Điểm tình hình thị trường cao su từ ngày 3/8 đến ngày 7/8 10/08/2015
Thị trường thế giới: Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo (Tocom) tuần qua tiếp tục xu hướng đi xuống do giá dầu giảm, tình trạng dư cung tiếp diễn. Kể từ phiên giao dịch 30/7, các hợp đồng cao su kỳ hạn liên tục giảm giá do thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc khiến các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu tiêu thụ cao su của nước này kết hợp với giá dầu thế giới giảm mạnh đã góp phần gia tăng sức ép lên giá cao su. Trong tuần, giá cao su giảm sâu vào cuối phiên 4/8, chạm mức thấp nhất trong 4 tháng qua, với hợp đồng cao su giao tháng 12/2015 tụt xuống chỉ còn 192,6 Yên/kg, giảm 8,9 Yên/kg so với cuối tuần trước. Giá cao su giao tháng 1/2016 giảm 3 Yên/kg, hay giảm hơn 1,5% xuống 194,4 Yên/kg. Phiên trước, giá giảm hơn 3% xuống 196,5 Yên/kg, thấp nhất kể từ ngày 9/4.
Thị trường cao su thế giới đồng loạt sụt giảm sau số liệu kinh tế thất vọng của Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn cung vẫn tương đối lớn. Cao su tồn kho tại các kho theo khảo sát của sàn Thượng Hải đã tăng lên 181.714 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 31/7, tăng 36% so với tuần kết thúc vào ngày 24/4. Tồn kho cao su tăng nhanh ngay cả khi nhập khẩu cao su thiên nhiên của Trung Quốc chậm lại. Nhập khẩu cao su tháng 6 của Trung Quốc đạt 155.084 tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm 20,5% xuống 1,128 triệu tấn.
Theo báo cáo mới được đưa ra bởi công ty Nghiên cứu thị trường Transparency, thị trường cao su tổng hợp toàn cầu đạt 29.121,2 triệu USD năm 2014 và dự kiến sẽ đạt 45.767,1 triệu USD vào năm 2023, với tốc độ tăng bình quân 5,1% trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2023. Một trong những nhân tố chủ yếu khiến người tiêu dùng cao su chuyển từ cao su thiên nhiên sang cao su tổng hợp là sự biến động mạnh của giá cao su thiên nhiên. Sự biến động giá trên thị trường cao su thiên nhiên chủ yếu do ảnh hưởng bởi các yếu tố như nguồn cung không phù hợp, giá nguyên liệu biến động, các ràng buộc địa lý đối với các vườn cao su, khoảng cách vận chuyển dài và nhu cầu gia tăng nhanh chóng đối với cao su trên thị trường toàn cầu.
Thị trường trong nước: Tuần qua, giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước giữ ổn định ở mức thấp 7.040 đ/kg đối với mủ cao su dạng nước (32 độ/kg). Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương cũng diễn biến giảm trong tuần qua, với mức giảm tương đối mạnh. Cụ thể: cao su SVR 3L giảm từ 26.800 đ/kg (30/7) xuống chỉ còn 25.300 đ/kg (6/8); cao su SVR10 giảm từ 22.100 đ/kg xuống chỉ còn 20.800 đ/kg.
Tuần từ 27/7 – 31/7/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán giữ ổn định trong cả tuần, giá SVR 3L xuất khẩu chào bán vẫn là 1.590 USD/tấn, không thay đổi so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước đó. Kết thúc tháng 7/2015, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.638 USD/tấn, giảm 144 USD/tấn (-8,1%) so với mức trung bình trong tháng 6/2015, và giảm 262 USD/tấn (-13,8%) so với tháng 7/2014.
Về hoạt động thương mại tại cửa khẩu Móng Cái, xuất khẩu cao su hỗn hợp sang thị trường Trung Quốc qua tuyến biên giới phía Bắc vẫn trầm lắng trong tuần qua, riêng cửa khẩu Móng Cái đã tạm ngừng giao dịch do mưa lớn. Nhu cầu đối với mặt hàng cao su hỗn hợp giảm sút đã làm giá nguyên liệu này tiếp tục hạ. Cụ thể, sản phẩm cao su hỗn hợp chất lượng loại 1 của các Công ty, đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam giảm khoảng 200 NDT/tấn, xuống còn 9.300 NDT/tấn. Sản phẩm cao su chất lượng loại 2 của lực lượng cao su “tiểu điền” giảm từ 9.200 NDT/tấn xuống còn 9.000 NDT/tấn. Tình hình giao dịch các sản phẩm cao su hỗn hợp trong tuần qua kém nhộn nhịp. Riêng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã ngừng hẳn vì thiếu khách mua hàng, mặt khác nước sông biên giới những ngày qua luôn dâng cao, vận chuyển hàng bằng thuyền nhỏ gặp nhiều khó khăn. Tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng tuy vẫn có giao dịch kín cả tuần, song khối lượng bình quân chỉ đạt khoảng 550 tấn. Các đơn vị xuất khẩu đang mở rộng tiếp thị để nâng khối lượng giao dịch lên 800 tấn/ngày ở cả ba cửa khẩu. Hiện tại, ba cửa khẩu này vẫn giao dịch ổn định qua đường tiểu ngạch theo quy định của phía Trung Quốc.
http://thitruongcaosu.net/2015/08/08/diem-tinh-hinh-thi-truong-cao-su-tu-ngay-38-den-ngay-78/
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)