Đẩy mạnh tiết giảm giá thành, mở rộng thị trường 03/02/2016
Ông Lê Xuân Hòe và ông Huỳnh Trung Trực – Phó TGĐ VRG kiểm tra sản phẩm của Công ty CP Chỉ sợi Cao su VRG SADO. Ảnh: Vũ Phong.
Năm 2015: Giá trị xuất khẩu giảm 10% so năm 2014
Năm 2015, tất cả những yếu tố chính ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và giá bán cao su như: sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, nguồn cung cao su, giá dầu mỏ, sự suy thoái của ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới … đều diễn biến không thuận lợi, đã đẩy giá cao su rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, dù sản lượng cao su thế giới đã giảm 1,9% so với năm 2014.
Năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của VN ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng 3% về lượng, giá trị ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm khoảng 10% so với năm 2014. Riêng VRG, năm 2015 đã tiêu thụ 381.374 tấn cao su các loại, đạt 118% so với năm 2014, trong đó tiêu thụ nội địa 226.600 tấn, XK và ủy thác XK 154.708 tấn. Giá bán bình quân là 30,54 triệu đồng/tấn, doanh thu cao su toàn VRG đạt 10.707 tỷ đồng, bằng 87,1% năm 2014.
Bước vào năm 2016, ngành cao su VN sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế thế giới và trong nước chưa có nhiều khởi sắc. Tình hình này khiến thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước và quốc tế trì trệ, sụt giảm. Cùng với đó, nguồn cung dồi dào từ các quốc gia có thế mạnh về cao su đã tạo áp lực giảm giá và dự kiến sẽ tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.
Linh hoạt ứng phó
Năm 2015, VRG cùng với Hiệp hội Cao su VN tập trung xây dựng thương hiệu ngành cao su VN và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước áp dụng các chính sách thuế và ưu đãi đầu tư để ngành cao su có điều kiện thông thoáng về sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài còn cần những phương án đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chú trọng nâng cao chất lượng cao su. Ảnh: Tùng Châu
Trên cơ sở các chính sách của VRG, các đơn vị đã chủ động vận dụng linh hoạt và phù hợp với điều kiện đặc thù của từng đơn vị để ứng phó hiệu quả với tình hình tiêu thụ cao su. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong ngắn hạn, dài hạn trên cơ sở phân tích nhu cầu của khách hàng và lợi thế sản xuất của đơn vị cũng như hiệu quả kinh tế để vừa duy trì thị trường xuất khẩu vừa hướng đến mở rộng thị trường nội địa.
Cùng với đó, triệt để giảm giá thành và tiết kiệm chi phí nhưng luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại của đơn vị. Tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu của đơn vị kết hợp với xây dựng thương hiệu toàn ngành cao su VN. Gắn nhãn mác riêng cho sản phẩm của đơn vị và sản phẩm gia công. Tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác. Tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Cao su VN và VRG để có thông tin kịp thời về giá cả, thị trường; hạn chế hiện tượng phá giá, tranh mua tranh bán làm thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và uy tín của ngành cao su VN.
Nhiều dấu hiệu khởi sắc trong năm 2016
Năm 2016, thị trường tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng hơn năm 2015 nhưng có tốc độ chậm. Thứ nhất, nguồn cung cao su thế giới được dự báo sẽ giảm trong năm 2016 do các quốc gia sản xuất cao su lớn trên thế giới đã có những chính sách kìm hãm sản lượng. Thứ hai, các nước sản xuất cao su tự nhiên lớn trên thế giới đang tổ chức thực hiện liên kết, quản lý nguồn cung cân đối phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và các tác nhân khác trong ngành cao su. Thứ ba, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc đang dần phục hồi sẽ có tác động tích cực đến cầu tiêu thụ cao su trên thế giới. Thứ tư, tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể.
Với tương lai khả quan của ngành cao su thế giới, xuất khẩu cao su của VN được kỳ vọng có triển vọng tốt hơn trong năm 2016, dù giá trị xuất khẩu trong năm 2016 vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Lượng xuất khẩu cao su của VN tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc.
Đóng gói cao su xuất khẩu. Ảnh: Tùng Châu
Trước bối cảnh thị trường tiêu thụ cao su năm 2016 còn nhiều khó khăn, để mở rộng thị trường tiêu thụ và hỗ trợ các thành viên tìm kiếm khách hàng, VRG sẽ tập trung củng cố hệ thống quản lý chất lượng trong toàn Tập đoàn, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. VRG tiếp tục phát triển thị trường nội địa từ 30% đến 50%. Trong công tác điều hành, VRG sẽ ban hành giá sàn kịp thời với diễn biến của thị trường. Đồng thời, nâng cao công tác cập nhật thông tin, nghiên cứu thị trường để làm cơ sở cho các hoạt động ban hành giá sàn, có chính sách thu mua cao su tiểu điền linh hoạt để tạo thuận lợi cho các thành viên.
Về hướng phát triển công nghiệp chế biến, năm 2015, Công ty CP Chỉ sợi Cao su VRG SADO đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ là dấu ấn trong toàn ngành. Năm 2016, VRG sẽ tập trung vào sản phẩm nhúng để tận dụng lợi thế quy mô lớn về diện tích của cao su đại điền với chất lượng mủ tốt và ổn định. VRG tiếp tục chuyển đổi cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên và tăng tỷ lệ SVR 10, SVR 20 nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà chế biến sản phẩm cao su và lốp xe.
Ngọc Cẩm (ghi)
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)