logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Diễn biến thị trường cao su tuần từ 16/5 đến 20/5/2016 24/05/2016

Thị trường thế giới

Thị trường cao su kỳ hạn Tocom (Nhật Bản) diễn biến giảm mạnh trong tuần qua do lo ngại nhu cầu tiêu thụ giảm lại đè nặng. Kết thúc phiên giao dịch 18/5, giá cao su hợp đồng benchmark tháng 10/2016 chạm mức thấp mới trong hơn 2 tháng, chỉ còn 168,5 Yên/kg, phá vỡ mức thấp 2 tháng vừa thiết lập hôm 16/5. Trước đó, giá đóng cửa hợp đồng benchmark tháng 10/2016 ở mức 172 Yên/kg, giảm 8,7 Yên so với giá đóng cửa phiên đầu tuần trước (9/5). Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 16/3/2016.

Trung Quốc công bố số liệu về đầu tư, sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 4/2016 tăng chậm hơn so với dự kiến, làm gia tăng lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tăng trưởng sản lượng của các nhà máy suy giảm cũng như đầu tư tài sản cố định đều thấp hơn so với kỳ vọng.

Thị trường trong nước

Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tuần qua diễn biến giảm cùng với xu hướng của thị trường cao su thế giới vào đầu tuần và hiện đang tăng trở lại. Cụ thể: cao su SVR3L giảm từ 32.300 đ/kg (11/5) xuống còn 30.400 đ/kg (16/5), và tăng lên mức 33.400 đ/kg (18/5); cao su SVR10 giảm từ 30.700 đ/kg xuống còn 28.800 đ/kg, và tăng trở lại 29.300 đ/kg.

Trong khi đó, mủ cao su dạng nước tại Bình Phước vẫn ổn định ở mức tuần trước là 10.240 đ/kg (mủ tạp 32 độ/kg).

Giá xuất khẩu cao su thiên nhiên tuần qua tăng nhẹ lên 10.200 NDT/tấn. Nhu cầu về mặt hàng cao su thiên nhiên để sản xuất săm lốp ô tô của Trung Quốc đang tăng đáng kể so với cuối năm 2015. Từ hai tháng nay, cao su thiên nhiên Việt Nam xuất khẩu đạt khối lượng hơn 58.000 tấn. Chủng loại sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế của Việt Nam đưa sang cảng Thanh Đảo gồm các loại sơ chế đóng bánh 33,3kg (SVR 3L, SVR5, SVR L, SRV CV50, SRV CV60, SRV10, SRV20), sơ chế hỗn hợp, sơ chế tiêu chuẩn Serum, tiêu chuẩn Latex.

Cao su tiểu điền trước đây chỉ xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nhưng hiện nay phía cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấm biên. Do đó, cao su tiểu điền hiện phải bán mủ nguyên khai cho các công ty, đơn vị quốc doanh để chế biến ra sản phẩm xuất khẩu. Biện pháp tháo gỡ khó khăn này cho thấy hiệu quả, giúp người trồng yên tâm sản xuất. Tuần qua, sản lượng cao su thiên nhiên sơ chế xuất sang cảng Thanh Đảo đạt 6.800 tấn, tăng 4,6% so với tuần trước.

Giá cao su xuất khẩu tại thị trường trong nước hiện ở mức 40,4 triệu đồng/tấn, tăng 12,4 triệu đồng/tấn, tương đương 44% so với mức giá của ngày 15/1/2016. Cụ thể, giá cao su (FOB) chào bán ngày 13/5  cho sản phẩm SVR CV là 40,4 triệu đồng/tấn, SVR L gần 38 triệu đồng/tấn, SVR 10 gần 31,6 triệu đồng/tấn, SVR 20 gần 31,5 triệu đồng/tấn, tăng trung bình 100.000 – 200.000 đ/tấn so với ngày 11/5. So với ngày 15/1, loại SVR CV chỉ có 28 triệu đồng/tấn, SVR L 26,87 triệu đồng/tấn, SVR 10 23,8 triệu đồng/tấn, SVR 20 gần 23,7 triệu đồng/tấn. Như vậy, trong vòng 5 tháng qua, giá cao su đã tăng khá mạnh, trên 40%. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), giá cao su tăng một phần do yếu tố hạn hán, đặc biệt sau khi Thái Lan – một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất cao su – cho biết sản lượng của nước này giảm 50%. Điều này ít nhiều đã khiến cao su tăng giá trong thời gian qua. Một lý do nữa là thời gian qua, tiêu thụ săm lốp ô tô trên thế giới có dấu hiệu tăng. Bên cạnh đó, sự tăng giá dầu cũng kéo giá cao su tăng lên.

N.L.A

http://thitruongcaosu.net/2016/05/23/dien-bien-thi-truong-cao-su-tuan-tu-165-den-2052016/

 

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ