logo
TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

Cây cao su ở xã Lùng Thàng 19/03/2015

(BLC) - Xã Lùng Thàng (huyện Sìn Hồ) cách trung tâm huyện gần 50km, có 10 bản, 684 hộ với 3.406 nhân khẩu. Những năm gần đây, cây cao su đã giúp người dân nơi đây thay đổi cuộc sống.

Sau gần 2 giờ đồng hồ chạy xe từ trung tâm huyện qua những khúc cua tay áo, sương mù phủ kín, chúng tôi đến xã Lùng Thàng. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến địa phận xã là màu xanh bạt ngàn của những đồi cây cao su. Ông Phàn A Lỵ - Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết: “Xác định cây cao su là loại cây đa mục đích, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa đóng vai trò như những cánh rừng phòng hộ, phủ xanh đồi trọc, chống xói mòn đất; do đó, từ năm 2008 khi tỉnh khởi động chương trình trồng cây cao su tại huyện Sìn Hồ, xã đã vận động bà con tham gia góp đất trồng cây cao su được hơn 200ha. Đến nay, toàn xã có gần 900ha cây cao su và gần 200 người tham gia làm công nhân cao su tại Nông trường Cao su Lùng Thàng, thuộc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu”. Thời gian đầu, để bà con hiểu được lợi ích của việc góp đất trồng cây cao su và tham gia làm công nhân cao su, chính quyền xã phối hợp với các bên liên quan tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại trung tâm xã, từng nhà dân hoặc lồng ghép vào các cuộc họp bản. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên của xã phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu tham gia góp đất trồng cây cao su. Tiêu biểu như gia đình ông Tao Văn Nọt - Phó Chủ tịch UBND xã tham gia góp 25ha đất.

Người dân xã Lùng Thàng chăm sóc cây cao su.

Cây cao su đang dần khẳng định vai trò của mình, góp phần giúp người dân xã Lùng Thàng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Trước năm 2010, xã có trên 500 hộ nghèo; đến nay, giảm còn 77 hộ, thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người/năm. Theo chân cán bộ xã đến gia đình anh Tao Văn Én (bản Can Hồ, xã Lùng Thàng) đúng lúc gia đình anh đang dựng nhà mới. Anh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Mặc dù có hơn 2ha đất nương nhưng chỉ cấy được một phần diện tích, năng suất lại thấp nên kinh tế gia đình tôi rất khó khăn. Khi được cán bộ xã tuyên truyền về cây cao su, gia đình tôi mạnh dạn đóng góp 2,2ha đất nương và đăng ký làm công nhân cao su. Thu nhập hàng tháng từ làm công nhân cao su giúp gia đình tôi cải thiện chất lượng cuộc sống, có điều kiện đầu tư mua con giống (lợn, gà) về phát triển kinh tế. Năm 2013, gia đình tôi đã thoát nghèo, có điều kiện mua sắm tivi, xe máy, các con được ăn, học đầy đủ”.

Ông Phàn A Lỵ - Chủ tịch UBND xã Lùng Thàng cho biết thêm: “Cái được lớn nhất khi người dân góp đất trồng cây cao su là tận dụng được các diện tích đất nương, đồi cằn cỗi chỉ sản xuất 1 vụ, năng suất thấp và diện tích đất đồi trọc không thể cấy lúa, ngô sang trồng cây cao su, nâng cao giá trị sử dụng đất. Làm công nhân cao su giúp bà con có thu nhập ổn định, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quan tâm chăm lo đảm bảo quyền lợi theo Bộ luật Lao động. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng. Những năm tới, người dân sẽ có thêm thu nhập từ việc cạo mủ và lợi tức trên diện tích đất đã đóng góp. Điều này củng cố thêm niềm tin của bà con vào chủ trương phát triển cây cao su của tỉnh”.

Ngọc Duy

http://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%C3%A2y-cao-su-%E1%BB%9F-x%C3%A3-l%C3%B9ng-th%C3%A0ng

ĐƠN VỊ TÀI TRỢ
ĐƠN VỊ TÀI TRỢ