Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về nguyên liệu mủ cao su: Không thể chậm trễ 05/09/2016
Ảnh: Nguyễn Ngọc Hải
Chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mủ cao su nguyên liệu đầu vào
Đến hết năm 2015, diện tích cao su VN đạt 981.000 ha và sản lượng đạt 1.017.000 tấn; đứng thứ ba về sản lượng và xuất khẩu trên thế giới. Trong 981.000 ha và 1.017.000 tấn sản lượng, có sự tham gia của nhiều thành phần, gồm cao su quốc doanh, tư nhân và tiểu điền. Riêng VRG giữ 415.502 ha diện tích (kể cả ở Lào và Campuchia) và sản lượng 265.000 tấn mủ.
Có một thực trạng bất cập của ngành cao su VN hiện nay, đó là chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên VN không đồng đều. Nguyên nhân chính là do nước ta chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mủ cao su nguyên liệu đầu vào. Đây là nghịch lý của một quốc gia đứng thứ ba thế giới về sản lượng khai thác và xuất khẩu cao su thiên nhiên.
Theo ông Võ Hoàng An – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VRA, hiện nay VN đã có tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm đầu ra đối với cao su khối (TCVN 3769:2004) và cao su ly tâm (TCVN 6314:2013). Các tiêu chuẩn này tương đương với tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng tiêu chuẩn đầu ra sẽ trở nên kém giá trị và độ tin cậy, nếu chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mủ cao su nguyên liệu đầu vào. Do chưa có tiêu chuẩn quốc gia cho mủ cao su nguyên liệu nên cơ quan chức năng không có cơ sở để kiểm tra, xử lý sai phạm hiện tượng pha trộn tạp chất vào mủ cao su để tăng tổng hàm lượng chất rắn TSC.
Trong khi đó, hành vi pha trộn tạp chất vào mủ cao su ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện. Ngoại trừ các đơn vị thành viên VRG chú trọng và có kinh nghiệm trong khâu kiểm tra hiện tượng pha trộn tạp chất vào mủ, thì một số thành phần thu mua khác còn xem nhẹ hoặc thiếu kinh nghiệm trong khâu kiểm soát này. Từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm cao su đầu ra không đảm bảo, không đồng đều, ảnh hưởng đến uy tín chất lượng và thương hiệu cao su VN trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong khi VN vẫn áp dụng phương pháp đo TSC trong thu mua mủ nước, thì Thái Lan, Malaysia lại áp dụng phương pháp đo DRC. Tại Malaysia, để trở thành nhà thu mua cao su nguyên liệu, cá nhân đó phải được Tổng cục Cao su Malaysia cấp giấy phép. Tất cả lô hàng cao su khi xuất khẩu phải đáp ứng tiêu chuẩn và có giấy kiểm phẩm từ các phòng kiểm nghiệm do Tổng cục Cao su Malaysia chứng nhận.
Việc thu mua bằng DRC có ưu điểm giúp kiểm soát tạp chất pha trộn vào mủ nước, người mua sẽ mua được mủ nguyên liệu tốt, người bán cũng không có động cơ pha trộn tạp chất để thu lợi không chính đáng. Do vậy, mua bán mủ nước theo DRC vừa là biện pháp quản lý chất lượng nguyên liệu vừa là cách bảo đảm giao dịch công bằng giữa người mua và người bán.
Sự cần thiết xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về nguyên liệu mủ cao su
Từ thực trạng hiện nay ở VN, việc có giải pháp quản lý chất lượng mủ cao su nguyên liệu đầu vào là vấn đề đặt ra cần thiết và cấp thiết. Tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa – Trưởng Ban Tư vấn phát triển ngành cao su (thuộc VRA) đã hơn một lần nêu ra những bất cập, tồn tại về việc kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm cao su VN. Theo bà Hoa, việc giữ chất lượng ổn định và liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm cao su có vai trò rất quan trọng trong việc khẳng định giá trị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Trong đó, giải pháp quản lý chất lượng nguyên liệu từ vườn cây đưa vào nhà máy cần được quan tâm, tổ chức thực hiện hiệu quả. Ông Lê Xuân Hòe – Phó TGĐ VRG, cho biết VRG đã xây dựng Bảng quy đổi mới từ TSC sang DRC và đang thực hiện thử nghiệm tại một số công ty thành viên trước khi áp dụng đại trà. Nhưng chỉ riêng VRG thực hiện thôi thì chưa thể nâng cao chất lượng cao su VN một cách đồng bộ và toàn diện. Do vậy, rất cần đến vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tăng cường kiểm soát chất lượng cao su thiên nhiên VN để mặt hàng này đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, qua đó nâng cao vị thế và tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm cao su VN.
Phú Vinh
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)