logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Doanh nghiệp nông nghiệp: Cần đổi mới tư duy kinh doanh 25/03/2016

Ts. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (IPSARD), cho biết trong ngành nông nghiệp, số DN có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động) luôn chiếm tỷ lệ khoảng 50%. DN ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số DN nông nghiệp và tỷ trọng này có xu hướng tăng lên từ 81,36% năm 2010 lên 85,3% năm 2014. Tuy nhiên, khu vực DN này mới chỉ chiếm đa số về số lượng DN, còn về lao động và tài sản vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn khu vực DNNN trong ngành nông nghiệp. Hiện, các DNNN trong ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn về lao động (71,48%) và về vốn (58,5%).

Thiếu gắn kết

Bóc tách những điểm yếu của DN nông nghiệp, Ts. Nguyễn Thế Phong - Khoa Quản trị Kinh doanh trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, cho rằng hiện các DN nông nghiệp đang thiếu sự gắn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của ngành, quốc gia. Xuất hiện nhiều hiện tượng các DN “tự phá” lẫn nhau về cả giá và uy tín, mà cuối cùng các đối tác nước ngoài lại được hưởng lợi.

Theo Ts. Phong, chúng ta luôn tự hào là nước XK nông sản hàng đầu thế giới về lượng, với các sản phẩm gạo, điều, cao su, cà phê, hồ tiêu… nhưng đáng buồn là giá XK thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ vài chục đến vài trăm USD/tấn và bị đối tác nước ngoài chi phối về giá và điều tiết quan hệ cung cầu nông sản cả trong nước lẫn trên thế giới. Giá nông sản của Việt Nam thấp và sụt giảm mạnh so với bình quân thế giới và nguy cơ bị thua ngay tại thị trường nội địa phản ánh sức cạnh tranh yếu từ sản phẩm của các DN nông nghiệp .

Việc bán rẻ nông sản bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó, phần lớn các DN chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng và bền vững, hình thức nông sản xấu và chất lượng không cao, không đồng đều.

Bên cạnh đó, nhiều DN chưa nhận thức rõ vấn đề về vai trò thương hiệu, sản phẩm của các DN thường đơn điệu, tương đối giống nhau. Hơn 80% nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Các DN nước ngoài nhập sản phẩm thô của DN Việt Nam về phân loại, chế biến sâu, sử dụng bao bì hiện đại, bắt mắt và sử dụng tên thương hiệu của họ để đưa ra hệ thống phân phối toàn cầu. Thị trường trong nước cũng có tới 80% sản phẩm nông sản tiêu thụ không có nhãn hiệu.

Các DN nông nghiệp Việt Nam không có và chưa xây dựng được chuỗi cung ứng nông sản như những tập đoàn, DN quốc tế kinh doanh phân phối nông sản chuyên nghiệp. Các DN này được ví như các “thương lái lớn” hoặc là xưởng gia công sơ chế nông sản cho nước ngoài. Nguyên nhân là do thói quen kinh doanh theo tinh thần “độc lập tự chủ” của DN, sự thiếu niềm tin lẫn nhau giữa các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng là một trở ngại và thường phá vỡ tính liên kết và hoạt động của chuỗi.

DN nông nghiệp cần được nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh

Cần được nâng cao vị thế và năng lực

Thói quen kinh doanh kiểu nhà nông bán nhanh, bán dễ và thiếu hụt trầm trọng kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm về nghiên cứu thị trường, tiếp thị hiện đại, quản trị XNK, ngoại ngữ và pháp luật kinh doanh quốc tế nên các DN XK tiểu ngạch nông sản thường sang những nước có cùng biên giới là chủ yếu và XK tập trung quá nhiều vào một số thị trường dễ tính, nhưng có nhiều biến động và rủi ro cao.

Năng lực chống đỡ với biến động thị trường của các DN nông nghiệp nói riêng và cả nền nông nghiệp nước ta yếu ớt và thụ động. Việc không nghiên cứu thị trường, không coi trọng quan hệ cung cầu trong và ngoài nước nên quy hoạch chiến lược ngành ở nhiều địa phương luôn bị phá vỡ.

Năng lực cạnh tranh về nguồn lực cốt lõi của các DN thấp, phần lớn các DN có quy mô siêu nhỏ, thiếu hụt một lực lượng DN nông nghiệp có quy mô đủ lớn để dẫn dắt nền nông nghiệp hội nhập với quốc tế. Trên 80% lao động trực tiếp chưa được qua đào tạo. Phần lớn lực lượng nhân sự quản lý và quản trị kinh doanh được đào tạo đủ để duy trì hoạt động sản xuất và cung ứng nội địa chưa đủ năng lực, bản lĩnh kinh doanh quốc tế.

Hiệu quả kinh doanh của các DN thấp dẫn đến khả năng tự gia tăng năng lực tài chính để mở rộng, đổi mới đầu tư và phát triển còn rất hạn chế. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong khi năng suất lao động bình quân chung của người Việt Nam đạt 73 triệu đồng/người/năm, thì chỉ tiêu này trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ là 28,9 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 38,9% mức bình quân chung. Lao động trong nông nghiệp vẫn chiếm 47%, nhưng năng suất thấp, khiến năng suất của cả nền kinh tế Việt Nam thấp.

Ts. Phong cho rằng để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN nông nghiệp, cần đổi mới tư duy kinh doanh và tổ chức sản xuất. các DN cần tích cực, chủ động xây dựng vùng nguyên liệu mang tính tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa sản xuất cao và bền vững. Theo Ts Phong, cần hoàn thiện mô hình liên kết với các hộ nông dân, trang trại, nông nghiệp thông qua các HTX, THT chủ yếu là liên kết tổ chức sản xuất. Khi đã có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao và sự liên kết chặt chẽ, với sự tin tưởng của các chủ thể tham gia chuỗi cung ứng của DN, DN cùng các chủ thể trong chuỗi cùng đồng trách nhiệm xây dựng thương hiệu nông sản và thương hiệu DN có sự góp sức của chính quyền địa phương.

Các DN, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ có thể nâng cao vị thế và nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách khai thác các ngách thị trường hẹp, nhưng nhiều tiềm năng, dựa vào lợi thế tự nhiên đặc thù, đa dạng hóa phẩm cấp sản phẩm phù hợp với các loại phân khúc thị trường có nhu cầu cao, đòi hỏi tiêu chuẩn phù hợp với khả năng đáp ứng của DN, không nên nhất thiết chạy theo nông sản chất lượng cao cho khách hàng quá khó tính.

Thu Hường

http://thoibaokinhdoanh.vn/Thi-truong-17/Doanh-nghiep-nong-nghiep-Can-doi-moi-tu-duy-kinh-doanh-22701.html

 

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ