logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Diễn đàn “Trồng cây gì nâng cao hiệu quả sử dụng đất?”: Nhiều mô hình hay, hiệu quả 16/02/2016

Trồng bo bo xen canh cao su tại Nông trường Minh Hưng, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Tùng Châu

Trồng bo bo xen canh cao su tại Nông trường Minh Hưng, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng. Ảnh: Tùng Châu

Trồng hoa màu mang lại thu nhập cao

Mở đầu diễn đàn, tác giả Nguyễn Sinh đã đề xuất về các mô hình trồng cây đu đủ và cây chanh trên vườn cao su của bà con cao su tiểu điền đã thực hiện hiệu quả ở Bình Phước. Bài viết dẫn lời ông Tư Thành (Thị xã Bình Long) cho biết: “Cứ giữa hai hàng cao su ta lại trồng xen hai hàng đu đủ, khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng bắt đầu bón phân cho đu đủ một lần kết hợp tưới nước thường xuyên. Đất được giữ ẩm và bổ sung lượng dinh dưỡng cần thiết cho đu đủ vô hình trung làm cho cây cao su cũng hấp thụ được và phát triển xanh tốt. Do vậy, suốt mấy năm qua, vườn cao su trồng xen của gia đình tôi không phải bón phân mà cây vẫn xanh tốt, rõ ràng giảm được một khoản tiền không nhỏ”.

Tương tự cây chanh tứ quý cũng được anh Mười Dũng, cũng ở Thị xã Bình Long trồng xen hiệu quả, vì cây chanh có thể phát triển tốt trong vườn cao su, ngược lại cây cao su sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây chanh. Phản hồi về bài viết này, bạn Thu Dung cho rằng, đối với cao su tiểu điền đây là cách làm hiệu quả. Còn với doanh nghiệp có diện tích lớn, đầu ra sản phẩm cũng là vấn đề cần phải xem xét.

Cân nhắc với cây keo lai

Theo bạn Thu Dung, với cách làm của doanh nghiệp trồng cao su quản lý diện tích đất đai lớn, không nên trồng manh mún nhỏ lẻ mà cần xác định loại cây “chiến lược” có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Về vấn đề này, bạn Huỳnh Minh gửi đến Diễn đàn bài viết “Nhiều lợi ích khi trồng xen keo lai trong vườn cao su”. Theo bạn Minh thì keo lai là một loại cây có giá trị kinh tế cao, thích hợp với hầu hết các loại đất, dễ trồng và được một số địa phương chọn là cây “xóa nghèo” giúp đời sống bà con ngày càng ổn định bởi giá trị mà cây đem lại. Thực tế thì trong VRG đã có đơn vị trồng keo lai, và hiệu quả đem lại khá cao, đầu ra ổn định. “Keo lai có sức sinh trưởng nhanh hơn cây bố mẹ. Cây có thể cao từ 25 – 30m, đường kính 60 – 80cm, cây ưa sáng, mọc nhanh và có khả năng cải tạo đất, chống xói mòn, chống cháy rừng. Gỗ thẳng, màu vàng trắng có vân, có giác lõi để phân biệt. Gỗ có tác dụng nhiều mặt như: nguyên liệu giấy, sử dụng trong xây dựng, đóng đồ mộc, mỹ nghệ, xuất khẩu”, bạn Minh viết.

Tuy nhiên nhiều bạn đọc khác khi tham gia thảo luận đã nêu ý kiến cần cân nhắc, cẩn trọng về việc cây keo lai có cạnh tranh dinh dưỡng hay lây bệnh cho cao su hay không. Điển hình như ý kiến của bạn Trần Văn Hoàng: “Vấn đề này cũng có cái hay cái dở. Keo lai hiện tại có giá đang khá ổn định, với giá 150 triệu/ha cho vườn cây 6 năm tuổi, trên đất trắng pha cát, không phải chăm bón phân. Còn với đất đỏ thì có thể nhanh hơn. Cây này trồng xen thì có thể lấy ngắn nuôi dài và giảm chi phí đầu tư.

Ở góc độ doanh nghiệp, nhiều mô hình trồng xen canh các loại cây hoa màu với mục đích tăng thu nhập cho công nhân trong thời điểm giá cao su ở mức thấp cũng được đăng tải trên Diễn đàn. Tiêu biểu là mô hình tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị do bạn Nguyễn Đăng Sỹ viết. Bạn Sỹ nêu kinh nghiệm của Công ty Quảng Trị về việc trồng xen các loại hoa màu như dưa hấu, lúa nếp, lạc, nghệ trong nhiều năm qua. Cụ thể hiệu quả rất cao như lợi nhuận thu về từ 15 – 20 triệu đồng/ha/vụ…

Tuy nhiên ngược lại có 2 vấn đề cần lưu ý, thứ nhất kỹ thuật trồng keo lai cần được chú trọng. Tôi đã đến xem cây keo lai xen cao su tại Công ty CS Bình Long, ở đây kỹ thuật trồng chưa được tốt, do khi trồng chưa biết cách bồn cho keo nên keo lai bị úng cục bộ không phát triển được. Thứ hai là cần phải thận trọng lưu ý việc phòng trị bệnh nấm hồng từ keo lai qua cao su. Vì bệnh nấm hồng trên keo lai rất khó trị. Trồng xen với cao su sẽ rất dễ lây lan. Ngoài ra diện tích trồng keo lai nên trồng dày hơn mật độ cao su để nâng trữ lượng rừng. Về sau kỹ thuật còn phải biết cách tỉa cành, và tính trữ lượng cao su để đảm bảo. Bên cạnh đó việc phòng chống cháy cũng là 1 vấn đề”.

Tương tự, bạn Nguyễn Chương cho rằng cần nghiên cứu kỹ và nên trồng theo hàng kép. Bạn Trần Hoài thì cho rằng “Quan trọng của trồng xen canh ngoài giá trị kinh tế còn xem xét việc ảnh hưởng xấu đến cây trồng chính hay không? Cây keo lai có cạnh tranh dinh dưỡng với cây cao su hay không?”. Riêng bạn Nguyễn Đăng Sỹ thì tán đồng quan điểm trồng xen cây keo lai giữa vườn cây KTCB. Bạn Sỹ bổ sung thêm “Với cách thiết kế 2,5 x 5 x 12 mét được cho là phù hợp, có thể trồng xen đến năm thứ 6 thứ 7. Có nghĩa là mật độ cây cách cây 2,5 mét, hàng cách hàng 5 mét và hàng kế tiếp xen kẽ cách 12 mét…”.

Chia sẻ trên mạng xã hội Facebook của Tạp chí CSVN, bạn Duy Linh Hồ cho rằng đây là ý tưởng hay nhưng cần phải thử nghiệm để xác định mật độ trồng xen thích hợp, vì keo lai có bộ rễ khỏe sẽ tranh chấp dinh dưỡng và nước với cây cao su nhất là trong mùa khô. Còn bạn Tiến Vũ Thương Lâm thì lo ngại quan hệ cạnh tranh quá lớn từ ánh sáng đến dinh dưỡng nước nên tính khả thi sẽ không cao.

Quốc Khánh

http://tapchicaosu.vn/goc-ban-doc/ban-doc-toa-soan/dien-dan-trong-cay-gi-nang-cao-hieu-qua-su-dung-dat-nhieu-mo-hinh-hay-hieu-qua.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ