logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Cần xây dựng sản phẩm chiến lược quốc gia cho ngành cao su 04/01/2016

Các DN sản xuất cao su nguyên liệu chưa chú trọng thị trường nội địa dẫn đến DN săm lốp phải nhập khẩu để sản xuất. Ảnh: Tùng Châu

Các DN sản xuất cao su nguyên liệu chưa chú trọng thị trường nội địa dẫn đến DN săm lốp phải nhập khẩu để sản xuất. Ảnh: Tùng Châu

Giai đoạn 2010 – 2014, Việt Nam nhập khẩu cao su thiên nhiên bình quân 320.000 tấn/năm (tương đương 37% sản lượng khai thác trong nước). Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia chiếm hơn 88,4% về lượng và 86,8% về kim ngạch nhập khẩu cao su thiên nhiên (CSTN) của Việt Nam. Vậy đâu là nguyên nhân nghịch lý này?

Tại Hội nghị Đẩy mạnh chế biến và tiêu thụ cao su thiên nhiên (ngày 11/12, tại TP.HCM), đại diện Cục chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho rằng do quy mô sản xuất trong nước chưa cao, chất lượng CSTN không phù hợp và chưa ổn định. Ngoài ra do gia tăng nhu cầu tạm nhập tái xuất CSTN với giá rẻ sau đó tái xuất (chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc) và hưởng chênh lệch giá.

Bên cạnh đó, do nhu cầu nguyên liệu tăng mạnh từ các loại DN sản xuất săm lốp nội địa và nước ngoài đang hoạt động trong nước. Một vài chủng loại cao su dùng cho săm lốp ít được sản xuất trong nước do tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với các dòng sản phẩm dành cho xuất khẩu.

Vì vậy, đa số các DN sản xuất cao su trong nước ưu tiên vào các sản phẩm xuất khẩu. Điều này dẫn đến việc phải nhập các dòng sản phẩm CSTN bị thiếu hụt để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu nội địa.

Thêm vào đó, theo các Hiệp định đã ký kết, CSTN của các nước trong khu vực Đông Nam Á khi nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được miễn thuế, điều này tạo sự cạnh tranh gay gắt với cao su nội địa, nhất là nguồn cao su từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia có giá rẻ hơn, chất lượng ổn định và chủng loại phù hợp với các nhà sản xuất lốp xe tại Việt Nam.

Thông tin từ ông Nguyễn Mạnh Sơn – Phó TGĐ Công ty CPCS ĐàNẵng, mỗi năm đơn vị này có nhu cầu sử dụng 20.000 tấn cao su các loại, trong đó VRG cung cấp 5.000 tấn, còn lại 15.000 tấn mua các công ty bên ngoài. Năm 2017, công ty sẽ đầu tư dự án để sản xuất từ 5 – 6 triệu bộ lốp xe. Vị đại diện Cao su Đà Nẵng cho biết rất muốn sử dụng nguồn cao su của VRG và hy vọng các công ty thành viên Tập đoàn sẽ đáp ứng được các nhu cầu, tiêu chuẩn của nhà máy.

Trong Quy hoạch phát triển sản xuất sản phẩm cao su Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của Bộ Công Thương (QĐ số 4665/ QĐ-BCT, ngày 14/5/2015), nhấn mạnh phấn đấu đến năm 2020 hầu hết các cơ sở sản xuất sản phẩm cao su có nhu cầu sử dụng nguyên liệu CSTN sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất.

“Chúng tôi đánh giá cao chất lượng của CSTN Việt Nam. 70% sản lượng cao su sản xuất là để cung cấp cho các nhà máy sản xuất săm lốp. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các DN chạy theo hướng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mà chưa thực sự chú trọng đến việc tiêu thụ nội địa. Chủng loại dùng cho săm lốp chủ yếu là SVR 10, SVR 20, trong đó SVR 10 chiếm đến 70 – 75%. Vì vậy, các DN phải quan tâm đến việc điều chỉnh cơ cấu để đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất săm lốp.

Chúng tôi phải nhập khẩu một số sản phẩm mủ từ nước ngoài là do chủng loại này tại Việt Nam còn thiếu. Trong thời gian sắp tới, các DN sản xuất lốp xe ở nước ngoài sẽ đến đầu tư tại Việt Nam để tranh thủ nguồn nguyên liệu, lao động và ưu đãi về thuế. Do đó, nhu cầu sử dụng CSTN của các nhà sản xuất rất lớn.

Các DN sản xuất cũng nên tranh thủ cơ hội này để nâng cao chất lượng sản phẩm để bán được cho thị trường trong nước”, ông Sơn phân tích.

Đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, phát triển sản phẩm CN cao su

Hiện nay, có nhiều nhà máy sản xuất săm lốp hàng đầu trên thế giới như Bridgeston, Sailun, Yokohama… đầu tư nhà máy tại Việt Nam để xuất khẩu đi các nước. Năng lực sản xuất của các nhà máy này rất lớn vì vậy cần nguồn cung ổn định, chất lượng. Nếu CSTN của các DN nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy sản xuất này thì hiệu quả thu về rất cao.

Dự kiến đến năm 2020, VRG sẽ tiêu thụ khoảng 43.000 tấn/năm cao su nguyên liệu. Trong ảnh: Lãnh đạo VRG kiểm tra sản phẩm chỉ sợi cao su VRG SADO vừa đưa vào hoạt động. Ảnh: Vũ Phong

Dự kiến đến năm 2020, VRG sẽ tiêu thụ khoảng 43.000 tấn/năm cao su nguyên liệu. Trong ảnh: Lãnh đạo VRG kiểm tra sản phẩm chỉ sợi cao su VRG SADO vừa đưa vào hoạt động. Ảnh: Vũ Phong

Về phía VRG, hiện có các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su như bóng thể thao, găng tay, nệm, băng tải cao su, chỉ thun. “Hàng năm, các nhà máy này tiêu thụ khoảng 23.000 tấn cao su nguyên liệu, chiếm 7% sản lượng cao su khai thác của VRG. Dự kiến đến năm 2020, ngành sản xuất công nghiệp nhẹ của VRG sẽ tiêu thụ 43.000 tấn/ năm cao su nguyên liệu. Một trong những mục tiêu Tập đoàn hướng đến là gia tăng tiêu thụ nội địa để phát triển sản phẩm công nghiệp cao su trong nước và góp phần tăng giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm”, ông Võ Hoàng An – Tổng Thư ký Hiệp hội CSVN, Trưởng ban XNK VRG cho hay.

Để tăng cường sử dụng cao su nguyên liệu trong nước cần có sự đồng bộ trong việc áp dụng các giải pháp cụ thể: Rà soát quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến CSTN gắn với vùng nguyên liệu và thị trường; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, công nghệ và nâng cao chất lượng; triển khai nhân rộng mô hình liên kết “Nhà sản xuất cam kết cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà chế biến sản phẩm thông qua hợp đồng dài hạn”…

Theo TS Lưu Hoàng Ngọc – Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, lý do Sailun, hay các nhà máy sản xuất lốp xe tại Việt Nam nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Indonesia. Vì chất lượng CSTN của Việt Nam không ổn định, nơi thì cao, nơi thì thấp. “Chúng ta không thể để chất lượng nay thế này, mai thế kia được, mà cần phải nâng lên theo quy chuẩn. Có như vậy thì cao su mới đứng vững được trong thị trường nội địa và quốc tế”, ông Ngọc đề xuất.

Xác định sản phẩm chiến lược quốc gia

Ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP.HCM trăn trở: “Làm thế nào để tăng lượng tiêu thụ CSTN trong nước. Để làm được điều này cần sự chung tay của Bộ, ngành và các DN trong việc mời gọi các nhà sản xuất lốp xe đến Việt Nam càng nhiều càng tốt. Bridgeston, Sailun mỗi năm cần vài trăm ngàn tấn để sản xuất lốp xe, nếu các DN nâng cao chất lượng cao su, có cơ cấu sản phẩm hợp lý, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật thì việc hợp tác với họ sẽ giúp đẩy mạnh lượng tiêu thụ cao su nội địa.

Thứ nữa, Việt Nam cần phải xác định chiến lược sản phẩm quốc gia của ngành cao su là gì, tập trung vào lĩnh vực gì? Đơn cử, Malaysia tập trung vào sản phẩm nhúng, cao su sản xuất ra tiêu thụ được hết. Việt Nam không thể nào “chọi” lại với các Tập đoàn sản xuất săm lốp hàng đầu thế giới. Vì vậy, chúng ta phải chọn thị trường “ngách”. Nghĩa là nên chọn thị trường có phân khúc rõ ràng, dễ tính, vừa tầm để đầu tư.

Ví dụ, chúng ta nên tập trung đầu tư vào sản xuất ruột, lốp xe đạp và xe máy vì lượng xe này hiện nay rất nhiều. Nếu chúng ta có chiến lược đầu tư cụ thể, xác định được mục tiêu, phương hướng phát triển thích hợp thì việc thúc đẩy tiêu thụ CSTN nội địa sẽ thắng thế”.

Đồng tình với quan điểm này, Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe cho biết thêm, để xác định được sản phẩm chiến lược quốc gia – sản phẩm nhúng, Malaysia đã phải mời chuyên gia tư vấn nước ngoài trong 10 năm trời. Năm 2016, Malaysia còn xây dựng “Thành phố Cao su”, tập trung sản xuất các sản phẩm cao su như lốp xe, găng tay và các sản phẩm khác. Tham vọng của họ sẽ trở thành một “hành lang cao su”, một trung tâm kết nối các nước sản xuất cao su hàng đầu trong khu vực.

“Trong thời gian gần, Việt Nam ưu tiên phát triển sản xuất sản phẩm cao su nhúng là lựa chọn phù hợp. Bởi chúng ta có sản phẩm cao su latex có chất lượng rất tốt, được sản xuất với quy mô đại điền, sản lượng lớn. Hiện nay, Tập đoàn có 2 nhà máy sản xuất sản phẩm nhúng. Công ty CP VRG Khải Hoàn năm 2014 sản xuất hơn 2,5 tỷ chiếc găng tay, hiện đang mở rộng quy mô sản xuất.
Còn nhà máy sản xuất chỉ thun tại Đồng Nai công suất 5.000 tấn/năm vừa đi vào hoạt động”, ông Hòe cho biết.

Quỳnh Mai – Bình Nguyên

http://tapchicaosu.vn/tin-tuc/thi-truong-cao-su/thi-truong-trong-nuoc/can-xay-dung-san-pham-chien-luoc-quoc-gia-cho-nganh-cao-su.html

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ