chạy theo thị hiếu, câu view như đã từng nhắc nhở các đồng nghiệp khác.

Tất nhiên trong sự vận hành của một toà soạn có cái đúng cái sai, cái làm được, cái chưa làm được nhưng bằng sự trải nghiệm và nhạy cảm nghề nghiệp của mình, những người cầm bút đều phải răn mình và giữ mình khi ranh giới giữa nghề và nghiệp là hết sức mong manh nếu không có lập trường tư tưởng vững vàng, bởi vì nghề báo là một nghề thống khổ suốt ngày lẫn đêm.

Thời gian làm nên mốc lịch sử, nhưng thời gian cũng có thể xóa nhòa đi nhiều thứ nếu chúng ta không có ý thức bảo tồn, giữ gìn những giá trị truyền thống. Trong các cuộc họp để chuẩn bị cho những sự kiện trọng đại của ngành, Tổng giám đốc Trần Ngọc Thuận thường nói nhiều về ý thức giữ gìn giá trị truyền thống. Năm tháng sẽ qua đi nhưng lịch sử của ngành cao su sẽ hiện diện trong sự trường tồn của những gốc cây cao su có cả trăm năm tuổi được bảo tồn tại nông trường cao su Dầu Giây – Tổng công ty cao su Đồng Nai. Lịch sử đấu tranh của phong trào công nhân cao su sẽ hiện diện ở tượng đài uy nghiêm sừng sững tại địa danh Phú Riềng Đỏ. Và Tạp chí CSVN tự hào rằng lịch sử của ngành cao su cũng đã và sẽ được lưu giữ trên từng trang báo, từng trang Tạp chí mà bao thế hệ phóng viên Tạp chí CSVN đã ghi lại. Tạp chí CSVN kỷ niệm 35 năm để ghi nhận một chặng đường, để ghi nhận một mốc lịch sử, để tri ân và để bước tiếp vững vàng hơn.

Chặng đường phía trước của Tạp chí Cao su còn nhiều khó khăn thử thách, chúng tôi mong muốn nhận được hơn nữa sự ủng hộ, chia sẻ của tất cả mọi người. Đó chính là nguồn động viên vô giá để những người cầm bút, vượt qua khó khan thử thách đáp ứng được sự kỳ vọng yêu mến của bạn đọc trong sự nghiệp phát triển của Tập đoàn CN CSVN, trách nhiệm lãnh đạo Tập đoàn giao phó cho chúng tôi là rất lớn. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng cùng với sự đoàn kết sức trẻ và trải nghiệm. Chúng tôi sẽ thành công.

Tạp chí CSVN xin gửi lời tri ân đến tất cả lãnh đạo tập đoàn Công nghiệp CSVN, Công đoàn, các đơn vị trong, ngoài ngành, các đối tác bạn bè đồng nghiệp đã cho chúng tôi một gia tài lớn. Cám ơn tình cây, tình đất, tình người cao su đã làm nên thành công của chúng tôi.

Chính vì những lẽ đó, Tạp chí CSVN xem buổi lễ hôm nay là một sự kiện để chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn. Không gian mà chúng tôi đón tiếp các vị khách quý hôm nay là không gian của sự tri ân và trách nhiệm.

U.K

http://tapchicaosu.vn/goc-ban-doc/ban-doc-toa-soan/tri-an-va-trach-nhiem.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ