Giá cao su thấp là cơ hội để thay đổi công nghệ 06/02/2017
Ông Nguyễn Quốc Anh
Thưa ông, vài năm gần đây giá cao su giảm, việc này có lợi như thế nào với các nhà sản xuất công nghiệp cao su?
Ông Nguyễn Quốc Anh: Những năm gần đây, nhất là trong hai năm 2015 và 2016, giá cao su nguyên liệu giảm xuống mức thấp, đã giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp cao su được hưởng lợi lớn. Họ có thêm lợi nhuận, tích lũy được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi công nghệ, dây chuyền, mua sắm thêm máy móc thiết bị sản xuất hiện đại… Một hội viên tiêu biểu của chúng tôi như Casumina, đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất lốp ôtô radial toàn thép, có công suất 1 triệu lốp xe một năm, tổng vốn đầu tư hơn 3.380 tỷ đồng tại Bình Dương.
Thông thường, tùy theo chủng loại sản phẩm, giá cao su nguyên liệu chiếm từ 50 – 80% giá thành sản phẩm. Hai năm gần đây, giá xuống thấp, DN công nghiệp cao su có cơ hội hưởng lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, các hội viên của Hội chúng tôi nhận ra rằng, giá thấp thì có lợi nhưng không bền vững. Họ mong muốn giá cao su nguyên liệu ổn định, không biến động quá lớn, khiến họ không cân đối được sản xuất, làm ảnh hưởng đến hoạt động SXKD. Giá cao su xuống thấp thì thiệt thòi cho nhà trồng trọt. Nhưng lên quá cao thì nhà sản xuất công nghiệp khó cạnh tranh. Một cơ chế giá hài hòa giữa nhà trồng trọt và nhà tiêu thụ đều có thể “sống” được là tốt nhất. Quan điểm của tôi, giá như những ngày cuối tháng 12/2016 là chấp nhận được cho cả đôi bên.
VN hiện là nước xuất khẩu cao su đứng thứ tư thế giới, kim ngạch hàng tỷ USD mỗi năm, nhưng các doanh nghiệp VN lại nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn cao su để sản xuất, theo ông đây có phải là một nghịch lý?
Ông Nguyễn Quốc Anh: Theo tìm hiểu của tôi, mỗi năm các DN công nghiệp cao su sử dụng khoảng 300.000 tấn mủ cao su các loại để sản xuất. Trong đó, có khoảng 150.000 tấn – 200.000 tấn cao su thiên nhiên và khoảng hơn 100.000 tấn cao su tổng hợp. Đối với nguyên liệu cao su thiên nhiên hầu như sử dụng sản phẩm trong nước, còn cao su tổng hợp phải nhập khẩu từ nước ngoài. Về chất lượng cao su, nhìn chung đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các DN. Đa số các nhà sản xuất đều sử dụng cao su thiên nhiên trong nước để sản xuất vì có những thuận lợi nhất định.
Cần thay đổi tập quán sản xuất để có đủ nguyên liệu cho sản xuất cao su công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Duy Hậu
Tuy nhiên có những chủng loại sản phẩm mà cao su trong nước chưa đáp ứng được nên các doanh nghiệp phải nhập khẩu về để sản xuất. Cụ thể, như sản xuất lốp ôtô radial toàn thép, DN phải nhập khẩu mủ từ Malaysia về. Tuy nhiên, cũng phải hiểu rằng, không phải công nghệ của chúng ta kém, không sản xuất được mà còn do tập quán sản xuất. Để sản xuất lốp xe radial toàn thép, phải sử dụng cao su SRV 10, nhưng hiện nay các công ty sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tiêu thụ về mặt chất lượng cũng như số lượng.
Vì thế để đáp ứng được phân khúc này, cần phải thay đổi thói quen sản xuất. Ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia chủ yếu là sản xuất tiểu điền. Mỗi nông hộ chỉ vài ba hecta, nên cạo xong họ để mủ đông tự nhiên ngoài lô từ 5 đến 7 ngày mới thu gom bán cho nhà máy sản xuất. Còn chúng ta chủ yếu sản xuất đại điền, mỗi DN vài chục ngàn hecta.
Mủ khai thác xong trong ngày là thu gom ngay và đưa về nhà máy sản xuất. Để bảo quản mủ phải dùng hóa chất, mủ về nhà máy đánh đông bằng axít. Sản xuất lốp radial rất ngại việc đánh đông bằng hóa chất, do không tốt cho chất lượng sản phẩm. Các công ty của ta, do còn phải lo cho người lao động, muốn quay vòng đồng vốn nhanh nên phải “cưỡng bức” để mau chóng có sản phẩm kinh doanh. Các nông hộ ở các nước họ để đông tự nhiên nên chất lượng tốt hơn, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của DN công nghiệp. Còn ta không có truyền thống như vậy. Do đó, để đáp ứng được phân khúc này, phải thay đổi thói quen sản xuất.
Xin cảm ơn ông!
Phan Thắng (thực hiện)
http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/gia-cao-su-thap-la-co-hoi-de-thay-doi-cong-nghe.html
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)