VPA/FLEGT – Giấy thông hành đưa sản phẩm gỗ vào thị trường EU 08/07/2016
Sản xuất sản phẩm gỗ tại Công ty CP CN&XNK Cao su. Ảnh: Tùng Châu
Công cụ hữu hiệu
VPA/ FLEGT là Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản được EU ký kết với các quốc gia đối tác xuất khẩu (XK) gỗ và SP gỗ. Khi hiệp định này có hiệu lực, các quốc gia đã ký kết sẽ áp dụng một hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và cấp phép FLEGT chứng nhận tính hợp pháp của gỗ và các SP gỗ của các DN khi XK vào thị trường EU.
Theo đó, gỗ và các SP gỗ được cấp phép FLEGT sẽ không phải tiến hành trách nhiệm giải trình khai báo nguồn gốc gỗ theo Quy chế gỗ của EU (Quy chế EUTR). Mặt khác, các đơn hàng gỗ và SP gỗ xuất sang EU có giấy phép FLEGT sẽ đem lại thuận lợi cho các nhà nhập khẩu, vì không phải thực hiện quản lý rủi ro cũng như thủ tục giải trình nguồn gốc gỗ như hiện nay. Điều này góp phần nâng cao tính cạnh tranh của gỗ và các SP gỗ của các nước XK sang thị trường EU.
Hiện nay, đã có 6 nước ký VPA/ FLEGT với EU là Ghana, Cộng hòa Congo, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Indonesia và Liberia. Đối với Việt Nam (VN), Chính phủ và liên minh Châu Âu EU đã tiến hành đàm phán VPA/ FLEGT từ cuối năm 2010 với mục tiêu nhằm đảm bảo gỗ và các SP gỗ XK từ VN sang các nước thành viên EU có nguồn gốc hợp pháp. Dự kiến, Hiệp định VPA/ FLEGT giữa VN và EU sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Sản xuất tại Công ty CP Chế biến gỗ Thuận An. Ảnh: Vũ Phong
Việc xây dựng các quy trình đáp ứng yêu cầu của FLEGT VPA là xu hướng tất yếu trong tương lai khi nước ta đang hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Ngoài ra, việc hướng tới VPA/FLEGT thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, người dân và doanh nghiệp trước việc chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp trên toàn cầu. Thách thức và công việc là rất nhiều nhưng việc này đòi hỏi các DN và cơ quan Nhà nước phải nỗ lực hết mình, chuẩn bị sẵn sàng để thực thi tốt nhất hiệp định VPA/FLEGT.
Cơ hội của các đơn vị kinh doanh ngành gỗ trực thuộc VRG
Ở nước ta, gỗ cao su là nguồn thu bổ sung cho người trồng sau 20 đến 25 năm thu hoạch SP chính là mủ cao su. Nguồn thu từ gỗ cao su khá cao, có thể giúp người trồng tự tái canh với suất đầu tư để áp dụng giống mới cao sản và áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm cải thiện năng suất cho chu kỳ sau hoặc mở rộng diện tích hơn.
Vì nhiều lợi ích mang lại từ cây cao su, theo Quyết định số 2855/QĐ-BNN-KHCN ngày 17/9/2008 của Bộ NN và PTNT, cây cao su đã được công nhận là cây đa mục đích, có thể trồng trên đất nông nghiệp lẫn đất lâm nghiệp để mở rộng diện tích. Gỗ cao su từ các vườn cao su khi tái canh mang lại một lượng gỗ quan trọng cho ngành chế biến gỗ, được xem là nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường vì tái tạo được và giúp giảm áp lực khai phá rừng tự nhiên để lấy gỗ.
VRG hàng năm thanh lý trên dưới 10 ngàn ha cao su. Trong những năm qua, ngành chế biến và kinh doanh gỗ đã góp phần không nhỏ vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Tập đoàn. Chỉ tính riêng năm 2015, lĩnh vực này đạt 5.000 tỷ đồng doanh thu với 905 tỷ lợi nhuận. Dự kiến năm 2016 ngành gỗ sẽ đóng góp vào doanh thu của VRG khoảng 5.300 tỷ đồng, chiếm 30% tổng doanh thu và góp 40 đến 45% tổng lợi nhuận.
Việc VN sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT vào cuối năm nay để đi đến ký kết là cơ hội tốt cho các đơn vị chế biến và kinh doanh gỗ thuộc VRG. Để các đơn vị rõ hơn về bộ công cụ FLEGT, ngày 18/5 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn đã tổ chức buổi tập huấn kiến thức VPA/FLEGT cho các đơn vị thành viên.
Ng. Cường
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)