logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 2/2017 01/03/2017

I. Thị trường thế giới:

1. Thị trường cao su Thái Lan:

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, Chính phủ nước này vừa phê chuẩn các gói hỗ trợ nông dân trong những vùng gặp lũ, với tổng trị giá 35,43 tỷ Baht (1 tỷ USD). Những đợt mưa lớn bắt đầu từ tháng 12/2016 đã gây ra lũ lụt khắp miền Nam Thái Lan khiến sản lượng cao su trong năm 2017 giảm 7,6%. Thái Lan là quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu. Gần 2/3 diện tích trồng cao su của Thái Lan nằm ở miền Nam.

Chính phủ sẽ hỗ trợ hơn 200.000 nông dân ở miền Nam bị ảnh hưởng bởi lũ. Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan (BAAC) sẽ cung cấp các khoản vay ưu đãi với tổng trị giá 10 tỷ Baht (285,4 triệu USD) để nông dân có thể dùng cho việc chi tiêu khẩn cấp.

BAAC cũng sẽ cung cấp thêm khoản vay trị giá 10 tỷ Baht (285,4 triệu USD) để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn có những khoản vay ưu đãi khác dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng.

Các nhà xuất khẩu cao su Thái Lan khẳng định có đủ cao su dự trữ để đảm bảo không xảy ra gián đoạn trong các đơn hàng đã lên lịch xuất khẩu, bất kể những trận lũ lớn diễn ra tại các vùng sản xuất chính của nước này.

2. Thị trường cao su Tocom, Nhật Bản:

Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (TOCOM) diễn biến tăng trong 20 ngày đầu tháng 2/2017, mặc dù đã giảm khá mạnh trong tuần đầu tháng do đồng Yên tăng giá. Trong đó, hợp đồng benchmark tháng 7/2017 giảm mạnh trong phiên giao dịch 6/2, thiết lập chuỗi giảm 5 ngày liên tiếp do chịu áp lực giảm bởi đồng Yên tăng mạnh mẽ, đóng cửa ở mức 298,9 yên/kg. Giá cao su giảm 9,1% trong tuần trước, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 25/1, ở mức 296,2  yên/kg cuối phiên 3/2.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 2/2017

Sau thời điểm này, thị trường cao su kỳ hạn Tocom bắt đầu hồi phục nhờ các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào. Kết thúc phiên giao dịch 8/2, hợp đồng benchmark tháng 7/2017 đạt 309 yên/kg, tăng 10,1 yên so với mức thấp hôm 6/2. Giá cao su giao kỳ hạn tháng 5/2017 tại Thượng Hải tăng 320 NDT, lên 20.600 NDT (tương đương 2.993,27 USD)/kg trong phiên giao dịch qua đêm. Cuối phiên 14/2, hợp đồng benchmark tháng 7/2017 đạt 326,4 yên/kg, mức cao nhất trong 2 tuần do giá dầu tăng và thị trường cao kỳ hạn Thượng Hải tăng qua đêm. Đây cũng là mức tăng trong 3 phiên giao dịch liên tiếp, với giá đóng cửa ngày 10/2 và 13/2 lần lượt là 311,7 yên/kg và 326 yên/kg.

Sau đó, thị trường cao su kỳ hạn Tocom quay đầu giảm do giá dầu giảm trở lại. Kết thúc phiên giao dịch 15/2, hợp đồng benchmark tháng 7/2017 đạt 319,7 yên/kg, giảm 6,7 yên/kg so với mức cao hôm trước. Nguyên nhân giá cao su giảm là do Thái Lan có kế hoạch bán cao su từ kho dự trữ, giảm lo ngại dư cung sau lũ lụt tại khu vực sản xuất chủ yếu của nước này. Thái Lan dự kiến tổ chức đấu giá bán cao su vào tháng 3/2017, với khối lượng khoảng 125.000 tấn.

II. Việt Nam:

1. Tình hình trong nước:

Giá mủ cao su trong nước diễn biến tăng trong 20 ngày đầu tháng 2/2017 cùng với xu hướng của thị trường thế giới. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su tăng 1.200 đ/kg, từ 10.300 đ/kg (2/2) lên 11.500 đ/kg (15/2).

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 2/2017

Theo đó, một số công ty cao su trong nước cũng đang điều chỉnh tăng giá mua cao su theo định hướng trên thị trường Tocom, Nhật Bản. Hiện tại, giá cao su trên sàn Tocom đang cao gấp đôi giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong năm 2015 và 2016. Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, Bình Phước, ngày 13/2 thông báo sẽ mua mủ chén dây khô với giá 17.900 đ/kg, mủ chén dây vừa là 15.900 đ/kg. Mức giá này so với ngày 6/2 đã tăng 200-300 đ/kg, và tăng gần 2.000 đ/kg so với mức giá công ty này đưa vào ngày 1/2.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc giảm trong hai tuần đầu tháng 2/2017, song giá vẫn trong xu hướng tăng. Trong tuần từ ngày 9 – 12/2/2017, sản lượng cao su xuất khẩu đạt hơn 22.000 tấn, giảm 3.000 tấn so với tuần trước. Trong đó, sản phẩm của các đơn vị khối quốc doanh (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) chiếm tỷ lệ khoảng gần 80%, tăng hơn tháng cuối năm ngoái 6%. Sản phẩm cao su tiểu điền (thực tế hiện nay là bán mủ nguyên khai cho các nhà máy quốc doanh chế biến) đạt hơn 20%. Giá cao su SVR 3L loại 1 tăng 5% so với tuần trước, đạt 18.375 NDT/tấn. Các sản phẩm khác cũng tăng giá theo và ở các mức khác nhau, nhưng không vượt quá 5%.

Do tác động của thời tiết cộng với giá bán ở mức cao nên vụ khai thác mủ cao su năm nay của nông dân tỉnh Bình Phước kéo dài hơn so với mọi năm. Thậm chí, ngay trong những ngày Tết, nông dân trồng cao su vẫn tranh thủ ra vườn để cạo mủ. Mọi năm, vụ khai thác mủ cao su của nông dân tỉnh Bình Phước thường kết thúc vào khoảng 25 tháng Chạp và đó cũng là lúc cây cao su chỉ còn trơ cành khẳng khiu sau mùa thay lá. Năm nay, quá trình thay lá của cây cao su diễn ra chậm do thay đổi thời tiết cộng với giá bán đang ở mức cao nên việc khai thác mủ kéo dài theo. Cụ thể, nếu thời điểm này năm ngoái, mủ cao su có giá chỉ 190 đ/độ, thì hiện nay là 390 đ/độ, tăng 200 đ/độ so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình lá cây cao su như hiện nay, ít ra thời gian cạo mủ sẽ kéo dài đến rằm tháng Giêng âm lịch mới kết thúc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cao su xuất khẩu bình quân trong năm 2016 là 1.333 USD/tấn, giảm 1% so với năm 2015. Như vậy, trong hai năm 2015 và 2016, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam chỉ ở mức 28-30 triệu đồng/tấn. Mức giá này tính ra chỉ bằng 50% so với mức giá ngày 13/2.

Giá cao su bắt đầu có dấu hiệu tăng từ cuối năm 2016 và sang năm 2017 bắt đầu tăng mạnh. Nhận thấy giá cao su tăng nên nhiều doanh nghiệp tăng lượng xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm nay. Trong tháng 1/2017, Việt Nam đã xuất khẩu 102.000 tấn cao su, với giá trị thu về là 193 triệu USD, tăng 10,5% về lượng và 85% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

2. Dự báo xuất nhập khẩu cao su tháng 2/2016:

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 2 năm 2017 đạt 99 nghìn tấn với giá trị đạt 211 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su hai tháng đầu năm ước đạt 193 nghìn tấn và 392 triệu USD, tăng 25,4% về khối lượng và tăng gấp 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2017 đạt 1.922 USD/tấn, tăng 70,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1 năm 2017, chiếm thị phần lần lượt 70%, 4,2% và 4,1% thị phần. Giá trị xuất khẩu cao su sang 3 thị trường này tăng lần lượt là: gấp 2,3 lần, 39% và 77,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 2/2017 đạt 48 nghìn tấn với giá trị đạt 103 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu cao su 2 tháng đầu năm 2017 lên 87 nghìn tấn và 179 triệu USD, tăng 62,5% về khối lượng và tăng hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Bốn thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong tháng 1 năm 2017 là Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản và Đài Loan, chiếm 58,4% thị phần. Trong tháng 1 năm 2017, khối lượng và giá trị cao su ở hầu hết các thị trường nhập khẩu đều tăng trừ thị trường Hàn Quốc và Malaixia. Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Indonesia (tăng hơn 4 lần cả về khối lượng và giá trị).

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT

2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS

3. Tin Reuters

Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy

http://thitruongcaosu.net/2017/02/28/bao-cao-nganh-hang-cao-su-thang-22017/

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ