Lọc dầu Dung Quất lại “kêu cứu”, Bộ Tài chính có nhượng bộ? 23/02/2016
Ảnh minh họa.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã gửi văn bản lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương và Văn phòng Chính phủ trình bày những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm củaNhà máy lọc dầu Dung Quất do sự chênh lệch về thuế suất nhập khẩu ưu đãi của nhà máy với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi khi Việt Nam thực hiện theo cam kết FTA.
Cụ thể, theo PVN việc thực hiện FTA Việt Nam - Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018, các sản phẩm xăng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất với mức thuế 20% cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt với xăng nhập từ Hàn Quốc (10%),
“Việc chênh lệch thuế đối với mặt hàng dầu đã gây khó khăn lớn đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong việc tiêu thụ sản phẩm nên việc tiếp tục chênh lệch thuế nhập khẩu đối với xăng sẽ gây thêm áp lực tiêu thụ và làm xáo trộn tình hình sản xuất của nhà máy”, văn bản của PVN cho biết.
Đại diện PVN cũng nhấn mạnh, việc không tiêu thụ được sản phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của nhà máy và hiệu quả kinh doanh của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Trước đó, tháng 4/2015, đại diện BSR cũng từng gửi văn bản lên Liên Bộ Tài chính - Công Thương, Cục Thuế Quảng Ngãi cho biết Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa do thuế giảm theo lộ trình hội nhập kinh tế, các mặt hàng xăng, dầu thấp hơn mức BSR đang hưởng.
“Nếu cứ tiếp tục chính sách thuế đó thì nhà máy sẽ đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa”, đại diện BSR từng khẳng định.
Tuy nhiên, phản hồi những thông tin được BSR đưa ra, tại cuộc họp báo chuyên đề về việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) đã cho biết, lý lẽ của BSR là “chưa có cơ sở”.
Cụ thể, theo ông Thi, điều công ty Bình Sơn lo lắng là thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đang là 35% trong khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong ASEAN (ATIGA) ở mức 20% và thuế nhập khẩu trong Hiệp định thương mại ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Trung Quốc cũng đều giảm thuế nhập khẩu khiến sản phẩm của Bình Sơn có giá cao hơn sản phẩm nhập từ ASEAN.
Viêc này khiến các doanh nghiệp ký hợp đồng với Công ty Bình Sơn sẽ từ chối không nhận hàng do sản phẩm của Bình Sơn không cạnh tranh được.
"Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổng Cục Hải quan từ 1/1 đến 10/3/2015, các mặt hàng xăng khoáng, dầu madut, dầu hỏa nhập từ ASEAN đều áp dụng mức thuế ưu đãi, không áp dụng ưu đãi đặc biệt ATIGA vì lý do chưa có xuất xứ hàng hóa CO form D và như vậy lý do Bình Sơn đưa ra khiến xăng dầu không sử dụng xăng dầu Bình Sơn quay sang dùng xăng dầu nhập khẩu là chưa có cơ sở", ông Thi nhấn mạnh.
Hồi tháng 9/2015, PVN cũng từng kiến nghị Chính phủ chỉ cấp hạn ngạch nhập khẩu sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước là Nghi Sơn và Dung Quất.
Tháng 12/2015, trong một văn bản phản hồi về những kiến nghị của PVN, Bộ Tài chính cho biết, việc đề nghị giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu vừa đề nghị tăng mức giá trị ưu đãi cho các sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất là chưa hợp lý trong tương quan lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm BSR, PVN đã nhiều lần đề xuất Liên Bộ Tài chính - Công Thương, Văn phòng Chính phủ kiến nghị xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng dầu diesel và các sản phẩm hoá dầu. Đồng thời, nhấn mạnh những khó khăn mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải đối mặt, thậm chí doạ đóng cửa.
Tuy nhiên, báo cáo hồi đầu năm 2016, lãnh đạo BSR từng cho biết, mặc dù đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng BSR đã vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đạt hiệu quả. Theo đó, năm 2015 BSR đạt được kế hoạch sản lượng trước 50 ngày, với doanh thu đạt gần 95.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 20.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 6.000 tỷ đồng.
NGUYỄN THẢO
Biz live(th)
http://tamnhin.net/loc-dau-dung-quat-lai-keu-cuu-bo-tai-chinh-co-nhuong-bo-81867.html
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)