Nhiều biện pháp chủ động ứng phó với tình hình tiêu thụ và diễn biến giá cao su những tháng cuối năm 10/09/2013
Vẫn có những đơn vị tiêu thụ tốt
Đến 16/8, toàn VRG đã tiêu thụ 149.758 tấn cao su các loại, trong đó xuất khẩu (XK) và ủy thác XK 69.369 tấn, nội tiêu 80.388 tấn. Dù thị trường tiêu thụ diễn biến bất lợi, giá bán giảm mạnh, nhưng theo đánh giá chung của VRG, tình hình tiêu thụ toàn VRG vẫn có những điểm sáng nhất định.
Đáng chú ý là một số đơn vị có sản lượng lớn ở miền Đông như Phú Riềng, Đồng Nai, Dầu Tiếng, Phước Hòa…, vẫn tiêu thụ tốt. Được vậy là nhờ các công ty này đã ký các hợp đồng bán hàng dài hạn với lượng tiêu thụ lớn, chủ yếu là XK. Dù có nhiều thời điểm giá bán hợp đồng dài hạn (HĐDH) cao hơn bán chuyến, nhưng nhờ vào chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu và quan hệ tốt với khách hàng, nên việc hủy hợp đồng hiếm khi xảy ra.
Giá bán bình quân toàn VRG tính đến hết ngày 16/8 đạt 55,6 triệu đồng/tấn, bằng 80,5% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có một số đơn vị có giá bán khá cao so với giá bình quân chung, như: Việt-Lào (57,5 triệu đồng/tấn), Dầu Tiếng (56,9 triệu), Lộc Ninh (56,5 triệu), Phước Hòa (55,8 triệu), Bà Rịa (55,6 triệu)…Theo các công ty, những loại mủ tờ, mủ ly tâm, 3L vẫn tiêu thụ tốt; trong khi mủ CV 50, 60 khó bán, nhất là trong hai tháng 6 và 7/2013.
Nóng bỏng giá sàn và chênh lệch giá
Vấn đề khiến nhiều thành viên Hội đồng giá (HĐG) quan tâm nhất là cơ chế ban hành giá sàn. Khá nhiều ý kiến cho rằng, dù đầu năm đến nay, HĐG đã ban hành 38 lượt giá sàn, nhưng nhìn chung vẫn chưa theo kịp diễn biến của thị trường, chưa sát với thị trường. Vì vậy, các công ty lúng túng trong việc tiêu thụ, bỏ lỡ thời cơ bán hàng. Lãnh đạo các công ty Phước Hòa, Hòa Bình, Bà Rịa, Kon Tum, Chư Sê…, đề nghị VRG cần ban hành giá sàn linh hoạt, kịp thời và phù hợp giá thị trường hơn. Cũng có khá nhiều ý kiến đề nghị nên mở rộng thường trực HĐG, từ 2 thành viên hiện nay lên 5-7 thành viên.
Tình trạng chênh lệch giá giữa mủ SVR CV và mủ SVR 3L cũng là vấn đề được nhiều lãnh đạo các CTCS quan tâm. Việc chênh lệch giá sàn giữa hai chủng loại sản phẩm này lên đến 100-150 USD/tấn như thời gian qua là không thực tế và không hợp lý. Nhiều ý kiến đề nghị nên thu hẹp biên độ chênh lệch giá giữa mủ SVR CV và mủ SVR 3L để các công ty dễ bán hàng hơn.
Thời gian qua, giá HĐDH cao hơn giá bán hàng chuyến cũng khiến các công ty có tỉ lệ ký HĐDH lớn gặp khó khăn. Ông Nguyễn Tiến Đức – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết: “Tỉ lệ HĐDH của Dầu Tiếng lên đến 73% sản lượng tiêu thụ. Thời gian qua, chúng tôi nhận khá nhiều than phiền từ phía khách hàng về việc giá HĐDH cao hơn giá chuyến. Dù họ vẫn lấy hàng nhưng nếu để kéo dài, khách hàng chịu thiệt thì chưa biết họ sẽ phản ứng ra sao”.
Thực tế, đã có một vài khách hàng đã không lấy hàng, hủy HĐDH (nhất là với khách hàng đầu cơ) để chuyển qua mua hàng chuyến có lợi hơn, khiến phía bán hàng gặp rất nhiều khó khăn.
GIÁ BÁN NĂM 2013 CÓ THỂ ĐẠT 50 TRIỆU ĐỒNG/TẤN
Theo Ban Kế hoạch - Đầu tư VRG, với tình hình khai thác và tiêu thụ như 8 tháng đầu năm nay, VRG có thể hoàn thành và vượt một số chỉ tiêu khối lượng đã đăng ký. Trong khi đó, trên cơ sở giá bán 8 tháng đầu năm và dự báo giá bán cao su từ nay đến cuối năm của Ban XNK (dao động từ 42-50 triệu đồng/tấn), Ban Tài chính Kế toán VRG dự tính giá bán bình quân cả năm 2013 có thể đạt 50 triệu đồng/tấn. Để tăng lợi nhuận, Ban Tài chính Kế toán VRG đề nghị các đơn vị thắt chặt chi tiêu, tìm biện pháp hạ giá thành sản phẩm ở mức 40 triệu đồng/tấn, để đạt lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/tấn sản phẩm.
Sản xuất tới đâu, tiêu thụ đến đó
Tại cuộc họp HĐG ngày 22/8, Ban XNK VRG dẫn các nguồn tin khác nhau, có độ tin cậy cao nhằm phân tích, dự báo thị trường tiêu thụ và giá cao su trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Theo đó, thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn chưa thể tăng trưởng đột biến do khó khăn chung của kinh tế thế giới trong khi nguồn cung cao su tăng, vì vậy giá cao su sẽ khó có khả năng bật lên.
Căn cứ vào các dự báo của Ban XNK cũng như tình hình thực tế của các đơn vị, Ban lãnh đạo VRG chỉ đạo các công ty sản xuất tới đâu, tiêu thụ đến đó, hạn chế tối đa hàng tồn kho. “Việc đạt doanh thu sẽ đảm bảo mức tăng trưởng của mỗi đơn vị nói riêng và toàn Tập đoàn nói chung. Đồng thời, qua đó đảm bảo đơn giá tiền lương cho người lao động, tối thiểu bằng 80% của năm 2012”, ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG, nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Thuận – TGĐ VRG, Chủ tịch HĐG VRG, chỉ đạo các công ty phải chú trọng xây dựng chiến lược bán hàng theo hướng ổn định, bền vững, trong đó phải lường đến những tình huống xấu nhất để có giải pháp điều hành phù hợp. Ông Trần Ngọc Thuận cũng đã kết luận giải quyết từng vấn đề mà lãnh đạo các đơn vị thành viên nêu tại cuộc họp. TGĐ chỉ đạo Ban XNK VRG tăng cường hỗ trợ các đơn vị ở Tây Nguyên và miền Trung trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng tiêu thụ cao su dài hạn, ổn định, giảm dần phục thuộc thị trường mậu biên với Trung Quốc.
Thường trực HĐG sẽ bổ sung thêm 3 thành viên, nâng số lượng lên 5 thành viên. Việc ban hành giá sàn sẽ nhanh chóng hơn, sát thực hơn. Trong đó, sẽ có “cơ chế mềm”, trong thời điểm cụ thể sẽ cho phép các đơn vị ở Tây Nguyên và miền Trung bán hàng có giá thấp hơn so với giá sàn chung.
Đối với chênh lệch giá giữa HĐDH và bán chuyến, ông Thuận chỉ đạo khi mức giá chênh lệch từ 100 - 200 USD/tấn, các công ty bán hàng HĐDH phải thương lượng với khách hàng để có sự hỗ trợ về giá hoặc các hình thức “khuyến mãi” khác, để khách hàng không chịu thiệt. Ông Thuận lưu ý, không vì sự chệnh lệch này mà các công ty xem nhẹ phương thức bán hàng HĐDH, bởi đây giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo khâu tiêu thụ ổn định, bền vững. Đặc biệt, với những công ty chưa đạt tỉ lệ ký HĐDH theo chỉ đạo của VRG (khu vực Đông Nam bộ là 60%/tổng lượng tiêu thụ, trong đó có 80% XK; đối với các đơn vị ở Tây Nguyên và miền Trung là 40%, trong đó có 60% XK), càng phải tăng cường ký HĐDH.
Đối với chênh lệch giá giữa mủ SVR CV và mủ SVR 3L, quan điểm của lãnh đạo VRG là không quá mức 50-60 USD/tấn. Về công thức bán hàng năm 2014, lãnh đạo VRG cho biết sẽ giữ nguyên như năm 2013.
N.P
Nguồn: Tạp chí cao su Việt Nam
- VPUB – Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chúc Tết tỉnh Điện Biên (07/01/2025)
- Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 (06/01/2025)
- Giá cao su, đường biến động ra sao giai đoạn đầu năm 2025? (06/01/2025)
- Những vấn đề pháp lý thúc đẩy kinh tế số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á: Một số giải pháp và khuyến nghị (03/01/2025)
- Việt Nam vào top 15 nền kinh tế lớn châu Á: Doanh nghiệp muốn nắm cơ hội “ngàn năm có một” (03/01/2025)
- Bà Huỳnh Thị Nga được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cao su Chư Păh (03/01/2025)
- Cao su Việt Nam (GVR) được phê duyệt khu công nghiệp 360 ha tại Bình Dương (03/01/2025)
- Giá cao su hôm nay 3/1/2025: Giá cao su tăng - giảm trái chiều trên sàn SHFE, trong nước duy trì đà đi ngang (03/01/2025)
- Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm sáng nổi bật về tăng trưởng kinh tế (02/01/2025)
- Mô hình nông lâm kết hợp trồng cao su tại Thái Lan (02/01/2025)